Thưởng cho con bằng tiền: Lợi hay hại?

09:58, 10/04/2013
|

Để khuyến khích con biết vệ sinh cá nhân và làm việc nhà, chị Vy treo thưởng: bé tự đánh răng rửa mặt hay mặc quần áo: 5.000, bỏ đồ bẩn vào giỏ hay lau bàn 10.000 đồng... Cha mẹ cũng phải học cách dạy trẻ tự lập.

Chị Vy (Trần Đăng Ninh, Hà Nội) cho biết, vợ chồng chị một người làm báo, một làm kinh doanh, công việc bận túi bụi, trong khi đó hai con, một bé 8 tuổi, một bé 5 tuổi vẫn quen có người giúp việc như trước, chẳng mó tay vào việc gì, chỉ bày bừa. Trước đây anh chị từng thuê osin nhưng sau vài lần mệt mỏi vì đổi người, các con cũng đã lớn, vợ chồng chị quyết định tự túc nhưng cảm thấy quá stress vì đi làm về lại lo dọn dẹp, hò hét các con.

Thế rồi, chị Vy nghĩ ra cách treo thưởng tiền để giải quyết tình hình. Cách này có vẻ hiệu nghiệm ngay. Cậu con trai lớn và cô em gái đều hưởng ứng nhiệt tình, thậm chí còn thi đua nhau xem ai làm được nhiều việc hơn để được "lĩnh lương" nhiều hơn.

"Cũng có lúc gặp rắc rối một chút như hai anh em tị nhau là sao việc của con được có 5 ngàn mà anh được 10 ngàn hay con để mẹ nhắc tới 5 lần mới làm mà vẫn đòi thưởng, nhưng nói chung là các cháu đã tự giác hơn nhiều rồi", chị Vy chia sẻ.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.

 

Cũng dùng tiền làm phần thưởng, anh Trực (Liễu Giai, Hà Nội) hy vọng đó sẽ là động lực để con phấn đấu học hành.

Ban đầu, anh treo giải cho cô con gái lớn: Thi đỗ vào được một trường cấp 3 danh tiếng là được ngay cho cái laptop xịn. Khi đó, cậu con trai vừa vào lớp 2 cũng "đòi quyền lợi" và anh tiện mồm nói luôn "từ giờ nếu con đạt điểm cao bố sẽ thưởng ngay, điểm 10 thì 20.000 đồng, điểm 9 thì 10.000 đồng"...  Chính anh cũng không ngờ cách này có tác dụng nhanh thế. Ngay tuần tiếp theo, cậu bé con vốn ham chơi hơn ham học chăm chỉ, cẩn thận hơn hẳn và tuần sau nữa được tới 2 điểm 10, 2 điểm 9.... Bé vô cùng thích thú khi được bố mẹ cho dùng tiền đó mua đồ chơi mình thích.

Nhưng sau hai tháng tháng, mọi chuyện lại đâu vào đấy. Cậu con trai trở lại chểnh mảng, và anh Huy phát hiện những lần bị điểm kém, cháu tìm mọi cách giấu điểm, không cho bố mẹ xem vở.

"Mình đang nghĩ không biết có nên tăng mức thưởng lên để con lại chăm học hơn không, hay dùng một hình thức khác", anh Trực than thở.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý, Hội tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, thưởng tiền khi con làm việc nhà hay đạt điểm cao thường mang tính tiêu cực hơn là tích cực.

Thực tế, theo nhà tâm lý, ban đầu việc làm này sẽ có hiệu quả. Trẻ rất thích phần thưởng và tiền rõ ràng luôn là cám dỗ với tất cả mọi người, kể cả người lớn và trẻ con.

Nhưng cách thưởng tiền áp dụng thường xuyên, lâu dài còn có thể hình thành ở con tính thực dụng, chỉ cố gắng, thực hiện việc gì đó khi được nhận tiền. Hơn nữa, làm như vậy trẻ sẽ không nhận thức được những việc đó (việc nhà hay học tập) là trách nhiệm của mình, không tự giác làm.

Đồng quan điểm này, thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung Tâm nghiên cứu tâm lý và tâm bệnh lý trẻ em (Kim Mã, Hà Nội) cho biết, bố mẹ có nhiều cách để thưởng cho con, và một số người sử dụng tiền - cách dễ nhất nhưng cũng khó nhất. Lý do là, khi sử dụng phải biết liều lượng thế nào, trong thời gian bao lâu... nếu không nó sẽ như con dao hai lưỡi, rất nguy hiểm.

Bởi khi trẻ đã được thưởng bằng tiền thì rất dễ có tâm lý đòi hỏi lần sau phải nhiều hơn lần trước, và dần dần trẻ có thể hiểu những việc này mang tính đổi chác, có tiền thì làm, không thì thôi. Việc này làm nảy sinh tâm lý không tự giác, thụ động chờ được thưởng, ra điều kiện với bố mẹ ở trẻ.

Theo nhà tâm lý, có nhiều cách khác tích cực để bố mẹ khuyến khích con làm việc nhà hay học tập. Thực tế, trẻ rất thích làm mọi việc nhưng thường không được như ý người lớn. Và bố mẹ sẽ chọn, hoặc làm thay con, hoặc tìm cách nào đó (trong đó có thưởng) để ép con làm theo ý mình.

Trong khi đó, ban đầu, bố mẹ có thể cùng làm với con, hướng dẫn con cách làm, tạo cơ hội cho con được tự làm việc bằng cách cho bé làm những việc mình thích trước. Chẳng hạn, có 10 việc thì ban đầu để cho con làm 8 việc bé thích, hai việc bé không thích, sau đó tăng dần việc con không thích.

Việc học hành của trẻ cũng vậy. Cần biết tâm lý con, tìm hiểu xem lý do con không tập trung, bị điểm kém rồi từ từ giúp bé khắc phục.


(theo VNE)

Ý kiến bạn đọc