Dịch Ebola: Dập dịch ngay từ ca bệnh đầu tiên

07:04, 11/08/2014
|

(VnMedia) - Hôm nay 11/8, Bộ Y tế  chính thức đưa vào vận hành Văn phòng đáp ứng khẩn cấp làm đầu mối phối hợp quốc tế (trong đó có phối hợp với WHO và Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ) và kết nối, hỗ trợ các địa phương trong trường hợp khẩn cấp để đối phó với dịch bệnh Ebola có nguy cơ lây lan vào Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên, Trung tâm đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp quốc gia đặt tại Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết với sự hỗ trợ của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, Trung tâm đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp của Việt Nam là nơi tiếp nhận và chia sẻ thông tin về dịch bệnh giữa nước ta và quốc tế. Hệ thống thiết bị tại trung tâm cho phép tiếp nhận và nắm bắt về diễn biến dịch bệnh 24/24 tại các điểm nóng về dịch bệnh bên ngoài quốc gia. Việc này cho phép Việt Nam dự báo tốt hơn diễn biến dịch nguy hiểm để có các giải pháp ứng phó.

Ông Trần Đắc Phu cho biết Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân, đồng thời chỉ định các bệnh viện làm nơi cách ly trong trường hợp phát hiện ca bệnh xâm nhập và có phương án mở rộng khu cách ly, thành lập bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch bệnh lan rộng. Khi có trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu sẽ chuyển về cơ sở điều trị cách ly gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), Bệnh việnTrung ương Huế, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, rà soát cơ sở cách ly, phương tiện vận chuyển cấp cứu, hóa chất chống dịch. Bộ cũng đã có kế hoạch mua khẩn cấp 10.000 bộ trang phục phòng hộ cá nhân, tổ chức tập huấn, diễn tập phòng, chống dịch cho cán bộ y tế và các cơ sở y tế.

Ông Phu cho biết tại Việt Nam mặc dù chưa ghi nhận ca bệnh nào nhưng Bộ Y tế nhìn nhận đây là bệnh dịch rất nguy hiểm vì vậy Bộ Y tế sẽ không chủ quan.

Ông Phu cũng lưu ý người dân nên bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng quá mức. Để phòng bệnh cần chú ý thực hiện vệ sinh cá nhân, môi trường thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, vệ sinh nhà cửa… Khi có dấu hiệu ho, sốt, mệt mỏi… thì nên đến cơ sở y tế kịp thời.

Ảnh minh họa
Dập dịch Ebola từ ca đầu tiên. Ảnh minh họa.

Lập khu cách ly khách nhập cảnh nghi nhiễm virú Ebola

Trước diễn biến phức tạp của dịch Ebola tại các nước vùng Tây Phi, chiều 10/8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu sân bay Nội Bài.

Tại đây, công tác kiểm tra tập trung vào việc bố trí nhân lực, tình trạng trang thiết bị, sự sẵn sàng các phương tiện vận chuyển, khu vực cách ly tạm thời khi có các trường hợp nghi nhiễm Ebola…

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm virus Ebola nhưng Hà Nội là đầu mối giao lưu trong nước cũng như quốc tế, hằng ngày có 7.000 - 8.000 khách quốc tế nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, trong đó có hành khách đến từ vùng có dịch, do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập là rất lớn. Qua kiểm tra, 2 máy đo thân nhiệt vẫn hoạt động 24/24h tại sân bay.

Ngoài ra, tại đây cũng đã bố trí 2 phòng cách ly với đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện bảo hộ và phương tiện cấp cứu bảo đảm khám phân loại, cách ly người bệnh, đồng thời, bố trí các xe cứu thương thường trực để vận chuyển người bệnh. Ngoài ra, tổ chức các kíp trực thường xuyên, xây dung phương án phân luồng hành khách, theo dõi hành khách chặt chẽ thông qua
việc áp dụng khai báo y tế với các hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch.

Sáng nay 11/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng sẽ trực tiếp đi kiểm tra công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu Nội Bài.

Cùng ngày, theo tin từ Bộ Y tế, để chủ động phòng chống dịch bệnh Ebola, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đưa ra các phương án với 8 nhóm giải pháp quan trọng, trong đó có các chỉ đạo cần thiết về cơchế điều hành, chuyên môn, kỹ thuật, truyền thông, hậu cần triển khai trên toàn quốc. Các phương án, kế hoạch giám sát và phát hiện bệnh; xét nghiệm; công tác thu dung và điều trị bệnh nhân… cũng đã được triển khai, kể cả phương án thành lập các bệnh viện dã chiến nếu bệnh dịch lâylan vào Việt Nam. Hiện, việc kiểm soát y tế đã được triển khai ở tất cả 5 cửa khẩu hàng không quốc tế và sẽ tiếp tục triển khai tại các cửa
khẩu đường bộ và đường biển.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc