Mỗi giờ có khoảng 36 người chết do nhiễm khuẩn

11:23, 14/09/2012
|

(VnMedia) - Mỗi năm trên thế giới, ước tính có khoảng 18 triệu trường hợp nhiễm khuẩn hệ thống, mỗi giờ có khoảng 36 người chết do nhiễm khuẩn hệ thống.

Thông tin trên được các chuyên gia cho biết tại “Hội nghị chuyên đề Nhiễm khuẩn hệ thống” do Roche Diagnostics Việt Nam phối hợp với Hội Hồi sức Cấp cứu TP.HCM tổ chức, diễn ra đúng vào ngày Nhiễm trùng Thế giới 13/9/2012.

Theo các chuyên gia, nhiễm khuẩn hệ thống là căn bệnh trong đó cơ thể phản ứng nghiêm trọng với các vi khuẩn hoặc vi trùng khác. Bệnh nhiễm khuẩn hệ thống là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới vượt hơn cả ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và thậm chí là HIV/AIDS.

Mỗi năm trên thế giới, ước tính có khoảng 18 triệu trường hợp nhiễm khuẩn hệ thống. Hàng ngày, cứ mỗi giây trôi qua, trên thế giới có vài người chết vì bệnh này, mỗi giờ như thế có 36 người chết, mỗi năm có hơn 6.000.000 trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, và 100.000 bà mẹ chết vì nhiễm khuẩn hệ thống.

Ảnh minh họa

Hơn 300 chuyên gia chăm sóc sức khỏe trên cả nước cùng tham dự để thảo luận về tầm quan trọng của việc chẩn đoán sớm và quản lý hiệu quả bệnh nhiễm khuẩn hệ thống.

Ở các nước đang phát triển số ca tử vong do nhiễm khuẩn hệ thống chiếm đến 60% - 80%. Nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn hệ thống là do sự phản ứng của miễn dịch vượt trội đối với sự nhiễm trùng. Các hóa chất được phóng thích vào máu để ngăn chặn viêm nhiễm lan rộng. Viêm nhiễm có thể dẫn đến tổn thương các cơ quan trong cơ thể.

Trong những trường hợp nhiễm khuẩn nặng, bệnh nhân có thể bị suy chức năng một hoặc nhiều cơ quan. Trong trường hợp xấu nhất hay còn được gọi là choáng nhiễm khuẩn dẫn đến tụt huyết áp, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Điều này có thể nhanh chóng dẫn đến suy chức năng của một số cơ quan, dẫn đến tử vong. Vì vậy, v
iệc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để giảm các nguy cơ đe dọa tính mạng của bệnh nhân. 

Bác sỹ Bạch Văn Cam, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu TP.HCM cho biết, tại Việt Nam, nhiễm khuẩn và viêm phổi nặng là hai bệnh lý thường gặp tại các khoa, đặc biệt là khoa hồi sức. Chẩn đoán phân biệt tác nhân vi khuẩn và siêu vi rất quan trọng trong chiến lược điều trị kháng sinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy tiên lượng bệnh nhân tùy thuộc vào thời điểm chẩn đoán kịp thời và sử dụng kháng sinh sớm. Trái lại việc sử dụng kháng sinh bao vây không đúng chỉ định làm tăng chi phí điều trị và tăng tỉ lệ đề kháng kháng sinh của vi khuẩn.

Chẩn đoán nhiễm vi khuẩn thường dựa vào dấu hiệu lâm sàng, tăng bạch cầu, tăng chỉ số CRP, trong khi đó kết quả cấy máu thường trễ. Gần đây, nhiều báo cáo cho thấy Procalcitonin (PCT) có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn CRP ở những bệnh nhiễm vi khuẩn, vì thế hiện nay một số bệnh viện tại Việt Nam đã bắt đầu sử dụng định lượng Procalcitonin để chẩn đoán sớm nhiễm vi khuẩn.


Thuỳ Hoa

Ý kiến bạn đọc