Ngồi xổm sau sinh, phụ nữ dễ tiểu không tự chủ

19:42, 03/05/2013
|

(VnMedia) - Các cụ thường khuyên phụ nữ sau sinh không được ngồi xổm. Vì khi ngồi xổm quá sớm sẽ dẫn đến chứng tiểu không tự chủ, són tiểu mỗi khi ho hay hoạt động mạnh. Điều này có đúng?

Theo ThS. BS. Nguyễn Hoài Bắc, Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức cho biết, lời khuyên trên của các cụ rất hợp lý. Vì trong quá trình mang thai và sinh đẻ, toàn bộ sàn chậu của người phụ nữ bị co giãn rất mạnh để tạo điều kiện cho thai từ bụng của người mẹ ra ngoài, nên sau khi sinh xong nếu chúng ta vận động mạnh, ngồi xổm hay làm bất kỳ một hoạt động nào làm tăng áp lực ổ bụng lên đều ảnh hưởng đến trương lực của cơ vùng sàn chậu, làm cho cơ vùng sàn chậu yếu đi.

Lúc đó nó không còn đủ sức thực hiện chức năng nâng đỡ các tạng trong chậu hông, dẫn đến các tình trạng như: sa tử cung, sa âm đạo, sa bàng quang, sa trực tràng… Và người ta còn phát hiện thấy việc này làm cho chị em phụ nữ bị tiểu không kiểm soát (tiểu không tự chủ) khi gắng sức, hoạt động mạnh hoặc mỗi khi cười, khi ho.

Ảnh minh họa


Hiện tượng tiểu không kiểm soát khi gắng sức xảy ra ở chị em phụ nữ ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, có khoảng 30% phụ nữ sau độ tuổi 40, độ tuổi thường đã sinh đẻ hay gặp vấn đề này. Vì rõ ràng nguyên nhân cơ học, do quá trình mang thai, sinh đẻ gặp những sang chấn về bàng quang là điều kiện thuận lợi để gây ra vấn đề tiểu không kiểm soát khi gắng sức. Bệnh này không phải do gene di truyền.

Nhiều người thường nhâm lẫn giữa tiểu rắt và tiểu không tự chủ khi gắng sức. Nhưng 2 hiện tượng bệnh này hoàn toàn khác nhau. Tiểu rắt là khi cơ thể vẫn buồn tiểu, vẫn kiểm soát được nhưng mỗi số lần đi tiểu rất nhiều lần. Đây thường là hậu quả của một quá trình viêm nhiễm.

Còn tiểu không tự chủ khi gắng sức lại do nguyên nhân cơ học, do những sang chấn mang lại khiến mỗi khi chúng ta hoạt động mạnh hay mỗi khi ho, khi cười là dòng nước tiểu trào ra mà không thể kiểm soát. Bệnh này thể hiện sự suy yếu trong chức năng nâng đỡ của cổ bàng quang và niệu đạo.

Ngoài nguyên nhân do sang chấn sản khoa dẫn đến tiểu không tự chủ khi gắng sức ở phụ nữ thì còn có nguyên nhân về tuổi tác. Vì khi tuổi càng cao nồng độ hoóc môn sinh dục càng giảm (đặc biệt là estrogen). Bình thường estrogen có tác dụng làm tăng sinh tính niêm mạc của niệu đạo. Khi đó niệu đạo được dày lên, căng lên, tạo sức căng bề mặt, tạo cho sự đóng mở của niệu đạo hợp lý, tốt hơn. Nhưng khi tuổi cao, nồng độ estrogen ít đi, giảm nhanh thì lớp niêm mạc bị teo đi, mất đi làm cho áp lực trong niệu đạo rất thấp, khiến dễ bị tiểu không tự chủ.

Chứng tiểu không tự chủ trước tiên ảnh hưởng đến thể chất của phụ nữ, khiến phụ nữ dễ bị viêm nhiễm phần phụ, viêm đường tiết niệu do phần phụ thường bị ẩm ướt vì nước tiểu. Việc này cũng ảnh hưởng đến đời sống tình dục của họ, làm hạn chế sự tham gia các hoạt động xã hội và tính tích cực của phụ nữ với công việc.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc