Ngành Y chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ

19:03, 06/11/2013
|

(VnMedia)Ngày 6/11, Bộ Y tế đã có Công điện số 7607/CĐ-BYT về việc chủ động triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ, khả năng mạnh lên thành bão (cơn bão số 13).

Ảnh minh họa



Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Cà Mau và Kiên Giang; các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Đắk Nông; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Nam Trung bộ, Tây Nam bộ, Nam bộ và Tây Nguyên triển khai ngay các công việc: Theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới; chủ động phối hợp với các ban, ngành có liên quan triển khai các phương án chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt theo phương châm "bốn tại chỗ"...

Theo đó, Sở Y tế các tỉnh, thành phố sẵn sàng nguồn nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất và tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa, bão, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống gây ra. Các đội cấp cứu cơ động trực 24/24h, luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có lệnh. Khẩn trương triển khai ngay các phương án bảo vệ, hỗ trợ hoặc di dời cơ sở y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở đât, lũ quét, lũ ống gây ra. Xây dựng kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, vùng trũng, vùng có nguy cơ bị ngập úng. Phối hợp các Sở, ban, ngành tại địa phương chủ động đối phó với tình huống bị mưa lũ chia cắt dài ngày, hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phương pháp xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, thực hiện nếp sống vệ sinh để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh phát sinh...

Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Nam Trung bộ, Tây Nam bộ, Nam bộ và Tây Nguyên chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế phòng chống lụt, bão, phương tiện vận chuyển và phân công các đội y tế cơ động, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới.

* Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, 16 giờ ngày 6/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

 

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

 

Từ chiều nay (6/11), vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu có gió mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm bão cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Ở các tỉnh Nam Bộ có gió giật cấp 6, cấp 7. Từ đêm nay, vùng biển Cà Mau Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao 2,5-4m.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc