Kim Jong Un khiến Mỹ rối trí?

08:14, 12/03/2013
|

(VnMedia) - Không dừng lại ở những lời đe dọa quen thuộc, chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un mới đây thậm chí đã đe dọa tấn công hạt nhân phủ đầu Mỹ. Với lời đe dọa sắc lạnh nhất từ trước đến nay kèm theo một loạt bước đi đầy thách thức trong thời gian qua, Nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un đang thực sự khiến các quan chức Mỹ rối trí.

 

Ảnh minh họa


Giới lãnh đạo ở Washington tin rằng, vị Tổng Chỉ huy hiện nay của đất nước Triều Tiên dù mới chỉ khoảng 30 tuổi nhưng là nhân vật khó dự đoán, nguy hiểm và khó lường hơn rất nhiều so với người cha Kim Jong Il của ông này.

 

"Nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên đang hành động theo một cách quyết liệt hơn so với cha của ông này. Ông Kim Jong Un lạnh lùng hơn và đầy tính toán hơn”, một quan chức cấp cao của Mỹ đã nhận xét như vậy.

 

Theo vị quan chức Mỹ, “việc đưa ra những lời đe dọa hạt nhân trực tiếp nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc đã khẳng định cho những gì mọi người vẫn nói, đó là chúng ta đang đối mặt với một người hoàn toàn mới”.

 

“Không ai biết ông ấy có kế hoạch gì, đang nghĩ gì và đang dự định làm gì hoặc tại sao Triều Tiên đang tăng cường tung ra những lời đe dọa”, quan chức giấu tên của Mỹ nói thêm.

 

Ông Kim Jong Un lên cầm quyền ở Triều Tiên vào cuối năm 2011 khi chưa đầy 30 tuổi. Việc một chính khách trẻ tuổi và từng được đào tạo ở nước ngoài lên nắm quyền ở Triều Tiên đã đem lại hy vọng cho phương Tây. Các cường quốc từng kỳ vọng, ông Kim Jong Un sẽ mềm mại hơn và sẽ sẵn sàng tham gia hợp tác hơn với phương Tây.

 

"Tuy nhiên, ông Kim Jong Un lại theo đuổi quyết liệt chính sách của cha ông mình. Vì thế, chúng ta khó mà có thể lạc quan được”, vị quan chức Mỹ nói.

 

Rõ ràng, sau hơn một năm cầm quyền, Chủ tịch Kim Jong Un đã khiến phương Tây phải nghĩ lại về ông này. Giờ đây, có lẽ, phương Tây đã nhận ra rằng, họ không dễ đối phó với Nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên.

 

Chủ tịch Kim Jong Un đang chuẩn bị cho chiến tranh?

 

Sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào vụ thử hạt nhân thứ ba của Triều Tiên, giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng đã “tung” ra vô số những lời đe dọa ớn lạnh. Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ tấn công phủ đầu hạt nhân Mỹ. Chủ tịch Kim Jong Un thì cảnh báo, Triều Tiên sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh toàn diện với Mỹ, Hàn Quốc.

 

Cùng với những lời đe dọa, cảnh báo trên, chính quyền Triều Tiên còn có một loạt động thái gây giật mình như cắt đứt đường dây nóng khẩn cấp với Seoul, hủy bỏ các thỏa thuận không xâm lược lẫn nhau, tuyên bố vô hiệu hóa hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên và lên kế hoạch tiến hành một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Chưa hết, Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un còn nhanh chóng thực hiện một chuyến thị sát đến các đơn vị quân đội ở khu vực tiền tuyến, giáp biên giới với Hàn Quốc. Với những bước đi liên tiếp này, nhiều người đang tự hỏi, liệu có phải Triều Tiên đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với Mỹ và Hàn Quốc.

 

Rất khó để dự đoán ý định thực sự của Triều Tiên nhưng rõ ràng, giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng rất tức giận trước “đòn” trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như việc Mỹ và Hàn Quốc tiến hành hai cuộc tập trận chung rầm rộ đúng vào thời điểm này. Bình Nhưỡng coi những hành động đó là lời tuyên bố chiến tranh.

 

“Lệnh trừng phạt tập thể chính xác là một lời tuyên bố chiến tranh nhằm vào Triều Tiên”, một tờ báo của Triều Tiên đã viết như vậy.

 

Lệnh trừng phạt trên được đưa ra đúng lúc Mỹ và Hàn Quốc thực hiện hai cuộc tập trận chung mang tên Joint Resolve và Foal Eagle. Triều Tiên tin rằng, những cuộc tập trận kiểu này là “một lời tuyên chiến công khai” từ phía Washington Seoul đối với Bình Nhưỡng.

 

“Dưới vỏ bọc của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Mỹ đang tìm cách thực hiện mục đích xâm lược Triều Tiên bằng cách đe dọa quyền tồn tại cũng như quyền chủ quyền của Triều Tiên. Điều nghiêm trọng hơn là Mỹ đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt đúng thời điểm diễn ra hai cuộc tập trận Key Resolve và Foal Eagle”, tờ báo chính thức của Triều Tiên cho biết.

 

Trong một động thái leo thang đáng lo ngại nhất, Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ hiệp định đình chiến 60 năm qua. Việc Bình Nhưỡng hủy bỏ hiệp định ngừng bắn này khiến người ta không khỏi giật mình lo ngại về khả năng bùng phát trở lại một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên như cuộc chiến tranh năm 1950-1953.

 

Tuy nhiên, bất chấp những lời đe dọa đáng sợ nói trên, các nhà phân tích tin rằng, Bình Nhưỡng sẽ không tìm kiếm một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Mỹ. Trên thực tế, Triều Tiên còn nhiều năm nữa mới có thể đạt được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đưa lên tên lửa và nhắm bắn chính xác vào mục tiêu mà nước này muốn. Vì vậy, lời đe dọa tấn công phủ đầu hạt nhân của Triều Tiên nhằm vào Mỹ thực chất chỉ là trống rỗng.

 

Mặc dù vậy, các nước được cảnh báo không nên xem nhẹ những lời đe dọa của giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng. Triều Tiên có thể không đủ sức đe dọa Mỹ nhưng lại có đủ khả năng tấn công Hàn Quốc và Nhật Bản. Nếu diễn biến tình hình trên bán đảo Triều Tiên không dịu đi và các bên tiếp tục cương với nhau thì viễn cảnh xung đột là khó tránh khỏi.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc