Trung Quốc và cuộc chiến tuyên truyền trên Biển Hoa Đông

16:21, 15/02/2013
|

(VnMedia) - Bắc Kinh đang đẩy mạnh "cuộc chiến tuyên truyền" để chứng minh chủ quyền của mình đối với quần đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản gọi là Senkaku.

 

Trong một động thái hiếm hoi, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc hôm qua (14/2) đã cho đăng tải một đoạn băng ghi hình trực tiếp 3 tàu tuần duyên của nước này đang hoạt động trên vùng lãnh thổ xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

   

Ba tàu tuần tra này đã tiến vào vùng lãnh hải trên vào khoảng 5 giờ chiều ngày 14/2 (giờ địa phương) và đưa ra lời cảnh báo bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh đối với các tàu tuần tra của Nhật Bản cũng đang hoạt động trong khu vực này và yêu cầu ra khỏi vùng tranh chấp.  

 

Đài CCTV đưa tin, tàu tuần tra của Trung Quốc đã gặp phải gió lớn khi đến vùng biển trên nhưng tầm nhìn xa trên biển hôm qua lại rõ nhất trong suốt dịp Tết Nguyên đán vừa qua.


Ảnh minh họa

 

Một phóng viên của đài CCTV có mặt trên tàu Haijian 50 - một trong số 3 con tàu cho biết, tàu đã tiến vào khu vực chỉ cách quần đảo tranh chấp khoảng 13 dặm.  

 

Bên cạnh đó, mấy ngày gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc còn liên tục đưa tin về các cuộc tập trận do Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiến hành cũng như các cuộc tuần tra của Cục Hải dương Quốc gia của nước này, nhấn mạnh rằng, binh lính của họ đã hy sinh dịp Tết Nguyên đán được trở về đoàn tụ với gia đình để bảo vệ chủ quyền đất nước.


Nhật Bản tuyên bố có quyền tấn công trước

Trong một diễn biến liên quan khác, cũng trong hôm qua, trong tuyên bố có thể gây thêm căng thẳng với Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản – Itsunori onodera khẳng định rằng, Nhật Bản có quyền tăng cường khả năng để tiến hành  tấn công trước khi bị tấn công, trong bối cảnh môi trường an ninh đang thay đổi, mặc dù nước này không hề có ý định đó.

 

Ông onodera đưa ra tuyên bố trên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3 trong lịch sử.

 

“Khi âm mưu tấn công Nhật Bản trở nên rõ rệt, mối đe dọa sắp đến thì Nhật Bản không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành tấn công kẻ thù”, ông onodera nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, đồng thời thêm rằng, Nhật Bản vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại “hướng hòa bình”.

 

Ông onodera cũng kêu gọi thiết lập một đường dây nóng giữa Trung Quốc và Nhật Bản để ngăn chặn các cuộc va chạm không đáng xung quanh quần đảo tranh chấp.

 

Căng thẳng giữa hai nước có dấu hiệu lắng dịu sau chuyến công du tới Bắc Kinh của ông Natsuo Yamaguchi – Chủ tịch Đảng Công minh Mới - đảng liên minh cầm quyền của tân chính phủ Nhật Bản - một đặc phái viên của Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng trước. Sau cuộc gặp với Tổng bí Thứ Đảng Cộng sản Trung Quốc – Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ông này đã kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh cấp cao song phương giữa hai quốc gia để tháo gỡ căng thẳng.

 

Tuy nhiên, căng thẳng lại tiếp tục bùng nổ hồi tuần trước sau khi Tokyo cáo buộc tàu khu trục Trung Quốc chĩa ra-đa kiểm soát hỏa lực về phía tàu khu trục và trực thăng quân sự của Nhật Bản. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc trên.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố trong một thông báo rằng, radar trên tàu của nước này duy trì hoạt động bình thường và radar kiểm soát hỏa lực không được sử dụng. Nhật Bản ngay lập tức phản pháo. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Fumio Kishida cho biết ông không thể chấp nhận lời giải thích kể trên, trong khi Thủ tướng Shinzo Abe yêu cầu Trung Quốc phải xin lỗi cũng như thừa nhận vụ việc. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori onodera thậm chí tuyên bố Tokyo đang cân nhắc việc công bố dữ liệu quân sự làm bằng chứng cho sự tồn tại của vụ việc kể trên.

   

Quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku đang là tâm điểm gây nên mối căng thẳng giữa hai cường quốc đừng đầu châu Á này.


Động thái trên của Nhật Bản đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của Trung Quốc. Bắc Kinh luôn khẳng định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là lãnh thổ của mình và không đồng ý những tranh chấp về vấn đề này. Những hòn đảo này nằm trong quyền kiểm soát của Nhật Bản vào năm 1895 và là một phần trong hiệp ước với Mỹ về các khu vực chiếm đóng quân sự từ năm 1945 đến 1972. Sau thời gian đó, quần đảo được Tokyo tiếp quản từ chính quyền Mỹ trong sự phản đối của Trung Quốc và Đài Loan.


Trung Quốc đã yêu cầu Liên Hợp Quốc xem xét về những giá trị khoa học cũng như pháp lý về yêu sách của nước này đối với quần đảo tranh chấp như là một phần mở rộng tự nhiên của thềm lục địa nước này theo quy ước của Liên Hợp Quốc.

 

Tuy nhiên, Nhật Bản cảnh báo các bên không liên quan không nên tham gia vào tranh chấp và khẳng định quần đảo này thuộc chủ quyền của Nhật Bản. Hồi tháng 9 năm ngoái, Tokyo đã chính thức quốc hữu hóa 3 trong số các đảo thuộc quần đảo này bằng cách mua lại chúng từ một chủ sở hữu tư nhân. Động thái này khiến cho mối căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo này lên tới đỉnh điểm. Kể từ đó, giữa hai nước thường xuyên xảy ra các cuộc "khẩu chiến" cũng như các cuộc đối đầu giữa các tàu tuần tra và chiến đấu cơ trên vùng biển tranh chấp.


Việt Nguyễn - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc