Hà Nội: Chưa tìm thấy phẩy khuẩn tả

18:12, 21/08/2014
|

(VnMedia) - Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, chiều 20/8, công bố kết quả giám sát 41 mẫu xét nghiệm được lấy trong tháng 8/2014 đều không có phẩy khuẩn tả.

Trong tổng số mẫu xét nghiệm trên thì có 15 mẫu phân và nước được ngành y tế Hà Nội lấy tại khu vực lò mổ chó Dương Nội (Hà Đông), Đức Giang (Hoài Đức) và 10 mẫu nước bề mặt các sông hồ và 16 mẫu thực phẩm tại các chợ đầu mối Hà Nội.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Đây là động thái nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội sau khi Bộ Y tế thông báo đã phát hiện mẫu phẩy khuẩn tả lấy từ một cửa hàng bán ốc ở chợ đầu mối Bình Điền, giáp ranh với huyện Bình Chánh, TP.HCM. Nguy hiểm hơn, khuẩn tả phát hiện trong ốc bươu là loại từng gây đại dịch năm 2007 và con đường phát triển bệnh bắt đầu từ nguồn nước và thói quen ăn uống không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, dịch tả vẫn có diễn biến phức tạp tại Trung Mỹ, Trung Phi với khoảng từ 3 - 5 triệu người mắc, hơn 120.000 người tử vong. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, có hơn 300.000 trường hợp mắc tiêu chảy, trong đó 3 ca tử vong.

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy, trong đó có nguyên nhân do vi rút, vi khuẩn, nguy hiểm nhất là tiêu chảy do phẩy khuẩn tả (còn gọi là bệnh tả). Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, bệnh có liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường, nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân.

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh tiêu chảy là những người ăn uống và sống gần với người bị tiêu chảy dễ mắc bệnh nếu không áp dụng các biện pháp phòng bệnh; Dân cư tại những khu vực sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, đổ thẳng phân ra cống, mương, ao, hồ, sông, suối; Sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm; Có tập quán ăn uống không hợp vệ sinh, hay ăn rau sống, thủy hải sản chưa nấu chín kỹ; Sử dụng phân tươi hoặc phân chưa được xử lý đảm bảo vệ sinh trong trồng trọt; Dân cư tại khu vực bị ngập lụt và sau ngập lụt...


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc