Thị trường bán lẻ Việt Nam đang là mục tiêu của nhiều nhà đầu tư

17:08, 27/12/2017
|
(VnMedia) - Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện bán lẻ Việt Nam được biết đến như thị trường mục tiêu của nhiều nhà bán lẻ hàng đầu thế giới và luôn là một trong những thị trường tiềm năng, hấp dẫn đầu tư cả trong và ngoài nước.
 
Ngày 27/12, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam và Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập Quốc tế”.
 
Bán lẻ Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
 
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ, mức tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ hàng năm của Việt Nam rất đáng khích lệ, phản ánh nhiều điều về nền kinh tế đất nước và cuộc sống của người dân Việt Nam.
 
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ năm 2010 đạt 88 tỷ USD đến năm 2015 là 146 tỷ USD và năm 2016 đạt 158 tỷ USD. Vượt xa con số dự báo của các hãng nghiên cứu thị trường nước ngoài. “Vai trò và vị trí của ngành dịch vụ bán lẻ trong nền kinh tế và đời sống của nhân dân bước đầu được khẳng định”, bà Loan chia sẻ.
 
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, đóng góp vào nền kinh tế đất nước với số lượng đông đảo doanh nghiệp (50% tổng số doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh…). Riêng chủ thể bán lẻ hoạt động dưới hình thức hộ gia đình, cá nhân kinh doanh đã là hơn 2 triệu. Số lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ nhiều thứ 3, chỉ sau ngành nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm hơn 5,5 triệu người trong hơn 49 triệu người lao động của cả nước – số liệu 2014).
 
Tại Hội thảo ngày 27/12
Tại Hội thảo ngày 27/12
Theo bà Loan, tỷ lệ đóng góp của bán buôn và bán lẻ vào GDP với hơn 14% và bán lẻ cũng là một trong Top 6 các ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất. Sau 10 năm Việt Nam gia nhập WTO, bán lẻ hiện đại hình thành và phát triển mạnh mẽ thành ‘ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam’ thời hội nhập.
 
Đáng chú ý, kênh bán lẻ truyền thống vượt qua chính mình và tiếp tục thay đổi về chất dưới áp lực cạnh tranh. “Mua sắm tại chợ hoặc cửa hàng bán lẻ truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn đến nay, điều này còn tiếp tục trong tương lai do kênh bán lẻ truyền thống. Và cuộc đua tranh giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ hiện đại sẽ rất thú vị, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và cả nền kinh tế đất nước”,  Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ.
 
Doanh nghiệp Việt còn thiếu năng lực phát triển thương hiệu
 
Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang trở thành một xu thế mạnh mẽ trên toàn thế giới. Tuy nhiên hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng quay lại tập trung vào củng cố và phát triển thị trường trong nước. Trong bối cảnh đó, việc phát huy nội lực để xây dựng một nền kinh tế tự chủ và không bị ‘hòa tan’ trong hội nhập đang là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với nước ta.
 
Cũng theo bà Nga, từ năm 2014 đến nay, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, hiệp hội ngành hàng/ngành nghề và các địa phương triển khai hơn 200 dự án, nâng cao tỷ lệ hàng Việt Nam trong các siêu thị lên đến trên 70%. Tốc độ phát triển của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng Việt Nam là rất nhanh.
 
“Thông qua hoạt động kết nối cung cầu, hàng hóa được lưu thông thuận lợi, thúc đẩy sản xuất phát triển. Người tiêu dùng được sử dụng hàng có chất lượng, giá cả hợp lý, mẫu mã phong phú. Các doanh nghiệp phân phối có nguồn hàng ổn định với đa dạng đặc sản vùng miền thu hút khách hàng, từ đó tăng doanh thu và mở rộng hệ thống phân phối, góp phần phát triển thương mại trong nước liên tục tăng trưởng”, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước chia sẻ.
 
Tuy vậy, theo đại diện Bộ Công Thương, hoạt động kết nối cung cầu thời gian qua còn một số tồn tại do cung cầu chưa gặp nhau. Một số tổ chức, đơn vị sản xuất hàng hóa gặp khó trong quá trình đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại một cách bền vững, đặt biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ do chưa xây dựng được thương hiệu, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà phân phối về chất lượng, tính an toàn và sản phẩm.
 
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, cơ bản còn thiếu năng lực phát triển thương hiệu và không coi đây là một công cụ kinh doanh đúng nghĩa… Điều này làm cản trở thương hiệu Việt Nam tìm chỗ đứng ngay trên thị trường nội địa.
 
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long cho biết, trong quá trình hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới, doanh nghiệp nhận thấy, các sản phẩm Việt Nam mặc dù chất lượng và hương vị hấp dẫn nhưng còn nhiều yếu điểm như chưa xây dựng được thương hiệu, bao bì chưa bắt mắt… Đặc biệt, công tác sơ chế và bảo quản sau thu hoạch còn chưa đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ…
 
Yến Nhi