Không quân Thổ Nhĩ Kỳ xuất kích đối phó với Syria

07:07, 02/07/2012
|

(VnMedia) - 6 chiếc chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã được lệnh xuất kích khẩn cấp sau khi máy bay trực thăng của Syria tiếp cận quá gần với biên giới hai nước. Vụ việc này khiến cho căng thẳng giữa Ankara và Damascus trở nên trầm trọng hơn.
 
Theo tuyên bố của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, 6 chiếc máy bay chiến đấu của họ đã xuất kích khẩn cấp đến khu vực biên giới nhằm đối phó với 3 vụ tiếp cận sát biên giới nước này từ phía Syria hôm 30/6.
 
Trong vụ việc đầu tiên, 4 trong số 6 chiếc máy bay nói trên đã cất cánh khẩn cấp từ căn cứ Incirlik để sẵn sàng đáp trả trực thăng của Syria khi những chiếc máy bay này tiếp cận quá gần với tỉnh Hatay. Sau đó, thêm hai chiếc máy bay F-16 được lệnh xuất kích ngay lập tức từ một căn cứ gần Batman, ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi lực lượng nước này phát hiện những chiếc trực thăng của Syria bay lượn lờ sát tỉnh Mardin. Tuyên bố của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra ngày hôm qua (1/7) cho biết, trực thăng Syria đã bay ở khu vực chỉ cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 6,5km.
 
Tuy nhiên, không có vụ đụng độ trực tiếp nào xảy ra giữa máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ với trực thăng Syria. Cũng không có thông báo nào về việc máy bay Syria xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Diễn biến trên đã đẩy mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thêm trầm trọng. Ankara đang vô cùng tức giận và tuyên bố sẵn sàng trả đũa Damascus sau khi lực lượng an ninh Syria bắn hạ một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 22/6.
 
Hôm 29/6, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu triển khai một loạt tên lửa, súng phòng không và nhiều loại vũ khí khác ở khu vực biên giới với Syria để chuẩn bị sẵn sàng trả đũa vụ chiếc F-4 Phantom của họ bị bắn rơi. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ coi bất cứ đơn vị quân đội nào của Syria tiếp cận biên giới Thổ Nhĩ Kỳ là mối đe dọa trực tiếp và họ sẽ xử lý nó như một mục tiêu quân sự.
 
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước công khai lên án mạnh mẽ chính quyền Syria về các vụ đàn áp người biểu tình trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 16 tháng qua ở đất nước Trung Đông. Cùng với các cường quốc phương Tây, Ankara liên tục kêu gọi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad từ chức.
 
Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận máy bay bị bắn rơi trong không phận Syria
 
Trong một diễn biến có liên quan, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đã ra một tuyên bố phủ nhận việc chiếc máy bay chiến đấu của họ bị bắn rơi trong không phận Syria. Cả Ankara và Damascus vẫn còn đang tranh cãi nhau kịch liệt về việc ai đúng ai sai trong vụ lực lượng an ninh Syria bắn rơi chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 22/6.
 
"Chiếc máy bay của chúng tôi đã bị bắn hạ ở khu vực ngoài khơi cách bờ biển Syria 13 dặm. Đó là khu vực thuộc không phận quốc tế", tuyên bố của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
 
Ankara đã đưa ra tuyên bố trên nhằm bác bỏ một thông tin được đăng tải trên tờ Nhật báo Phố Wall của Mỹ. Tờ báo này dẫn nguồn tin từ các quan chức tình báo Mỹ cho rằng, máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị bắn hạ bởi súng phòng không của Syria khi chiếc máy bay này đang ở bên trong không phận Syria.
 
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định, máy bay chiến đấu của họ bị hạ khi hệ thống định dạng đang được mở và rất dễ được nhận dạng. Trước đó, Syria cho biết, lực lượng của họ có thể nhầm máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ với máy bay của Israel bởi máy bay chiến đấu của hai nước này hầu hết đều có nguồn gốc từ Mỹ.
 
Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định, chiếc máy bay chiến đấu của họ bị bắn hạ khi bay một mình, phủ nhận thông tin cho rằng, có một chiếc máy bay khác bay theo sau chiếc chiến đấu cơ F-4 khi nó bị lực lượng an ninh Syria tấn công.
 
Theo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, máy bay của họ xâm phạm không phận Syria chỉ trong vòng 5 phút và Syria không có hành động gì trong suốt thời gian này. Chỉ sau khi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ rời không phận Syria thì nó mới bị bắn hạ. Hiện tại, 2 phi công của chiếc máy bay bị bắn rơi vẫn đang mất tích.
 
Ankara cũng khăng khăng cho rằng, máy bay của họ bị bắn bởi một tên lửa tầm nhiệt hoặc một tên lửa dẫn dường bằng hệ thống laser. Cả hai loại vũ khí này đều có khả năng bắn hạ máy bay khi nó đang ở không phận quốc tế.
 
Đáp lại những cáo buộc trên, Syria khẳng định, lực lượng phòng không của họ đã phản ứng tức thì khi một chiếc máy bay của Thổ Nhĩ  Kỳ bay rất thấp và nguy hiểm trong không phận Syria. Damascus cũng nhấn mạnh, máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn rơi bởi súng phòng không chứ không phải là tên lửa dẫn đường bằng hệ thống radar.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc