2 kết cục đẫm máu cho xung đột ở Syria

06:11, 29/03/2012
|

(VnMedia) - Khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria diễn biến ngày một nghiêm trọng và đẫm máu thì phe nổi dậy Syria và nhiều cường quốc thế giới đang mơ đến một kết cục mà họ tin là “có hậu”. Đó là sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad.
 
Tuy nhiên, nhiều người đang tự hỏi, sau sự ra đi của ông Assad, ai sẽ là người có đủ  năng lực để lãnh đạo đất nước Syria hay là đất nước này sẽ rơi và tình trạng vô chính phủ, bất ổn và hỗn loạn.
 
Theo giới phân tích, một trong những lý do mà cho đến thời điểm này, phương Tây chần chừ chưa muốn can thiệp vào Syria là chưa có nhân vật nào thực sự nổi bật, thực sử đủ tài, đủ lực để tiếp nhận quyền lực từ tay Tổng thống Assad. Các nhà phân tích cũng tin rằng, việc ai sẽ lãnh đạo Syria phụ thuộc rất nhiều vào cách ông Assad ra đi. Vậy Tổng thống Assad có thể ra đi theo kịch bản nào?
 
Một cuộc đảo chính quân sự
 
Cuộc nổi dậy ở đất nước Syria đã nổ ra cách đây hơn một năm nhưng đến thời điểm này, chính quyền của Tổng thống Assad vẫn khá vững vàng vì ông này có được sự ủng hộ của lực lượng quân đội hùng mạnh. Chính vì thế, một số người tin rằng kịch bản “hoàn hảo” nhất là ông Assad bị lật đổ từ bên trong bởi một một cuộc đảo chính quân sự. Một cuộc đảo chính quân sự sẽ mở đường cho sự thay đổi về thể chế ở đất nước Syria.
 
Một cuộc đảo chính quân sự có thể là một kịch bản “trong mơ” của những người đang vô cùng mong muốn lật đổ được chính quyền của Tổng thống Assad. Tuy nhiên, trên thực tế, đây lại là một kịch bản rất khó xảy ra, ít nhất là trong thời gian ngắn trước mắt.
 
Sở dĩ ông Assad có được sự ủng hộ kiên định và chắc chắn của quân đội là do ông này đã rất khôn ngoan khi bổ nhiệm toàn bộ những tướng lĩnh, chỉ huy quân đội đều là người thuộc sắc tộc thiểu số Alawite – cũng là sắc tộc của ông Assad. Những nhân vật chính yếu này đã được cảnh báo và hiểu rất rõ rằng họ sẽ gặp nguy nếu để chính quyền Syria rơi vào tay người Sunni – tộc người chiếm đa số ở đất nước Trung Đông. Người Sunni cũng là lực lượng chính trong cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Assad trong thời gian qua.
 
Tuy nhiên, trên chính trường, mọi việc đều không thể dự đoán trước được. Có thể trong thời gian ngắn trước mắt sẽ không xảy ra một cuộc đảo chính quân sự. Nhưng xa hơn, mọi việc đều có thể xảy ra.
 
Nếu một cuộc đảo chính quân sự xảy ra, vấn đề được mọi người quan tâm là người dân Syria có thể có được kết cục tốt đẹp với kịch bản này hay không? Câu trả lời không được lạc quan và tích cực cho lắm. Nhiều nhà phân tích thậm chí còn lo ngại, một cuộc đảo chính quân sự có thể để lại những hậu quả “chết người”. Đó là “một cuộc chiến huynh đệ tương tàn” giữa các tướng lĩnh trong quân đội. Cuộc chiến này chắc chắn sẽ đẫm máu, khốc liệt và gây tổn thất vô cùng lớn cho đất nước Syria.
 
Phe nổi dậy lật đổ Tổng thống Assad
 
Đây là kịch bản mà phương Tây nghĩ đến đầu tiên ngay khi cuộc nổi dậy ở đất nước Syria nổ ra hồi đầu năm ngoái. Tuy nhiên, sau hơn một năm, các cường quốc phương Tây bắt đầu nhận ra rằng, kịch bản phe nổi dậy lật đổ Tổng thống Assad là rất khó khả thi trừ khi họ trực tiếp nhảy vào can thiệp.
 
Nhìn lại cuộc chiến ở Libya hồi năm ngoái, người ta có thể thấy, phe nổi dậy Libya là một lực lượng có tổ chức, khá chuyên nghiệp và đoàn kết. Vậy mà, lực lượng này vẫn phải nhờ đến bàn tay can thiệp của các cường quốc phương Tây mới có thể giành được chiến thắng trước quân của chính quyền Gaddafi. Chiến thắng này hoàn toàn không dễ đạt được dù quân của ông Gaddafi được đánh giá là không hề mạnh.
 
Trong khi đó, ở Syria, tình hình khác hẳn. Phe nổi dậy Syria là một tập thể thiếu gắn bó, thiếu đoàn kết, thiếu sức mạnh. Trong thời gian qua, người ta đã nghe được rất nhiều thông tin về sự mâu thuẫn, đối đầu trong phe nổi dậy Syria. Lực lượng này thậm chí đã phải ngồi họp lại để tìm cách thắt chặt tình đoàn kết nhưng vẫn chưa thể tìm ra được tiếng nói chung. Đối đầu với một tập thể yếu cả về tinh thần và vật chất này là một lực lượng hùng hậu gồm 330.000 binh lính chuyên nghiệp, được trang bị vũ khí hiện đại và có lòng trung thành lớn với Tổng thống Assad. Không có sự giúp đỡ của phương Tây, phe nổi dậy Syria hoàn toàn không có khả năng đánh bại được lực lượng quân chính phủ. Điều này có thể được thấy rõ qua thực tế những cuộc đối đầu giữa hai phe trong thời gian vừa qua.
 
Nếu như phương Tây mạo hiểm can thiệp vào Syria, hậu thuẫn cho phe nổi dậy nước này thì cũng chưa dám chắc rằng liên minh này có thể đối phó được với quân đội của ông Assad. Sở dĩ người ta tin rằng phương Tây sẽ gặp khó với quân của ông Assad là vì với một quân đội Libya yếu hơn hẳn mà phương Tây đã phải chật vật nhiều tháng mới có thể giành được chiến thắng. Hiểu được điều này nên đến giờ, phương Tây vẫn liên tục khẳng định sẽ không can thiệp quân sự vào tình hình đất nước Syria.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc