Ukraine vật vã với quyết định đánh hay đầu hàng

16:03, 04/11/2014
|

(VnMedia) - Bất lực trước lực lượng ly khai miền đông Ukraine, chính quyền Kiev vẫn có nhiều lựa chọn khác nhưng vấn đề nằm ở chỗ tất cả những lựa chọn đó đều xấu cả.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Giới phân tích và các quan chức Ukraine đang vẽ lên một bức tranh u tối mà chính quyền Kiev thân phương Tây đang phải đối mặt khi họ cân nhắc cách thức đối phó với lực lượng ly khai ở khu vực Donbass (cách gọi khác của miền đông nam Ukraine).
 
Những cuộc bầu cử diễn ra ở hai khu vực Donetsk và Luhansk hôm Chủ nhật (2/11) vừa rồi là dấu hiệu mới nhất và mạnh mẽ nhất khiến người ta ngày càng cảm giác rằng miền đông Ukraine đang gần như trượt hoàn toàn và mãi mãi ra khỏi sự kiểm soát của Kiev. Những cuộc bầu cử này nhận được sự ủng hộ của Nga nhưng vấp phải sự phản đối của phương Tây.
 
Việc đánh chiếm lại các thành phố nằm trong sự kiểm soát của lực lượng ly khai ở khu vực Donbass như Donetsk và Luhansk được cho là vượt quá tầm khả năng của quân đội nhỏ bé và bất lực của chính quyền Kiev. Lực lượng ly khai miền đông giờ đây không còn phải là một đội quân ô hợp, nghèo nàn mà đã trở thành một lực lượng chuyên nghiệp và được vũ trang khá mạnh.
 
Chiến đấu hay đầu hàng?
 
Không nhiều người Ukraine sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh toàn diện, ông Glib Vyshlinsky – Phó Giám đốc của công ty marketing GfK ở thủ đô Kiev, đã cho biết như vậy.
 
"Nếu các bạn nói về một cuộc chiến với hàng ngàn người bị thương vong chỉ để lấy lại những khu vực đó thì không có nhiều sự ủng hộ cho viễn cảnh này”, ông Vyshlinsky cho hay.
 
Nhiều người Ukraine có xu hướng muốn từ bỏ các khu vực lãnh thổ ủng hộ Nga. Đó là một sự lựa chọn mà người ta nghe thấy ở trên mạng hoặc qua câu chuyện riêng của nhiều người dân như trên trang Facebook của nhà phân tích chính trị Yuriy Romanenko. Theo đó, nhà phân tích này đưa ra ý tưởng là khu vực miền đông Ukraine nên được cho phép gia nhập vào nước Nga bởi lực lượng ly khai muốn như vậy. Ukraine sau đó sẽ không phải đối mặt với những tổn thất to lớn gây ra từ khu vực chiến sự ở miền đông Ukraine và sẽ được để tự do theo đuổi thách thức chính là bắt đầu tiến hành các cải cách kinh tế và pháp luật theo hướng thân phương Tây.
 
"Không lo lắng. Bây giờ, chúng ta có thể đến với Châu Âu", một người có tên là Tatyana Filatova đã bình luận như vậy dưới status của nhà phân tích Romanenko về các cuộc bầu cử ở miền đông Ukraine.
 
Một cuộc thăm dò dư luận do GfK tiến hành hồi tháng 9 cho thấy, 31% người dân Ukraine ủng hộ “một nền hoà bình tồi”, nghĩa là có việc từ bỏ một số lãnh thổ ở miền đông cho Nga. 54% muốn tiếp tục chiến đấu.
 
Một dấu hiệu cụ thể là chính phủ Ukraine đang chuẩn bị cắt đứt ít nhất một số mối quan hệ với miền đông theo gợi ý của một số quan chức cấp cao gần đây. Cụ thể, Kiev có ý định cắt nguồn cung cấp khí đốt cho miền đông Ukraine để Nga phải chìa tay ra giúp đỡ.
 
"Những thông báo trên được xem là phép thử đối với Nga”, một nhà phân tích cho biết.
 
Xung đột lạnh?
 
"Chúng ta không thể từ bỏ Donbass", một quan chức an ninh cấp cao hàng đầu của Ukraine đã nói như vậy. "Chúng ta sẽ phải làm mọi điều có thể để khôi phục lại chủ quyền của chúng ta trên vùng lãnh thổ này nhưng hiện tại bây giờ, chúng ta không thể làm được điều đó.
 
Nếu theo tuyên bố của vị quan chức trên, Ukraine có thể hướng đến một sự lựa chọn khác gọi là “xung đột lạnh” nhằm quấy rầy nước láng giềng Nga.
 
Nga ủng hộ lực lượng ly khai kiểm soát Abkhazia và Nam Ossetia ở Gruzia cũng như lực lượng ly khai Transdniestr của Moldova. Kinh nghiệm ở những nơi này cho thấy, mặt tích cực duy nhất của kiểu xung đột lạnh này là chiến tranh giảm xuống mức tối thiểu.
 
Nhưng ở trong hai trường hợp trên, các cuộc xung đột đều trở thành vật cản trên con đường tiến hành những cải cách cần thiết để các nước gia nhập vào Liên minh Châu Âu hay các thể chế của phương Tây. Và thậm chí sau hơn một thập kỷ, không có dấu hiệu nào cho thấy các lãnh thổ của lực lượng ly khai trở về người chủ ban đầu.
 
"Kiev đã mất quyền kiểm soát khu vực Donbass tối thiểu là 5 năm rồi. Chính quyền từ lâu đã nhận ra điều đó. Họ không ảo tưởng. Nhưng việc thừa nhận thực tế đó là một cuộc tự sát về chính trị. Tất cả mọi người đều hiểu đó là một chủ đề gây đau đớn”, nhà phân tích chính trị Berezovets đã nhận định như vậy.
 
Hay chiến tranh nóng?
 
Nỗi sợ lớn nhất đối với người Ukraine là lực lượng ly khai miền đông muốn một cuộc chiến nóng chứ không phải là một cuộc chiến tranh lạnh với Kiev.
 
Lực lượng ly khai miền đông Ukraine đã công khai thể hiện  mục tiêu mở rộng lãnh thổ của họ đến thành phố cảng ở Biển Đen là Mariupol. Giới chức Kiev tin rằng, lực lượng ly khai với sự giúp đỡ của Nga cuối cùng cũng có thể chiếm được toàn bộ khu vực ở bờ Biển Đen để thiết lập một đường nối trên đất liền với bán đảo Crimea.
 
Không có một đường nối trên đất liền, người Crimea sẽ phải đối mặt với mùa đông dài lạnh lẽo vì phải phụ thuộc vào các nguồn cung cấp của Nga từ các tuyến đường biển.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc