Bí quyết để không bị ốm trong dịp Tết

07:54, 17/02/2015
|

(VnMedia) - Tết đến, khi thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với những người sức khỏe yếu, sức đề kháng giảm hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh.

Trong dịp lễ, Tết nhu cầu giao lưu, đi lại và tập trung đông người là cơ hội cho dịch bệnh có thể bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng, vì vậy, mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh trong dịp tết.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp chính cần thực hiện:

Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…

Hạn chế đến những chỗ đông người.Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng.

Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.

Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).

Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.



Những bệnh dễ mắc trong dịp Tết

Ngộ độc thực phẩm: Nếu không may bị ngộ độc thức ăn, một điều rất dễ xảy ra trong mấy ngày Tết, hãy tìm cách nôn hết số thực phẩm đó ra. Phải thường xuyên bổ sung orezol để bù lại lượng nước đã mất. Nếu thấy tình trạng nặng thì phải đi cấp cứu ngay. Tuyệt đối không được dùng thuốc cầm tiêu chảy.

Cảm lạnh: Khi bị cảm lạnh, bạn còn có các triệu chứng sốt, đau nhức mình mẩy. Khi chứng cảm lạnh kéo dài quá một tuần thì buộc phải đi khám ở bệnh viện vì có thể bạn đã bị cúm, hoặc bệnh cảm lạnh đã ở giai đoạn nặng, nếu không chữa trị sớm sẽ dẫn đến viêm phổi, phế quản, viêm xoang... Nếu không may bị cảm lạnh, bạn nên dùng nước đường nóng có vài lát gừng nướng chín, bổ sung vitamin C và ăn cháo gà nóng để nâng cao sức khỏe. Nếu mình mẩy đau nhức và sốt thì nên dùng thêm các thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường.

Cao huyết áp:  K hông nên uống rượu bia, hút thuốc lá, cần ngủ đủ và nghỉ ngơi ngay khi có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt. Người bị bệnh cao huyết áp nên mang thuốc hạ áp và lợi tiểu để xử lý kịp thời mọi bất trắc có thể xảy ra.

Đột quỵ: Tai biến này cũng thường tăng cao trong những ngày lễ tết. Phải gọi ngay cấp cứu khi thấy những dấu hiệu sau:  Mệt mỏi, tê cứng ở cánh tay, chân, mặt hay một bên cơ thể, h oa mắt, choáng váng khiến không nhìn thấy mọi vật, sây sẩm mặt mày, đứng không vững, khó nghe và khó nói.

Tiêu chảy: N guyên nhân gây bệnh có thể là dùng thức ăn kém vệ sinh hay ôi thiu, nhưng cũng có thể do không quen thức ăn hoặc ăn cùng một lúc những món kỵ nhau.   

Bệnh tiểu đường:  Ngày Tết, ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất béo cao, người mắc bệnh tiểu đường thì đường trong máu rất dễ tăng cao, một số người bệnh không uống thuốc đúng giờ, nếu để lỡ quên uống thuốc sẽ có cảm giác buồn nôn. Trong những ngày Tết bệnh nhân tiểu đường nên ăn uống lành mạnh và uống thuốc đúng giờ. Nếu vì quên uống và xuất hiện các chứng nôn mửa,  khó chịu thì nên kịp thời đến bệnh viện kiểm tra.

Viêm tuyến tuỵ cấp tính: Dịp Tết,  ăn nhiều uống nhiều là nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm tuyến tuỵ cấp tính.  Do vị trí phát bệnh không chính xác,  người bệnh sau khi ăn cơm khoảng từ 1 – 2 tiếng, xuất hiện đau bụng liên tục và mãnh liệt, đồng thời có cảm giác buồn nôn, oẹ.   Khi bệnh viêm tuyến tuỵ cấp tính phát tác bạn nên hoàn toàn ngừng ăn, không nên cho bất cứ một thứ gì vào miệng đồng thời lập tức đến bệnh viện.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc