Tết Giáp Ngọ: Không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào

06:48, 06/02/2014
|

(VnMedia)  - Theo tin từ hệ thống trực an toàn thực phẩm của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và 5 viện khu vực trên toàn quốc (Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên, Viện Vệ sinh Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh) và trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên toàn quốc không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong dịp Tết Giáp Ngọ năm 2014 (Tết Quý Tỵ năm 2013 ghi nhận 01 vụ ngộ độc thực phẩm tại tỉnh Tuyên Quang làm 5 người mắc và 1 người tử vong).

Trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng thực phẩm trong các Lễ hội truyền thống được gia tăng mạnh, quy mô rộng khắp trên phạm vi toàn quốc; thời tiết bất thường làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm; Tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn sẽ phát triển; Người tiêu dùng chủ quan, không có điều kiện lựa chọn thực phẩm an toàn để  sử dụng, do đó các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cần được tiếp tục triển khai tích cực, hiệu quả và đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương, cụ thể như sau:

- Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên các phương tiện thông tin. Đặc biệt tuyên truyền về tránh lạm dụng rượu, uống rượu không rõ nguồn gốc, không sử dụng nấm độc, cá nóc độc…

- Duy trì thường trực của các tổ, đội điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm để nắm bắt thông tin sớm, xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.

- Tiếp tục kiểm tra, giám sát phát hiện nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm để có biện pháp ngăn ngừa và cảnh báo sớm cho cộng đồng.

- Tiến hành thanh tra, kiểm tra để phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vi phạm trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm

- Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn Staphylococcus aureus: thường gặp nhất, vi khuẩn nhiễm từ sữa, thịt gia cầm nấu chưa chín, từ bàn tay hoặc da của người chế biến thức ăn bị nhiễm bẩn. Biểu hiện thường gặp người bị ngộ độc sẽ bị nôn ói, tiêu chảy sau bữa ăn từ 1 – 4 giờ, kéo dài đến 24 – 48 giờ, do nội độc tố tiết ra từ vi khuẩn, bệnh nhân không bị sốt.

- Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn E. coli: do nhiễm từ thịt cá, rau tươi, nước bị ô nhiễm phân người, bệnh nhân bị tiêu chảy sau bữa ăn từ 24 – 48 giờ, tiêu phân lỏng toàn nước.

- Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn Shigella spp: do nhiễm từ sữa và thực phẩm bị ẩm ướt, nhiễm phân. Bệnh nhân tiêu chảy phân có đàm máu và sốt cao 39 – 40OC sau 12 – 24 giờ sau khi ăn, bệnh nhân thường bị đau quặn bụng nhiều.

- Ngộ độc thức ăn do Samonella spp: lây nhiễm từ trứng, thịt gia cầm nấu chưa chín, bệnh nhân bị đau bụng, tiêu chảy và buồn nôn sau 6 – 48 giờ sau khi ăn, kéo dài từ 7 – 12 ngày, bệnh nhân thường sốt nhẹ 37,5OC – 38OC.

- Ngoài ra, còn những trường hợp ngộ độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác như: Campylobacter spp, Clostridium perfrigens, Bacillus cereus… đều gây đau bụng. tiêu chảy, nôn ói…nhưng tương đối hiếm gặp.

Đặc biệt những tác nhân khác gây ngộ độc như thuốc trừ sâu trong rau quả rửa không kỹ sẽ gây nhức đầu, mất trí nhớ, suy hô hấp, co giật… thường hay gặp ở nông thôn, tỷ lệ tử vong cao.

Xử trí ban đầu khi ngộ độc thực phẩm

Khi phát hiện ngộ độc thực phẩm nên ngưng ngay những thức ăn bị nghi ngờ gây ngộ độc. Cần lưu ý tới toàn trạng của người bệnh để có cách xử trí phù hợp nhất

Nếu bệnh nhân vẫn tỉnh táo, cản giác hơi mệt mỏi, nôn ói và đi ngoài dưới 5 lần, mạch huyết áp bình thường có thể cho bệnh nhân theo dõi tại nhà, chú ý cho bệnh nhân ăn thức ăn lỏng mềm, dễ tiêu và đảm bảo thức ăn vừa được chế biến và an toàn vệ sinh thực phẩm tuyệt đối, cho bệnh nhân uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất nhất là các loại nước uống giàu vitamin. Nếu sau 2 ngày, các dấu hiệu ngộ độc thuyên giảm thì tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại nhà.

Nếu người bị ngộ độc có biểu hiện mệt mỏi nhiều, choáng váng, nôn ói và đi ngoài nhiều, hoặc biểu hiện truỵ mạch thì phải được đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện. Người già và trẻ em rất dễ ngộ độc nhanh và nặng, do vậy khi sơ cứu nếu bệnh nhân nôn ói nhiều, nên đặt bệnh nhân ở tư thế đầu cao và nghiêng sang một bên để tránh hít sặc chất nôn, ói vào đường hô hấp.

Tuyệt đối không dùng thuốc cầm nôn ói và cầm tiêu chảy vì sẽ giữ độc tố lại cơ thể làm bệnh trầm trọng hơn.

Chăm sóc và theo dõi tại nhà: chăm sóc tại nhà nên chú ý cho người bệnh nghỉ ngơi tuyệt đối, uống trà gừng nóng, ăn nhẹ thức ăn mềm, dễ tiêu, bù dịch cho người bệnh bằng các loại dung dịch có chất điện giải như dung dịch muối-đường, dung dịch ORS…Nếu tình trạng không cải thiện nên sớm đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được cứu chữa trị tích cực hơn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.



Biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

- Lưu giữ thức ăn đúng cách: tủ lanh đựng thức ăn phải đảm bảo ở nhiệt độ bằng hoặc dưới 4 độ C, ngăn đá phải đảm bảo nhiệt độ dưới âm 5 độ C.

- Không để lẫn lộn thực phẩm đã nấu chín với thực phẩm chưa nấu để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín.

- Không để thức ăn đã nấu chín ở ngoài quá 4 tiếng vì vi khuẩn sẽ sinh sản và gây ngộ độc.

- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch dưới vòi nước chảy trước khi chế biến thức ăn và trước khi bày dọn thức ăn ngày tết, mang găng tay nếu thấy cần thiết.

- Khi hâm lại thức ăn, phải đun nóng ở nhiệt độ cao hơn 75oC mới đảm bảo không bi nhiễm khuẩn.

- Không nên ăn những loại thức ăn được hâm đi hâm lại quá nhiều lần hoặc thức ăn bị nghi ngờ ôi thiu.

- Rửa sạch rau củ quả trước khi ăn hoặc trước khi chế biến để tránh những mầm bệnh và thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản…có thể gây ngộ độc cấp tính.

- Không nên ăn những củ khoai tây đã mọc mầm hay những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh, những củ đã đào khỏi mặt đất quá lâu để tránh tình trạng ngộ độc do độc tố solanin.

- Thực hiện nghiêm túc việc ăn chin, uống sôi và tuân thủ nghiêm ngặt qui định vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế.

- Hạn chế uống rượu, nhậu nhẹt sa đà trong ba ngày tết để tránh ngộ độc rượu. 


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc