Năm 2012: Ngộ độc và tử vong do rượu tăng

07:32, 10/01/2013
|

(VnMedia)  - Theo báo cáo của Bộ Y tế,  năm 2012 tình hình ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trên cả nước đã có bước chuyển tích cực. So với các năm trước, ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể đã giảm cả về số vụ, số mắc, số đi viện và số tử vong. Theo đó, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 20,7%; số người mắc giảm 12,7%, số người đi viện giảm 22,3%.

Đặc biệt, trong năm 2012 không có ca tử vong liên quan tới an toàn thực phẩm (ATTP) tại bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, năm 2012, tình hình ngộ độc thực phẩm, cụ thể là ngộ độc rượu do sử dụng rượu tự nấu, pha chế, ngâm, ủ có lượng cồn quá ngưỡng cho phép lại có diễn biến rất phức tạp.

So với năm 2011, số người mắc và số tử vong năm 2012 tăng 16 vụ, số mắc tăng 643 người, số đi viện tăng 308 người và số tử vong tăng 3 trường hợp. Trong đó, tử vong do rượu không có nguồn gốc, do nấm độc, do độc tố tự nhiên và độc tố bánh trôi ngô vẫn chưa được kiểm soát triệt để nên dẫn tới những nguy cơ cao về ATTP đối với người tiêu dùng. Việc sử dụng rượu tự nấu, tự pha tồn tại đã nhiều năm, tạo thành thói quen không tốt cũng là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Vi phạm ATVSTP diễn biến phức tạp

Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về ATVSTP cho thấy, trong năm 2012, đặc biệt trong dịp cuối năm tình hình vi phạm VSATTP có diễn biến hết sức phức tạp. Tính từ đầu năm 2012 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý hơn 8.200 vụ vi phạm về VSATTP với số tiền xử phạt lên tới hơn 10,7 tỷ đồng.

Các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép thực phẩm, gia súc, gia cầm qua biên giới liên tục thay đổi thời gian, địa điểm tập kết vi phạm; thay đổi biển số xe hoặc sử dụng biển số giả, cho người đi trinh sát dò đường trước khi chuyển hàng, thậm chí dùng cả công cụ hỗ trợ để chống trả lực lượng kiểm tra…

Cụ thể, tình trạng sản xuất và buôn bán rau, thịt an toàn còn diễn biến phức tạp chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu. Kết quả kiểm tra 5.330 mẫu nông sản cho thấy có 364 mẫu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép; có 372 mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật và 70 mẫu vi phạm chỉ tiêu hóa chất cấm trong chăn nuôi trên 1.434 mẫu thịt.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tồn tại này là do thông tư về VSATTP chưa ra đời trong khi đó cán bộ yếu kém mỏng, Viện kiểm nghiệm VSATTP ở địa phương còn yếu. Trong khi đó, điều kiện vệ sinh các cơ sở nhỏ lẻ không hề bảo đảm. Việc xử lý vi phạm ở xã, địa phương đa số chỉ nhắc nhở chứ chưa hề xử phạt. Trong khi đó, kinh phí tiêu hủy thiếu nên nhiều lô hàng nội tạng bắt được để thối chưa thể tiêu hủy.

Theo đó, trong dịp Tết Nguyên đán này, Bộ Y tế sẽ quyết liệt xử lý vi phạm vệ sinh ATTP, đặc biệt chú ý thực phẩm tiêu thụ mạnh. Thời gian tới sẽ dán tem cho sản phẩm an toàn, kiểm soát từ đầu nguồn các trang trại để các bà nội trợ lựa chọn.  Trong thời gian tới, những cơ sở không đạt chất lượng VSATTP phải bị công bố trên thông tin đại chúng để người dân tẩy chay. Đây là phương thức hữu hiệu nâng cao chất lượng thực phẩm.

Được biết, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương đã thành lập 8 đoàn thanh tra liên ngành về thực phẩm tại 24 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, bắt đầu từ ngày 10/1-15/2. Ngoài ra, theo yêu cầu Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP, tại mỗi địa phương cũng cần lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tập trung kiểm tra mạnh các mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, các đoàn của Trung ương và tuyến tỉnh tập trung thanh, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, xã tiến hành thanh, kiểm tra.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc