Thủ tướng Thái “hạ knock out” phe biểu tình?

08:03, 19/01/2014
|

(VnMedia) - Thậm chí ngay cả khi những người biểu tình đang tỏa ra khắp các đường phố ở thủ đô Bangkok trong suốt tuần qua thì lực lượng này rõ ràng đang “mất lửa”. Điều này có thể được thấy rõ qua số lượng người biểu tình xẹp đi một cách nhanh chóng, từ hàng chục nghìn người xuống chỉ còn vài nghìn người.

Ảnh minh họa

Lực lượng biểu tình Thái Lan đang mất nhiệt


Lực lượng biểu tình đang đối mặt với thất bại khi mất dần những cử tri mà họ rất cần sự ủng hộ của họ - đó là tầng lớp trung lưu thành thị. Với diễn biến này, người ta bắt đầu tin rằng, nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck nhiều khả năng sẽ hạ gục được phe biểu tình đang chống đối và tìm cách lật đổ bà.
 
Những người biểu tình chống chính phủ, phần lớn xuất thân từ tầng lớp cổ cồn trắng (tầng lớp tri thức) đã phát động và đẩy mạnh chiến dịch nhằm lật đổ chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck từ hồi cuối năm ngoái. Bà Yingluck được bầu lên làm Lãnh đạo của đất nước Thái Lan năm 2011 nhờ vào những cam kết mạnh mẽ về việc phục hồi lại những chính sách dân túy của anh trai bà cũng là cựu Thủ tướng Thaksin nổi tiếng trên chính trường quốc gia Đông Nam Á. Ông Thaksin giữ chức Thủ tướng Thái Lan từ năm 2001 cho đến khi ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006. Mặc dù đã rời xa chính trường Thái Lan suốt 8 năm qua, cựu Thủ tướng Thaksin vẫn là nguồn cơn của mọi cuộc đấu đá trên chính trường nước này.
 
Nhờ vào ảnh hưởng và uy tín to lớn của ông Thaksin, bà Yingluck đã dễ dàng chiến thắng trong cuộc bầu cử cách đây 3 năm và trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Dưới sự dẫn dắt của bà, đất nước Thái Lan đã trải qua một giai đoạn yên bình lâu dài nhất kể từ sau cuộc đảo chính cách đây 8 năm. Tuy nhiên, sóng gió trên chính trường Thái lại bắt đầu nổi lên dữ dội trong những tháng gần đây kể từ sau khi chính quyền của bà Yingluck đưa trở lại dự luật ân xá mà phe đối lập tin là nỗ lực của bà này nhằm đưa người anh trai đầy ảnh hưởng trở về nước. Phe đối lập cũng cáo buộc chính phủ của bà Yingluck tham nhũng và thực hiện các chính sách gây tổn thất cho đất nước.
 
Bắt đầu từ các cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài, lực lượng chống chính phủ Thái Lan bắt đầu leo thang từ hồi đầu tuần này bằng chiến dịch đóng cửa thủ đô Bangkok với mục tiêu gia tăng sức ép buộc bà Yingluck phải từ chức. Khi chiến dịch đóng cửa thủ đô tiếp tục diễn ra thì nguy cơ bùng phát bạo lực cũng bắt đầu tăng lên. Mới đây, hôm 17/1, một vụ nổ đã xảy ra trong cuộc biểu tình chống chính phủ, khiến hàng chục người bị thương.
 
Chính phủ Thái Lan đã cố làm dịu tình hình bằng cách tổ chức một cuộc bầu cử sớm, dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 tới. Tuy nhiên, phe biểu tình không chấp nhận nỗ lực này mà chỉ muốn duy nhất một điều – đó là sự ra đi của bà Yingluck.
 
Thủ lĩnh biểu tình Suthep đã rất kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu lật đổ nữ Thủ tướng trong chiến dịch làm tê liệt thủ đô mà ông này phát động từ hôm thứ Hai đầu tuần (13/1). Tuy nhiên, nhiều khả năng ông Suthep và những người ủng hộ ông này sẽ phải thất vọng bởi diễn biến các cuộc biểu tình hiện nay cho thấy, họ khó có khả năng lật đổ được chính quyền của bà Yingluck. Làn sóng biểu tình đóng cửa thủ đô Bangkok rõ ràng đang đe dọa sẽ phá vỡ, làm đảo lộn cuộc sống hàng ngày và gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế đến mức mà ngay cả những người từng ủng hộ phe đối lập cũng phải nghĩ lại và chấm dứt tham gia vào chiến dịch này. Đây là bước ngoặt thay đổi đáng kể bởi nó đem lại cơ hội vào giờ thứ 11 cho Thái Lan để nước này tìm kiếm được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị đầy bế tắc hiện nay.
 
Rõ ràng, ở giai đoạn ban đầu, cuộc biểu tình chống chính phủ là dành cho những thành phần cổ cồn trắng. Những lời kêu gọi biểu tình ban đầu xuất phát từ trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, càng gần thời gian trở về đây, thủ lĩnh Suthep càng phải chật vật hơn, khó khăn hơn trong việc duy trì cuộc biểu tình của họ ở quy mô lớn đủ gây chủ ý, đủ gây sức ép với nữ Thủ tướng Yingluck. Thành phần cổ cồn trắng then chốt trong lực lượng biểu tình cần phải duy trì giờ làm việc của họ và giới thủ lĩnh biểu tình phải tìm cách bù đắp vào khoảng trống thiếu hụt to lớn bằng cách kêu gọi người ủng hộ từ thành trì chính của Đảng Dân chủ đối lập ở phía nam Thái Lan. Phe biểu tình còn phải tuyển mộ thêm các sinh viên, đặc biệt là từ các trường dạy nghề. Đây là thành phần vốn nổi tiếng vì hay thích gây gổ, đấm đá nhau. Chính những nhân vật được tuyển mộ này là lực lượng tham gia chủ yếu vào các cuộc đụng độ khiến 8 người thiệt mạng.
 
Không chỉ mất lửa vì thiếu người ủng hộ, chiến dịch biểu tình đang suy yếu vì bản thân lực lượng này không đưa ra được một sự thay thế mới hấp dẫn hơn so với chính quyền của Thủ tướng Yingluck. Thay vào đó, họ chỉ đưa ra được một khái niệm rất mập mờ và phi dân chủ về việc thành lập một “hội đồng nhân dân” để hội đồng này lên cầm quyền và giám sát cải cách. Điều đáng nói là hội đồng nhân dân này không phải do dân bầu lên mà lại do chính những người biểu tình lựa chọn. Đương nhiên, đòi hỏi này của phe biểu tình vấp phải sự chỉ trích không chỉ của phần lớn người dân Thái Lan mà cả các học giả, nhà phân tích có uy tín.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc