Giá sữa trẻ em bị kiểm soát chặt, người tiêu dùng hưởng lợi

15:47, 02/08/2017
|
(VnMedia) – Theo ông Nguyễn Lộc An – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ thị trường trong nước – Bộ Công Thương, để kiểm soát tốt giá và chất lượng mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ đã ban hành Thông tư 08/2017/TT-BCT. Đây được xem là giải pháp giúp bảo đảm cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. 
 
Sáng nay (2/8), Bộ Công Thương dã tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai Thông tư về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
 
Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn
 
Theo phân công tại Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
 
Để hướng dẫn cụ thể việc triển khai quy định về quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BCT ngày 26/6/2017 và có hiệu lực từ ngày 10/8/2017.
 
Trao đổi với PV bên lề Hội nghị, ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho hay, Thông tư 08 hướng đến thị trường. Các doanh nghiệp vẫn được quyền quyết định giá và cơ quan Nhà nước sẽ hậu kiểm.
 
Giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được quản lý chặt bởi Thông tư 08. Ảnh minh họa
Giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được quản lý chặt bởi Thông tư 08. Ảnh minh họa
Cũng theo ông An, Thông tư 08 sẽ rất có lợi cho người tiêu dùng về cả hai mặt giá và chất lượng. “Thông tư mới sẽ quản lý có hệ thống các mặt hàng sữa từ giá bán lẻ đến chất lượng sản phẩm. Đây được xem là bước tiến để người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn, ông An cho hay. 
 
Đánh giá về Thông tư 08, ông Matthew Garland - đại diện Tiểu ban thực phẩm dinh dưỡng thuộc Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay, Thông tư mới này đã đề ra một hướng quản lý mới, trong đó tập trung vào quản lý hệ thống phân phối và giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Từ đó, đảm bảo được sự minh bạch của thị trường và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp và các nguyên tắc cơ bản khác của nền kinh tế thị trường.
 
“Trong thời gian triển khai Thông tư 08 sắp tới, Tiểu ban thực phẩm dinh dưỡng của EuroCham cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý để thực hiện, qua đó hướng tới một thị trường cạnh tranh lành mạnh và môi trường pháp lý minh bạch, ổn định", ông Matthew Garland nói.
 
Doanh nghiệp được giữ quyền chủ động điều chỉnh giá dưới 5%
 
Cũng tại Hội nghị, đưa ra các điểm mới của Thông tư 08/2017/TT-BCT, đại diện Bộ Công Thương cho hay, Thông tư này vẫn tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp đối với hàng hóa của mình và chịu trách nhiệm đối với mức giá kê khai theo đúng chế độ hoạch toán kế toán hiện hành. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ giám sát và kiểm tra việc kê khai, đăng ký và thực hiện giá bán.
 
Bên cạnh đó, Thông tư 08 tập trung vào việc quản lý giá bán lẻ hàng hóa, do đây mới là mức giá mà người tiêu dùng được tiếp cận và cũng chính là mục tiêu quản lý của nhà nước đối với giá các mặt hàng nhạy cảm này.
 
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, để phù hợp với thực tế nhưng vẫn đảm bảo sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Thông tư 08 đã quy định cho phép doanh nghiệp kê khai các mức giá phù hợp với địa bàn phân phối theo khu vực địa lý nhất định, hoặc theo đặc thù hoạt động phân phối đặc biệt như đối với các loại hình phân phối có chi phí bán hàng cao, thì thương nhân bán lẻ có thể kê khai giá bán lẻ của mình với cơ quan chức năng theo phân cấp nhưng phải giải trình đầy đủ, cụ thể chi phí phát sinh.
 
Bên cạnh việc quản lý giá bán của hàng hóa, Thông tư 08 cũng yêu cầu doanh nghiệp khai báo về hệ thống phân phối sản phẩm để giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát việc thực hiện giá bán trên thị trường, đồng thời gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với chất lượng và giá hàng hóa của mình đến người tiêu dùng cuối cùng.
 
Đáng chú ý, Thông tư 08 vẫn để doanh nghiệp được giữ quyền chủ động giá trong phạm vị điều chỉnh với biên độ nhỏ (dưới 5%).  Tuy nhiên, vẫn có sự giám sát thông qua việc doanh nghiệp gửi thông báo điều chỉnh giá cho cơ quan nhà nước theo phân cấp để cơ quan này nắm được thông tin đầy đủ, liên tục đối với giá hàng hóa.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc