Vì sao Australia trở tay không kịp trong vụ bắt cóc?

15:18, 16/12/2014
|

(VnMedia) - Vụ bắt cóc con tin gây chấn động tại Australia đã kết thúc với kết cục đáng buồn khi 2 thường dân bị giết cùng với kẻ tội phạm. Câu hỏi được đặt ra vì sao cơ quan tình báo Australia không có bất cứ manh mối nào trước vụ bắt cóc này?

  Ảnh minh họa

 Cảnh sát Australia chỉ coi Haron Monis là một kẻ lập dị "vô hại"!


Sau hơn 16 giờ cố thủ trong quán café tại trung tâm thành phố Sydney, giáo sĩ gốc Iran Haron Monis đã mất kiểm soát bản thân và bắt đầu xuất hiện những tiếng súng. Lực lượng đặc nhiệm quyết định mở cuộc đột kích và tiêu diệt tên Haron Monis.
 
Kết cục buồn không mong muốn đã xảy ra. 2 con tin đã bị thiệt mạng, 4 người khác bị thương trong đó có một cảnh sát. Hiện tại người ta vẫn không rõ 2 con tin này chết do bị kẻ bắt cóc thủ tiêu hay do đạn lạc trong cuộc đấu súng của lực lượng an ninh.
 
Sau khi mọi chuyện đã lắng xuống, người dân Australia đang đặt ra hàng loạt câu hỏi với các quan chức an ninh nước này. Vì sao một kẻ tội phạm nguy hiểm như vậy có thể nhởn nhơ ngoài đường? Tại sao cơ quan tình báo, cảnh sát không nhận biết được mối nguy hiểm xảy ra ngay tại Martin Place, khu phố đi bộ sầm uất bậc nhất tại thành phố Sydney?
 
Australia là một trong số những đồng minh của Mỹ trong liên quân chống IS tại Iraq và Syria. Tính tới nay, quốc gia này đã cử hàng loạt cố vấn an ninh cho lực lượng Iraq chống lại Tổ chức nhà nước Hồi giao tự xưng (IS).
 
Giống như các quốc gia phương tây khác, 3 tháng trước Australia đã nâng cảnh báo an ninh lên mức gần cao nhất, sau khi xảy ra một số hành động quá khích gần đây. Đỉnh điểm là việc lực lượng an ninh nước này phá một âm mưu hành hình một công dân Australia công khai để thị uy của những kẻ khủng bố. Đáng chú ý, địa điểm được nhóm IS lựa chọn chính là khu Martin Place vốn là khu vực sầm uất bậc nhất tại Sydney!
 
Sau sự cố này, lực lượng an ninh đã được tăng cường nhưng dường như cơ quan tình báo Australia vẫn không lường trước được mối nguy có thể xảy ra. Mọi chuyện bắt đầu từ việc cơ quan an ninh không coi giáo sĩ gốc Iran là mối họa!

  Ảnh minh họa
Haron Monis buộc các con tin giương lá cờ mang dòng chữ: "Không có Chúa trời nào ngoài Thánh Allah, Muhammad là sứ giả của Thánh Allah"

  Ảnh minh họa
Đặc nhiệm Australia bên ngoài tòa nhà giam giữ các con tin


Haron Monis, 50 tuổi tới Australia tị nạn năm 1996. Năm ngoái, tên này từng viết thư với những lời lẽ hằn học gửi tới gia đình một số binh sĩ Australia tử trận tại Afghanistan. Cảnh sát đã bắt tên này phải lao động công ích 300 giờ vì hành động này. Vợ hắn - Amirah Droudis – cũng bị tình nghi đã hỗ trợ hắn soạn ra những bức thư này.
 
1 năm sau, cặp vợ chồng này bị tình nghi dính líu tới cái chết của cô Noleen Hayson Pal - vợ cũ của Haron Monis. Nạn nhân đã bị đâm tới chết nhưng cuối cùng tòa chấp thuận cho vợ chồng này được tại ngoại do các bằng chứng buộc tội không đủ. Hồi tháng 10 vừa qua, Haron Monis tiếp tục vướng vào hàng loạt cáo buộc tấn công tình dục và có những hành vi thiếu đứng đắn đối với 6 phụ nữ.
 
Với hàng loạt tội danh và cáo buộc như vậy nhưng cảnh sát Australia chỉ coi Haron Monis là một kẻ lập dị đôi khi có những hành động thiếu kiểm soát. Và tất nhiên tên này không hề nằm trong danh sách những đối tượng cần theo dõi của lực lượng an ninh!
 
Điều đó lý giải vì sao camera an ninh ghi lại được cảnh Haron Monis đàng hoàng bước vào một quán café tại khu Martin Place mà không gặp phải bất cứ rào cản nào từ phía cảnh sát. Tên này sau đó sử dụng súng ngắn để uy hiếp, bắt giữ hàng chục con tin đồng thời dọa cho kích nổ bom.
 
Tên này đã thể hiện rõ mục đích chính trị của mình khi bắt một số con tin giương lá cờ viết bằng tiếng A rập qua cửa sổ với nội dung: “Không có Chúa trời nào ngoài Thánh Allah, Muhammad là sứ giả của Thánh Allah".
 
Sau khi sự cố này xảy ra, , Thủ hiến New South Wales - Mike Baird đã bóng gió về những sai lầm của cơ quan an ninh trong phát biểu của mình. “Tôi thực sự lo ngại khi một vụ việc ghê rợn như vậy lại xảy ra ngay trung tâm Sydney. Chắc chắn trong những ngày tới sẽ có hàng loạt câu hỏi được đặt ra với cơ quan an ninh Australia”.
 
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Tony Abbott kêu gọi người Australia dũng cảm đương đầu với những mối đe dọa và trở lại với công việc thường ngày. Ông cũng khẳng định lực lượng an ninh sẽ được thắt chặt để đảm bảo an ninh trên lãnh thổ Australia.


Minh Quang - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc