Mùa hè: Coi chừng bệnh viêm não Nhật bản B

06:04, 02/06/2014
|

(VnMedia) - Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm vi rút viêm não Nhật Bản cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, có tỷ lệ để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Bệnh lây truyền qua muỗi đốt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.



Những năm gần đây, bệnh viêm não Nhật Bản B là một căn bệnh của trẻ em đã làm nhiều người quan tâm vì tỉ lệ tử vong cao và những di chứng tàn phế mà bệnh để lại cho trẻ.

Gọi là viêm não vì đây là bệnh nhiễm trùng thần kinh cấp tính làm tổn thương nặng nề bộ não.
Gọi là Nhật Bản-B vì vào năm 1935, tại Nhật Bản, các nhà khoa học đã lần đầu tiên tìm thấy nguyên nhân gây bệnh là một loại siêu vi thuộc nhóm B của một dòng siêu vi có tên là Arbovirus. Siêu vi viêm não Nhật Bản sống trong thiên nhiên ở các loài chim như: bông lau, rẻ quạt, sẻ nhà, chích chòe, cò, sáo, quạ, cu gáy... muỗi chích hút máu chim nhiễm siêu vi rồi chích truyền bệnh sang người, chủ yếu là trẻ em và gia súc như heo, bò, ngựa, dê, đặc biệt là heo. Tuy nhiên, không phải loài muỗi nào cũng truyền được bệnh mà chủ yếu là muỗi có tên khoa học là Culex Tritaeniorhycus.

Ở nước ta, loài muỗi này có nhiều ở miền Bắc, xuất hiện nhiều vào những mùa tháng nóng, thích hút máu gia súc, ban ngày sống trong các bụi cây ngoài vườn, đêm bay vào nhà hút máu gia súc và người, và thích đẻ trứng trong ruộng lúa, mương máng.

Tuy cùng bị nhiễm siêu vi viêm não Nhật Bản B nhưng chim sẽ không bị mắc bệnh, heo cũng bị nhiễm dạng tiềm tàng nhưng người thì có thể bị viêm não. Vì vậy cần tránh để chuồng chim chóc, chuồng nuôi heo ngay trong nhà vì có thể là ổ siêu vi viêm não Nhật Bản B.

Biểu hiểu chính của bệnh

- Sốt cao
- Nhức đầu dữ dội
- Buồn nôn và nôn.
- Cứng cổ
- Lú lẫn
- Co giật, đờ đẫn, hôn mê...

Đối với trẻ nhỏ thóp phồng (nếu còn thóp), khóc tăng lên khi trẻ thay đổi tư thế hoặc gồng cứng người. 

Nếu được cứu chữa kịp thời và tích cực, trẻ có thể khỏi bệnh nhưng bị những di chứng với nhiều mức độ nặng nhẹ như: bại liệt, cấm khẩu không nói được, mất trí nhớ, cử động dị thường ngoài ý muốn như: run rẩy, gồng cứng người, động kinh... tỉ lệ trẻ viêm não Nhật Bản B bị di chứng khá cao: có đến 80% trẻ khỏi bệnh bị những di chứng thần kinh-tâm thần, có khi vĩnh viễn.

Cách phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản B

Bệnh viêm não Nhật Bản B cho tới nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng có thể phòng ngừa. Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản B, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

- Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B cho trẻ đầy đủ và đúng lịch: mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

- Ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng các chất xua đuổi côn trùng để phòng muỗi đốt.

- Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh khu chăn nuôi, phát quang bụi rậm, khơi thông hoặc lấp các cống rãnh, thường xuyên diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng.

- Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc