Phòng khám Maria: Bệnh đơn giản vẫn chết người!

16:46, 18/07/2012
|

(VnMedia) - Những ngày qua dư luận xôn xao về việc một nữ bệnh nhân đến điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung và chết tại phòng khám Đa khoa Maria. Một câu hỏi đặt ra là tại sao chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung lại dẫn đến tử vong? Quy trình điều trị của bác sĩ Trung Quốc có gì khác so với bác sĩ Việt Nam?

Ảnh minh họa
Sổ y bạ điều trị của bệnh nhân Phong tại phòng khám Maria 


Điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung gây chết người

Theo tìm hiểu tại các tài liệu y khoa, phương pháp điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung bằng dao Leep là an toàn, không có vết thương, không làm tổn hại đến cổ tử cung. Thao tác vô trùng, thủ thuật không gây đau, hữu hiệu, không chảy máu, không viêm nhiễm và không để lại biến chứng. Sau khi điều trị sẽ không để lại sẹo...

Tuy nhiên, chiều tối ngày 14/7 vừa qua, một nữ bệnh nhân xấu số đã tử vong chỉ vì điều trị căn bệnh này. Liệu có phương pháp điều trị khác biệt nào giữa cách chữa sản khoa thông thường của Việt Nam và của nước ngoài?

Như VnMedia đã đưa tin, khoảng 17h ngày 14/7, chị Nguyễn Thị Thu Phong (SN 1978, trú tại Hà Đông, Hà Nội)  đến khám bệnh tại phòng khám Maria. Tại đây, bác sĩ ZHOU JI ANJAO (tức Chu, nam, SN 1961, quốc tịch Trung Quốc; tạm trú tại 59 Trung Liệt, Đống Đa) đã khám và xác định chị Phong bị viêm lộ tuyến cổ tử cung và chỉ định điều trị lộ tuyến cổ tử cung bằng dao Leep độ III. Sau đó, vị bác sĩ này đã ghi hồ sơ khám bệnh, kê đơn thuốc cần sử dụng và chuyển chị Phong lên tầng 6 vào khoảng 19h25.

Tại tầng 6, y tá Bùi Thị Thắm (SN 1989, trú tại Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) trực tiếp truyền đường 0,5% theo sự chỉ định của bác sĩ DENG QIN ZHI (tức Đặng, nữ, SN 1977, tạm trú cùng địa chỉ với ZHOU JI ANJAO ). Bác sĩ ZHANG LING GONG (tức Trang, nam, SN 1985, tạm trú tại phố Thịnh Quang, Đống Đa) đã thực hiện gây mê. Bác sĩ DENG QIN ZHI tiến hành đốt lộ tuyến cổ tử cung cho chị Phong. Sau đó, chị Phong được nằm nghỉ tại đây và có hiện tượng ngạt mũi. Bác sĩ ZHANG LING GONG cho chị Phong thở oxy và chỉ định Thắm tiêm hai ống Dexame thasame. Khoảng 30 phút sau, chị Phong tỉnh táo. Y tá Thắm đã tháo máy thở oxy và đưa chị Phong xuống tầng 5, tiếp tục truyền kháng sinh.

Đến khoảng 21h cùng ngày, chị Phong gọi điện cho người nhà đến đón vì thấy chóng mặt. Người thân của chị Phong nhận được điện thoại liền tức tốc đến phòng khám Maria. Tuy nhiên, khi người nhà chị Phong đến phòng khám thì phải ngồi chờ gần một tiếng, không được vào gặp. Sau đó, có một xe cấp cứu 115 xuất hiện. Cùng lúc đó, gia đình chị Phong nhận được thông báo bệnh nhân Phong đã tử vong.

Cái chết của bệnh nhân này không chỉ khiến gia đình đau đớn mà còn khiến dư luận hoang mang, bất ngờ. Khó ai có thể coi lý do chết vì điều trị lộ tuyến cổ tử cung là bình thường!

Ảnh minh họa
Phòng khám Maria, nơi xảy ra cái chết thương tâm của bệnh nhân Phong 


Việt Nam chưa bao giờ gây mê khi điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung

Trao đổi với VnMedia, một bác sỹ chuyên khoa 2 bệnh viện phụ sản Trung ương cho biết, bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung là giai đoạn tiến triển của viêm cổ tử cung nếu không được điều trị tích cực. Lộ tuyến (hay lộn tuyến) là các tổn thương ở cổ tử cung do các tế bào tuyến nằm trong ống cổ tử cung phát triển ra ngoài, xâm lấn mặt ngoài của cổ tử cung. Do các tế bào tuyến lộ ra ngoài vẫn tiết dịch như khi ở trong cổ tử cung nên bệnh nhân thường có hiện tượng tăng tiết dịch trong âm đạo, dễ dẫn đến viêm nhiễm (khi đó gọi là lộ tuyến viêm).

Viêm lộ tuyến cổ tử cung hoàn toàn là tổn thương lành tính, nhưng lại gây ra cho chị em một số khó chịu như khí hư ra nhiều, ngứa ngáy âm đạo... 

Theo vị bác sỹ này, quy trình điều trị bệnh này rất đơn giản. Nếu lộ tuyến kèm theo viêm nhiễm thì phải dùng thuốc điều trị chống viêm. Tuy vậy, thuốc chống viêm không chữa khỏi lộ tuyến. Muốn chữa hết lộ tuyến thì phải dùng các biện pháp diệt tuyến (nghĩa là phải đốt chúng bằng điện, lazer, áp lạnh hay bằng hóa chất). Việc đốt tuyến cũng chỉ được thực hiện sau khi đã chữa khỏi viêm. Trước khi đốt phải soi cổ tử cung hoặc làm phiến đồ âm đạo để phát hiện những bất thường của tế bào cổ tử cung.

“Viêm lộ tuyến cổ tử cung thường đốt điện, lazer hay áp lạnh, trừ những trường hợp có tổn thương nghi ngờ hoặc bị mãn tính thì mới dùng dao leep cắt một đoạn cổ tử cung (cắt cụt tử cung). Tuy nhiên, dù bằng phương pháp gì thì ở Việt Nam điều trị viêm lộ tuyến tử cung cũng không bao giờ gây mê. Vì điều trị này không gây đau đớn cho bệnh nhân”, vị bác sỹ này nói.

Vị bác sỹ này còn nói thêm rằng, đối với việc điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung thì việc truyền đường trước khi làm thủ thuật như phòng khám Maria đã làm cho bệnh nhân Phong là không cần thiết. Ngoài ra, việc truyền kháng sinh cho bệnh nhân khi kết thúc phẫu thuật cũng không có trong quy trình điều trị bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung ở Việt Nam.

Hiện, nguyên nhân về cái chết của bệnh nhân Phong tại phòng khám Maria vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, một chuyên gia chia sẻ với VnMedia, rất có thể bệnh nhân Phong chết vì bị sốc phản vệ do truyền kháng sinh. Vì sốc do kháng sinh rất mạnh và chết ngay tức thì.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc


Bùi Ngà

Ý kiến bạn đọc