Nhiều doanh nghiệp Việt có thể phá sản khi thực hiện các FTA thế hệ mới

06:40, 19/12/2017
|
(VnMedia) -  Việc Việt Nam thực hiện các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam về xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, do sức ép cạnh tranh, một số doanh nghiệp sau thời gian chuyển đổi, tái cơ cấu nếu không vươn lên được có thể phải giải thể hoặc phá sản.
 
Theo Báo cáo kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025”, việc tham gia FTA thế hệ mới sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam đối diện với nhiều thách thức mới khi tiếp cận thị trường.
 
Theo đó, do sức ép cạnh tranh, một số doanh nghiệp sau thời gian chuyển đổi, tái cơ cấu nếu không vươn lên được có thể phải giải thể hoặc phá sản, một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm, khu vực nông nghiệp và nông dân dễ bị tổn thương. Đặc biệt, khoảng cách giàu nghèo sẽ bị rộng ra nếu Việt Nam không thực hiện chiến lược phát triển nhanh, bền vững.
 
Cùng với đó, trong bối cảnh công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển, phần lớn nguyên liệu sản xuất (chiếm tỷ lệ khá cao trong trị giá sản phẩm) của nhiều ngành xuất khẩu đang được nhập từ Trung Quốc, các nước Asean, Hàn Quốc… “Nếu các FTA có yêu cầu cao về tỷ lệ xuất xứ nội khối thì đây rõ ràng là một đòi hỏi không dễ dàng đối với doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn được hưởng ưu đãi từ các FTA này”, Báo cáo kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025” nêu.
 
Ngoài ra, từ góc độ mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác FTA, khi khái niệm “sân nhà” mờ dần, thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam chính là áp lực cạnh tranh với hàng hóa, dịch vụ từ các nước TPP trên thị trường nội địa.
 
Xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 10%
 
Đưa ra dự báo triển vọng xuất khẩu của Việt Nam khi có các FTA thế hệ mới, Báo cáo kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025” cho rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 10% trong giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến sẽ đạt bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030.
 
Tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu dựa vào các yếu tố, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng mạnh, giúp Việt Nam đa dạng hóa được mặt hàng xuất khẩu và dần dần chuyển sang các ngành hàng có giá trị tăng cao. Cùng với đó, lực lượng lao động dồi dào, sức lao động trẻ và trình độ lao động có tay nghề cao. Tự do hóa thương mại và hội nhập sâu rộng trong lĩnh vực thương mại, môi trường kinh tế vĩ mô ngày càng được cải thiện và ổn định.
 
Việc tham gia FTA thế hệ mới sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam đối diện với nhiều thách thức mới khi tiếp cận thị trường. Ảnh minh họa
Việc tham gia FTA thế hệ mới sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam đối diện với nhiều thách thức mới khi tiếp cận thị trường. Ảnh minh họa
Dự báo cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cho thấy, thiết bị công nghệ thông tin sẽ là ngành xuất khẩu lớn nhất, dự kiến sẽ đóng góp khoảng 19% tổng kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn 2021 – 2030, tăng so với mức 14% trong giai đoạn 2015 - 2020. Động lực cho tăng trưởng của toàn ngành là do sự mở rộng của các các công ty xuyên quốc gia. Bên cạnh đó, dự kiến thu hút đầu tư sẽ tiếp tục tăng trưởng từ các công ty nước ngoài, nhờ vào chi phí lao động thấp và tiến trình thực hiện TPP sẽ là động lực duy trì chỗ đứng vững chắc trên thị trường cho hàng dệt và may mặc của Việt Nam. 
 
Dự báo cơ cấu thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam và năm 2030, trong khi Trung Quốc sẽ là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2030.
 
Mặc dù, dự báo về tăng trưởng đã được hạ thấp xuống trong những năm gần đây, tuy nhiên Trung Quốc vẫn là thị trường vô cùng quan trọng đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam do dân số đông và thu nhập tăng mạnh khi nền kinh tế tái cân bằng hướng dựa nhiều hơn vào chi tiêu của người tiêu dùng.
 
Dự báo, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng 15% trong tổng mức tăng xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2030, ít thay đổi hơn so với giai đoạn 2015 - 2020. Trong khi đó, dự báo Ấn Độ, Malaysia và Bangladesh cũng sẽ đóng góp gần 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2030.
 
Trung Quốc sẽ là đối tác lớn nhất của Việt Nam
 
Báo cáo kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2025” cũng chỉ ra rằng, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam được đánh giá là đang đứng ở vị trí thứ 76 trên thế giới về phát triển cơ sở hạ tầng, sau Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. Điều này phản ánh nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng là rất quan trọng đối với Việt Nam trong thời gian tới.
 
Do vậy, dự báo nhập khẩu nhóm hàng máy móc công nghiệp sẽ đóng góp khoảng một phần tư giá trị gia tăng nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030, ít thay đối so với giai đoạn 2015 - 2020.
 
Trong khi đó, thiết bị công nghệ thông tin sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 10% trong mức tăng giai đoạn 2021 - 2030. Trong khi đó, nhóm hàng dệt may và đồ gỗ sản xuất quần áo và may mặc sẽ chiếm khoảng gần 20% trong tổng mức tăng nhập khẩu của Việt Nam trong cùng giai đoạn.
 
Trung Quốc được dự báo vẫn sẽ là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam (trong số 24 đối tác thương mại), với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15% trong giai đoạn 2021 - 2030. Hàn Quốc sẽ tiếp tục là đối tác nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam trong cùng giao đoạn dự báo.
 
Thương mại nội khu vực Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi từ việc hình thành cộng đồng kinh tế khối Asean (AEC), dự báo Việt Nam nhập khẩu từ Malaysia, Indonesia và Singapore cũng tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng gần 10% trong giai đoạn 2021 - 2030. Nhập khẩu từ Trung Đông và Bắc Phi cũng sẽ tăng khoảng 10% trong cùng giai đoạn, trong đó nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực này đến chủ yếu từ Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc