Ai là người đưa ra định nghĩa đầu tiên về sức khoẻ?

06:45, 27/02/2014
|

(VnMedia) - Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), GS.TS khoa học Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam đã trao đổi về Hồ Chí Minh với với vấn đề chăm sóc sức khỏe. Theo ông Hùng người đưa ra định nghĩa đầu tiên về sức khỏe chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề chăm sóc sức khỏe

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngay từ năm 1941, dưới sự lãnh đạo của Người, chương trình Việt Minh ghi: "Cần khuyến khích nền thể dục quốc dân, làm cho giống nòi ngày càng thêm mạnh”.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe con người. Người coi đây là một nhân tố rất quan trọng có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Người chỉ rõ: “giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công”.

 

Trong thời kỳ lãnh đạo dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng gần thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”. Điều này nói lên rằng bác Hồ của chúng ta đã đánh giá rất cao vai trò của sức khỏe.

 

Từ 22/3-27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trên báo Cứu Quốc một câu: “Khí huyết lưu thông, tinh thần thoải mái thế mới là sức khỏe”. Đến năm 1976, Tổ chức Y tế lần đầu tiên mới đưa ra định nghĩa về sức khỏe. Sức khỏe là gì? “Sức khỏe là một trạng thái thoải mái về thể xác lẫn tinh thần chứ không phải là chỉ không có bệnh”.

 

Quan niệm về sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm sự lành mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần. Người đã định nghĩa: “ngày nào cũng tập thể dục thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”. Nội dung của định nghĩa này hoàn toàn thống nhất với định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới trong Tuyên ngôn Alma Ata năm 1978 “Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn thoải mái về tâm hồn, về thể xác, về xã hội”.

 

Như vậy trước Tuyên ngôn Alma Ata gần nửa thế kỷ, bác Hồ đã có một quan niệm rất chính xác về sức khỏe. Khi đưa ra khái niệm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận đến tinh thần mác xít về con người, bản chất của con người vùa là một thực thể tự nhiên, vừa là một thực thể xã hội; vì vậy việc chăm lo sức khỏe cho con người phải bằng cả biện pháp vật chất và biện pháp tinh thần. Người nói: “Làm thế nào cho đời sống của dân ta vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”. Trong thư gửi Hội nghị Quân y, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”.

 

Ngày nay Y học hiện đại cũng định nghĩa: "Sức khỏe là một tình trạng thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không phải chỉ là một tình trạng không có bệnh tật hay tàn tật".


Từ năm 1947-1967, trước khi Người mất là 20 năm, Người đã viết 25 bài về chăm sóc sức khỏe, mỗi năm cụ chỉ viết trên 1 bài chỉ dẫn công tác chăm sóc sức khỏe nhưng rất quý với Ngành Y tế.

 

Chủ tịch Hồ Chỉ Minh không những dạy những vấn đề vĩ mô mà cụ Hồ còn dạy các vấn đề vi mô. Ngôn từ của cụ Hồ dễ hiểu và vào lòng dân. Ông Hùng dẫn chứng lời nói của cụ Hồ: “Mỗi một người dân yếu ớt là cả nước yếu ớt. Mỗi một người dân khỏe mạnh là cả nước mạnh khỏe. Dân cường thì quốc thịnh”. Theo ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rất dễ hiểu “Kiến quốc giữ nước, việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công.



Ảnh minh họa

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sức khỏe của người dân. Ảnh minh họa.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong vấn đề chăm sóc sức khỏe.

 

Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì sức khỏe của cá nhân và sức khỏe của cộng đồng có quan hệ mật thiết với nhau. Mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng là một nét đặc sắc trong tư tưởng của Người về chăm sóc sức khỏe. Cơ sở sâu xa của tư tưởng này của Người cũng lại chính là sự tiếp cận của Người với tư tưởng triết học của Mác - Lênin về con người. Con người có nhu cầu chăm sóc sức khỏe và biết cân bằng mối quan hệ cung — cầu trong lĩnh vực này.

 

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức khỏe không chỉ là tài sản cá nhân mà còn là tài sản chung; tạo nguồn sức khỏe không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là trách nhiệm của cộng đồng. Bằng cách gắn nhiệm vụ tự chăm sóc sức khỏe với khái niệm yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao vị trí của công tác chăm sóc sức khỏe và đã cụ thể hóa khái niệm yêu nước: “Yêu nước không phải là một khái niệm chung chung, mà nó được thể hiện bằng các hành động cụ thể trong cuộc sống hằng ngày”. Ngày nay, chúng ta ngoài việc tự chăm sóc sức khỏe, mỗi cá nhân có nghĩa vụ tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Người dạy: “ Sạch sẽ tức là một phần đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm, sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn. Xem đó thì biết rằng ai cũng nên làm đời sống mới ”.

 

Ngoài vai trò cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng. Người hết sức coi trọng việc phát động phong trào quần chúng thi đua trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sức khỏe, vị trí của công tác chăm sóc sức khỏe và mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân mãi mãi là cơ sở lý luận cho mọi hành động đúng đắn của chúng ta trong sự nghiệp bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân.


Tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

 

Trên cơ sở hiểu một cách đúng đắn về sức khỏe, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của sức khỏe và vị trí của công tác chăm sóc sức khỏe trong kháng chiến và kiến quốc: "Dân cường thì quốc thịnh". 
 

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người là vị trí trung tâm của mọi hoạt động và quyền được sống là quyền cao nhất của con người. Khi được sống thì sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất, nếu không có sức khỏe thì chẳng làm được gì. Chính vì vậy mà Người dạy chúng ta: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công". Đó chính là tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của sức khỏe và vị trí của công tác chăm sóc sức khỏe.

 

Ngày nay, khi liên hệ với nhận thức của một số cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt ở địa phương, chúng ta có thể thấy tình trạng coi nhẹ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong địa bàn mình quản lý. Họ thường viện lý do cần phải phát triển kinh tế trước, lo cái ăn trước và chăm lo văn hóa, xã hội sau. Ai cũng biết rằng kinh tế có phát triển thì mới có tiền để mua trang thiết bị dùng để nâng cao chất lượng phòng bệnh và chữa bệnh. Nhưng không vì thế mà lãng quên hoặc coi nhẹ mọi hoạt động của công việc chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay khi bắt đầu xây dựng kinh tế.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc