Cách phanh xe máy an toàn khi trời mưa

17:53, 13/08/2012
|

(VnMedia)- Nước mưa khiến ma sát giữa bánh xe và mặt đường giảm mạnh, đòi hỏi thời gian và quãng đường phanh phải lớn hơn bình thường mới có thể tránh được nguy cơ tai nạn đáng tiếc.

Trên thực tế, dù điều kiện thời tiết bình thường khô ráo hay khi trời mưa bẩn, bùn đất, người điều khiển xe gắn máy phải tuân thủ các quy tắc an toàn khi lái xe, trong đó có kỹ thuật phanh. Trong điều kiện trời mưa, đường sẽ trơn gấp đôi bình thường nên lái xe cần hết sức chú ý, đặc biệt khi tầm quan sát thường bị hạn chế đáng kể.

Một trong những điều quan trọng nhất khi lái xe máy trời mưa là tốc độ: nhiều chuyên gia khuyến cáo nên duy trì tốc độ thấp dưới 50 km/h tại đường cao tốc và dưới 30-40 km/h trong nội đô, duy trì khoảng cách thích hợp với các xe khác, tuyệt đối không nên chạy song song với xe khác và không tăng tốc đột ngột, đặc biệt tại các khúc cua.

Cần lưu ý rằng chúng ta có 2 cách phanh, đó là phanh động cơ và sử dụng hệ thống phanh của xe. Phanh động cơ là phương pháp giảm tốc từ từ nhưng rất hiệu quả để kiểm soát tốc độ. Bạn cần nhả tay ga hết cỡ, khi đó vòng tua máy thấp sẽ ghìm tốc độ của xe. Với xe số, việc giảm gia kết hợp với về số khiến xe có thể giảm tốc nhanh chóng mà không cần dùng tới phanh. Ngoài ra, việc phanh bằng động cơ (tương tự như ô tô) sẽ giúp bạn đi đường đèo dốc an toàn hơn nhiều so với việc chỉ rà phanh.

Ảnh minh họa

Trời mưa đường trơn nên quãng đường và thời gian phanh cần dài hơn bình thường.


Cách thứ hai là sử dụng phanh của xe, gồm phanh trước và phanh sau. Phanh trước  nằm bên tay phải cùng bên với tay ga, thường nhạy hơn phanh sau nhưng lại khiến xe mất phương hướng và ngã. Phanh sau nằm bên trái (với xe tay ga, một số trường hợp là phanh kết hợp giữa trước và sau) hoặc cần đạp phanh ở chân phải với xe số, xe côn tay. Phanh sau thường an toàn hơn phanh trước nhưng lại không "ăn" bằng phanh trước.

Vì thế giải pháp an toàn tối ưu là phanh cùng lúc cả phanh trước và sau. Tuy nhiên, do đường trơn hơn, ma sát giảm mạnh nên để tránh va chạm, bạn phải phanh sớm hơn bình thường nhưng lại nhẹ hơn để tránh tình trạng trượt xe. Lưu ý tránh giữ chặt phanh, kể cả phanh trước và phanh sau vì điều này có thể làm xe mất điều khiển.

Điều đáng chú ý là hai cách phanh nêu trên có thể bổ sung cho nhau nên cách tốt nhất là sử dụng đồng thời cả hai phương pháp để xe có thể giảm tốc nhanh nhất mà vẫn an toàn. Hãy quan sát khoảng cách của bạn với vật thể phía trước mà bạn cần phanh để tránh va chạm.

Nếu nhận thấy không thể phanh kịp thì bỏ qua việc phanh khẩn cấp, chuyển sang phanh giảm tốc từ từ để bạn có đủ khả năng đánh lái mà không bị mất lái, sau đó tùy tình hình và phán đoán để lái xe sang bên trái hoặc bên phải vật cần tránh.


Phương Vũ - tin, ảnh

Ý kiến bạn đọc