Triều Tiên tuyên chiến với Mỹ?

09:16, 22/12/2014
|

(VnMedia) - Nhiều người cho rằng, cuộc tấn công mạng nhằm vào hãng phim Sony Pictures là một lời “tuyên chiến” của Triều Tiên nhằm vào Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama lại có cách nghĩ khác.
 

Ảnh minh họa

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un


Tổng thống Obama hôm qua (21/12) đã nói rằng, ông xem vụ tấn công mạng nhằm vào hãng phim Sony Pictures Entertainment (SPE) là một “hành động phá hoại mạng” hơn là một “lời tuyên chiến”. Ông chủ Nhà Trắng tiếp tục nhắc lại lời cảnh báo cứng rắn về việc sẽ đáp trả thích đáng đối với hành động của Bình Nhưỡng.
 
Phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn với bình luận viên của chương trình “State of the Union” ngày Chủ nhật của CNN, ông Obama thẳng thắn cho biết: “Không, tôi không nghĩ đó là một hành động tuyên chiến. Tôi cho rằng đó là một hành động phá hoại gây tổn thất, tổn hại rất lớn. Chúng tôi coi vụ việc này rất nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ đáp trả thích đáng".
 
Ông Obama cho biết, cuộc tấn công mạng đó đã gây ra rất nhiều tổn thất cho hãng Sony Pictures nhưng Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng hãng này không nên để mình bị dọa dẫm đến mức phải ngừng công chiếu bộ phim "The Interview" với nội dung về một vụ ám sát nhằm vào Chủ tịch Kim Jong Un. Bộ phim này dự kiến được ra mắt vào ngày 25/12 nhưng đã bị hoãn lại vô thời hạn sau khi những kẻ tấn công mạng đã đột nhập vào hệ thống máy tính của hãng Sony và công bố một số dữ liệu mà chúng ăn cắp được của hãng này hồi cuối tháng 11. Những kẻ tấn công mạng đe dọa sẽ tiết lộ thêm nhiều thông tin mật về Sony nếu hãng này tiếp tục thúc đẩy kế hoạch công chiếu bộ phim. Chúng còn cảnh báo những người thích xem phim hãy tránh xa các rạp hát chuẩn bị chiếu bộ phim về Nhà lãnh đạo Triều Tiên.
 
Cục Điều tra Liên bang Mỹ hôm (19/12) thông báo, họ đã phát hiện cái gọi là “thông tin đầy đủ” để kết luận chính Triều Tiên là thủ phạm thực hiện cuộc tấn công mạng nhằm vào hãng Sony Pictures, nói rằng hành động của Bình Nhưỡng vượt ra “ngoài khuôn khổ cách cư xử có thể chấp nhận được của một quốc gia”.
 
Ngay sau đó, phát biểu tại một cuộc họp báo tổng kết năm trong cùng ngày, ông Obama cho rằng, hãng Sony đã mắc sai lầm khi hủy buổi lễ ra mắt bộ phim. Ông Obama cho biết, ông ước gì hãng Sony đã liên hệ trực tiếp với ông trước khi đưa ra hành động như vậy.
 
Ông chủ Nhà Trắng tin rằng, Triều Tiên đã hành động một mình trong vụ việc này. Washington đã bắt đầu tham vấn Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga để tìm kiếm sự giúp đỡ của những nước này trong việc kiềm chế Triều Tiên.
 
Triều Tiên phủ nhận trách nhiệm trong vụ tấn công mạng vào hãng Sony Pictures
 
CHDCND Triều Tiên hôm qua (21/12) đã lên tiếng bác bỏ thẳng thừng những cáo buộc của phía Mỹ về việc nước này thực hiện một cuộc tấn công mạng nhằm vào hãng phim Sony Pictures – hãng vừa sản xuất một bộ phim về một kế hoạch ám sát Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.
 
"Chúng tôi không biết hãng phim Sony Pictures đóng ở đâu trên đất Mỹ và họ đã làm điều gì sai trái để trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công. Chúng tôi cũng không cảm thấy cần thiết phải biết về điều đó”, một phát ngôn viên của Ban Chính sách thuộc Ủy ban Quốc phòng quyền lực của Triều Tiên cho hay.
 
Bình Nhưỡng đề nghị tiến hành một cuộc điều tra chung với Mỹ về vụ việc nói trên.
 
Tuy nhiên, vị phát ngôn viên trên cũng nói rằng, vụ tấn công dù không liên quan chút gì đến Bình Nhưỡng nhưng có thể là “hành động đúng đắn của những người ủng hộ, chia sẻ với Triều Tiên” bởi bộ phim đó đã xúi giục, kích động chủ nghĩa khủng bố và làm tổn thương đến danh dự, uy tín của Nhà lãnh đạo tối cao của đất nước Triều Tiên.
 
Phát ngôn viên Ban Chính sách của Ủy ban Quốc phòng Tiều Tiên đã gọi những người thực hiện cuộc tấn công vào hãng Sony Pictures là “lực lượng ủng hộ cho hòa bình”.
 
Vị phát ngôn viên giấu tên của Triều Tiên cũng lên án Mỹ gay gắt vì coi Bình Nhưỡng như là mục tiêu của cuộc điều tra đồng thời chỉ trích Hàn Quốc về việc vô căn cứ liên hệ giữa Triều Tiên với vụ tấn công mạng nói trên.
 
Hãng Sony Pictures Entertainment được cho là đã phải hứng chịu một cuộc tấn công mạng quy mô lớn hồi tuần trước, dẫn đến việc hãng này bị rò rỉ rất nhiều thông tin, dữ liệu và hệ thống mật của công ty này bị phá hoại rất lớn.
 
Hồi tháng 6, Bình Nhưỡng từng lên án dữ dội bộ phim "The Interview" của Holywood bởi bộ phim này nói về một nỗ lực ám sát nhằm vào Chủ tịch Kim Jong Un. Khi đó, Bình Nhưỡng cảnh báo rằng, nếu chính quyền Mỹ nhắm mắt làm ngơ, để bộ phim đó được công chiếu thì họ sẽ tung ra đòn đáp trả mạnh mẽ, không thương tiếc.
 
Phát ngôn viên Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên khẳng định họ chỉ trả đũa những kẻ phải chịu trách nhiệm về những hành động chống phá Triều Tiên hay là các căn cứ của Triều Tiên nhưng sẽ không thực hiện những cuộc tấn công khủng bố nhằm vào khán giả vô tội ở các rạp hát.
 
Bình Nhưỡng cũng cảnh báo Mỹ về “hậu quả nghiêm trọng” nếu từ chối lời đề nghị tiến hành một cuộc điều tra chung và khẳng định sẽ có biện pháp đáp trả.
 
Về việc Washington đang tham vấn Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga để tìm kiếm sự giúp đỡ của những nước này trong việc kiềm chế Triều Tiên, giới phân tích tin rằng Mỹ sẽ khó nhận được sự giúp đỡ của Nga và Trung Quốc trong thời điểm hiện tại. Báo chí Trung Quốc hồi cuối tuần đã kịch liệt lên án bộ phim của hãng Sony, nói rằng đó là kết quả của một “sự ngạo mạn điên rồ trong văn hóa” Mỹ khi nhằm vào nguyên thủ quốc gia của một nước. Trong khi đó, Nga thừa nhận đã chính thức mời Chủ tịch Kim Jong Un đến thăm Moscow vào năm tới đúng lúc Washington đang tức giận sục sôi với Bình Nhưỡng.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc