Những lưu ý khi dùng kháng sinh

18:20, 19/04/2013
|

(VnMedia)  - Kháng sinh là những chất do vi sinh vật tiết ra hoặc những chất hóa học bán tổng hợp, tổng hợp có khả năng đặc biệt kìm hãm sự phát triển hoặc diệt được vi khuẩn. Tuy nhiên, việc dùng kháng sinh một cách bừa bãi sẽ dẫn đến những tác hại vô cùng nguy hiểm.

Theo DS Lữ Ngọc Thuyền, chỉ sử dụng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn hay nhiễm virus kèm nhiễm khuẩn. Khi bệnh nhiễm khuẩn nhẹ xảy ra, với người khỏe mạnh hệ miễn dịch được hoạt hóa nên cơ thể có khả năng tự phục hồi có thể không cần dùng kháng sinh. Tuy nhiên, khi điều này không đủ để bảo vệ cơ thể, cần có sự can thiệp điều trị thích hợp.

Đúng, đều, đủ: Đó là 3 nguyên tắc khi sử dụng kháng. Thời gian dùng kháng sinh khoảng 5-7 ngày, tùy tình trạng bệnh và sự đề kháng kháng sinh mà bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng và thời gian hợp lý cho bệnh nhân.

Một số trường hợp cần phải phối hợp kháng sinh để tăng cường sự diệt khuẩn và giảm đề kháng thuốc. Kháng sinh có các dạng tiêm, uống, dùng ngoài, đối với dạng bột nên pha đúng theo hướng dẩn để đảm bảo uống thuốc đúng liều.

Khi dùng kháng sinh một số trường hợp có thể bị dị ứng nhẹ gây ngứa, nổi mề đay, tiêu chảy nhẹ, đau đầu…hay một số kháng sinh cũng có thể gây tương tác thuốc, đồ ăn thức uống làm tăng hay giảm tác dụng của thuốc nên cần đọc kỹ đơn thuốc và nhờ sự tư vấn của nhân viên y tế.

Không tự ý sử dụng kháng sinh để tránh “nhờn” thuốc, đến khi bệnh trở nặng vi khuẩn đề kháng với kháng sinh, việc can thiệp lựa chọn kháng sinh để điều trị khó khăn và bệnh nhân sẽ lâu khỏi bệnh hay bệnh trở nặng hơn.

Không nên tự ý mua thuốc theo toa thuốc cũ, nếu bệnh chưa khỏi nên tái khám để được theo dõi và điều chỉnh lại đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh của cơ thể.

Chúng ta phải cân nhắc lựa chọn sử dụng kháng sinh một cách hợp lý, thông minh để thuốc đạt hiệu quả và an toàn, bệnh mau chóng khỏi.


Ảnh minh họa

Không nên tùy tiện dùng kháng sinh.

Thời gian tốt nhất uống kháng sinh

- Uống xa bữa ăn: Là những loại thuốc kém bền vững trong môi trường dịch vị hoặc bị giảm hấp thu do thức ăn. Nên uống 1giờ trước bữa ăn hoặc 2 giờ sau bữa ăn. Gồm có: nhóm penicillin (penicillin V, ampicillin, amoxycillin... khoảng 30 tên). Nhóm cephalosporin: các thuốc trong nhóm này đều có chữ "cef" đứng đầu tên thuốc gốc, đây là nhóm thuốc được các bác sĩ ưa dùng nhất hiện nay, có khoảng 40 tên thuốc gốc, mỗi thuốc gốc lại có nhiều tên biệt dược. Ví dụ: cefuroxime có các biệt dược như zinnat, zencef, zinmax, zinacef, xorim, tarxim... Nhóm macrolid: tên thuốc gốc thường có nhóm chữ "mycin" đứng cuối, thường dùng nhất là clarythromycin, azithromycin, erythromycin. Các biệt dược của erythromycin thường có nhóm chữ "ery" đứng đầu, như: ery, erywin, erycin, eryfar... Nhóm thuốc chống lao cũng nên uống xa bữa ăn.

- Uống trong hoặc ngay sau bữa ăn: Là những loại không bị giảm hấp thu do thức ăn, hoặc kích thích đường tiêu hoá. Gồm có: nhóm quinolon (milosacin, rosoxacin, ciprofloxacin...). Nhóm nitroimidazol (metronidazol, tinidazol...). Nhóm cyclin (tetracyclin, doxycyclin...).

Đối với loại viên bao tan trong ruột, không kể thuộc nhóm kháng sinh nào, đều có thể uống bất kể lúc nào no hay đói (tốt nhất là uống lúc đói với 1 cốc nước sôi để nguội).

Những điều nên tránh khi dùng kháng sinh

- Trong thời gian dùng thuốc kháng sinh, không nên uống thuốc tránh thai mà phải dùng các biện pháp tránh thai khác.

- Không uống bia, rượu (nước chứa ethanol) khi dùng một số thuốc kháng sinh như: thuốc chống lao, thuốc chứa metronidazol (các dạng: uống, tiêm, đặt âm đạo),  erythromycin, tetracyclin; cephalosporin, clindamycin.
 
Tác dụng phụ khi dùng kháng sinh

- Dị ứng (trường hợp nặng là sốc phản vệ dẫn đến tử vong). Đây là tai biến chiếm tỷ lệ lớn nhất khi sử dụng kháng sinh.
- Loạn khuẩn đường ruột, gây tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa.
- Nhờn thuốc, nguy hiểm hơn là tăng số loại vi khuẩn kháng thuốc.
- Nhiễm độc phổ biến là hại gan, thận.

Bộ Y tế đã có quy chế về sử dụng kháng sinh, song trên thực tế nhiều người bệnh tự ý dùng kháng sinh mỗi khi trái nắng trở trời hoặc đến nhà thuốc kể bệnh để người bán thuốc chọn hộ kháng sinh. Khi mang thuốc về nhà dùng vài ngày thấy đỡ thì thôi (nhiều trường hợp bệnh tự khỏi chứ không phải do kháng sinh). Có người bệnh điều trị ở bệnh viện,  bác sĩ cho uống dặn cấm uống rượu, nhưng bữa ăn nào cũng uống rượu. Hiện nay, nhiều cơ sở y tế chưa có điều kiện làm kháng sinh đồ. Do đó đã gây ra nhiều loại vi khuẩn gây bệnh kháng với kháng sinh và tổn hại sức khỏe người bệnh.    


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc