Mỹ, NATO lại “phối hợp tác chiến” dọa Nga

07:23, 02/04/2014
|

(VnMedia) - Vị tướng hàng đầu của Mỹ ở Châu Âu đang xem xét các lựa chọn quân sự, trong đó có việc triển khai một tàu chiến đến Biển Đen và tăng cường các cuộc tập trận của NATO trong khu vực nhằm mục đích đáp trả Nga sau vụ sáp nhập Crimea. Thông tin này đã được một quan chức quân sự của Mỹ tiết lộ ngày hôm qua (1/4).
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Một nhóm nhỏ khoảng 10 binh lính đến từ một sư đoàn lục quân của Mỹ cũng có thể đến Châu Âu “trong thời gian rất sớm” để chuẩn bị tốt hơn cho hoạt động triển khai lực lượng lớn hơn trong khu vực vào mùa hè này như một phần của lực lượng phản ứng NATO.
 
"Nhóm sư đoàn này đã được lên kế hoạch để trở thành một phần của lực lượng phản ứng NATO trong mùa hè này. Và chúng tôi chỉ đang xem xét các cách thức để có thể tăng cường hơn nữa hoạt động triển khai quân ở đây”, vị quan chức giấu tên của Mỹ cho hay.
 
Trong một dấu hiệu khác thể hiện sự ủng hộ NATO, Tổng thống Rumani Traian Basescu tiết lộ, Mỹ đã đề nghị tăng số lượng quân và máy bay của nước này đóng tại một căn cứ không quân của Rumani – quốc gia nằm sát biên giới với Ukraine.
 
Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hôm qua lại cho rằng, tốc độ NATO tăng cường sự hiện diện quân sự ở Ba Lan chưa đạt yêu cầu. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski đến tham dự hội nghị NATO đã tuyên bố, ông này hoan nghênh bất kỳ lực lượng NATO nào đến đóng tại nước mình. Trước đó, ông Sikorski cho biết, ông sẽ cảm thấy hài lòng nếu NATO triển khai hai sư đoàn hạng nặng đến Ba Lan.
 
Đáp lại, Đức nhấn mạnh, việc NATO triển khai lực lượng mạnh ở Ba Lan không phù hợp với hiệp ước hợp tác Nga-NATO được ký kết năm 1997.
 
Mỹ và các nước NATO khác đã đáp trả cuộc khủng hoảng ở Crimea bằng cách tung ra thêm nhiều máy bay chiến đấu đến tham gia nhiệm vụ tuần tra bầu trời định kỳ ở các quốc gia Baltic – nơi từng thuộc Xô-viết. Mỹ đã tăng cường lực lượng trong một cuộc tập trận với Không quân Ba Lan.
 
Đức cũng triển khai 6 máy bay Eurofighter đến Baltic để tuần tra bầu trời và cử một tàu chỉ huy đến đơn vị rà soát thủy  lôi ở Biển Baltic, một nguồn tin NATO cho hay.
 
NATO tuyên bố ngừng hợp tác với Nga
 
Trong một động thái được xem như hành động “phối hợp tác chiến” với Mỹ nhằm trả đũa Nga, NATO hôm qua tuyên bố ngừng mọi hợp tác quân sự và dân sự với Nga vì vấn đề Crimea. Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương còn ra lệnh cho các nhà lập kế hoạch quân sự phác thảo các biện pháp nhằm tăng cường phòng thủ và trấn an các quốc gia Đông Âu đang lo lắng.
 
Ngoại trưởng của 28 nước thành viên NATO – một liên minh do Mỹ cầm đầu, đã có cuộc họp lần đầu tiên kể từ khi Nga chính thức sáp nhập Crimea vào nước này.
 
Tổng thư ký NATO Fogh Rasmussen tuyên bố, hành động của Nga đồng nghĩa với vệc, không thể có chuyện “mọi việc vẫn diễn ra bình thường được. Vì thế, ngày hôm nay, chúng tôi quyết định tạm ngừng tất cả mối quan hệ hợp tác thực tế với Nga, cả về quân sự và dân sự”.
 
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho hay, tương lai mối quan hệ giữa NATO với Nga sẽ phục thuộc vào nhiều vấn đề, trong đó có việc Nga rút quân khỏi biên giới Ukraine.
 
Ngoại trưởng các nước thành viên NATO cũng ra lệnh cho giới tướng lĩnh quân sự vạch ra kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ của NATO để tăng sự tự tin cho các thành viên Đông Âu của liên minh này, trong đó có các nước Baltic, về việc NATO sẵn sàng bảo vệ họ.
 
Các biện pháp khác có thể bao gồm việc NATO triển khai thêm binh lính, vũ khí đến các nước Đông Âu, tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận, bảo đảm lực lượng phản ứng nhanh của NATO có thể triển khai quân nhanh chóng, và xem xét lại các kế hoạch quân sự của NATO. Giới lập kế hoạch quân sự sẽ trở lại trong vài tuần nữa để đưa ra các đề xuất chi tiết về biện pháp quân sự nhằm đối phó với Nga, một quan chức NATO cho biết.
 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định, NATO vẫn ưu tiên các biện pháp nhằm làm dịu tình hình và tìm kiếm một con đường ngoại giao để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. "Cùng lúc, cũng rất quan trọng để mọi người trên thế giới hiểu rằng liên minh NATO xem vấn đề thay đổi biên giới bằng cách dùng vũ lực là rất nghiêm trọng”, ông Kerry nói.
 
Trước đó, hôm 31/3, Nga thông báo nước này đã rút một tiểu đoàn ra khỏi biên giới với Ukraine sau khi hoàn thành xong cuộc tập trận. Mỹ và NATO liên tục cáo buộc Nga dồn quân đến khu vực biên giới để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược nhằm vào Ukraine bất chấp việc giới chức ở Moscow nhiều lần khẳng định, họ không hề có ý định và cũng chẳng thích thú với việc đưa quân vào nước láng giềng.
 
Việc NATO tuyên bố ngừng hợp tác với Nga đồng nghĩa với việc Nga không thể tham gia vào các cuộc tập trận chung với liên minh quân sự phương Tây này. Trước đó, hai bên đã lên kế hoạch tập trận chung vào tháng 5 này.
 
Tuy vậy, Tổng thư ký NATO Rasmussen cho biết, ông vẫn chờ đợi sự hợp tác của Nga với NATO ở Afghanistan – trong vấn đề đào tạo đội ngũ chống ma túy, bảo dưỡng trực thăng cho không quân Afghanistan và tiếp tục mở tuyến đường quá cảnh từ nước này.
 
Các cuộc tiếp xúc giữa NATO và Nga ở cấp đại sứ và cấp cao hơn có thể vẫn tiếp tục để hai bên có thể bàn cách giải quyết khủng hoảng.
 
Cũng tại cuộc họp ngày hôm qua, NATO đã đồng ý tăng cường hoạt động đào tạo cũng như các chương trình khác để giúp hiện đại hóa Lực lượng Vũ trang NATO. NATO sẽ cung cấp cho Ukraine nhiều cơ hội hơn để tham gia vào các cuộc tập trận của liên minh này, ông Rasmussen cho biết.
 
NATO cũng sẽ cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine những thiết bị mong muốn ngoại trừ vũ khí và cử các chuyên gia đến Kiev vào tuần tới để đánh giá xem Ukraine cần gì.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc