Thị trường phát điện Việt Nam hiện đang hoạt động ra sao?

06:47, 28/07/2017
|
(VnMedia) - Trải qua 5 năm vận hành, đến nay, thị  trường phát điện cạnh tranh đã đạt được các kết quả tích cực. Theo đó, tính đến hết tháng 6/2017, số lượng các nhà máy điện tham gia giao dịch trên thị trường là 76 nhà máy, tăng 2,45 lần so với thời điểm mới vận hành thị trường vào tháng 7/2012 (chỉ có 31 nhà máy điện).
 
Ngày 27/7, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết vận hành Thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017.
 
Thị  trường phát điện cạnh tranh đã đạt kết quả tích cực
 
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, thực hiện Lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1/7/2012. Trải qua 5 năm vận hành, đến nay, thị  trường phát điện cạnh tranh đã đạt được các kết quả tích cực.
 
Theo đó, tính đến hết tháng 6 năm 2017, số lượng các nhà máy điện tham gia giao dịch trên thị trường là 76 nhà máy với tổng công suất đặt 20.728 MW, tăng 2,45 lần so với thời điểm mới vận hành thị trường vào tháng 7/2012 (chỉ có 31 nhà máy điện).
 
Theo ông Phúc, công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh được đảm bảo an toàn, liên tục. Hệ thống điện tiếp tục được vận hành tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội. Các thông tin về kế hoạch vận hành thị trường điện năm/tháng/tuần, vận hành thị trường điện, tình hình vận hành hệ thống điện đã được công bố đầy đủ cho các thành viên tham gia thị trường, góp phần giúp tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động nguồn điện.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
“Các đơn vị phát điện đã nhận thức được tầm quan trọng, chủ động hơn trong công tác vận hành, rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả chung của toàn hệ thống”, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho hay.
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đưa ra nhiều vấn đề tồn tại trong quá trình vận hành thị trường phát điện cạnh tranh tại Việt Nam.
 
Theo đó, tỷ lệ công suất đặt các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường mới chỉ chiếm 49% toàn thị trường. Hạ tầng công nghệ thông tin mới đáp ứng ở mức cơ bản, gây hạn chế trong công tác dự báo, lập kế hoạch, điều độ, giám sát thị trường điện. Ngoài ra, việc áp dụng các quy trình liên hồ vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.
 
Thị trường bán buôn điện cạnh tranh đang dần hoàn thiện
 
Thông tin tại Hội nghị cho thấy, song song với công tác củng cố và phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đã và đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu chuẩn bị cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Căn cứ Thiết kế thị trường bán buôn điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành kế hoạch vận hành thị trường bán buôn điện thí điểm năm 2016, tạo cơ sở để đưa thị trường bán buôn điện thí điểm vào vận hành từ ngày 1/1/2016.
 
Trên cơ sở kết quả thí điểm năm 2016, Bộ Công Thương đã tiếp tục ban hành kế hoạch vận hành thị trường bán buôn điện thí điểm năm 2017. Với việc vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong thời gian vừa qua là cơ sở để đánh giá tính phù hợp của các cơ chế vận hành thị trường bán buôn điện theo thiết kế chi tiết đã được ban hành tại Quyết định 8266/QĐ-BCT ngày 10/8/2015. Đồng thời, trong giai đoạn vận hành thí điểm, các đơn vị thành viên thị trường đã từng bước làm quen với các cơ chế mới, đào tạo nâng cao năng lực.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, thị trường điện Việt Nam còn mới mẻ, trong khi thị trường bán buôn dần hoàn thiện khung pháp lý, bộ máy nhân lực còn nhiều bỡ ngỡ. Vì vậy cần tăng cường đào tạo cán bộ, chú trọng vào việc đào tạo qua mô hình mô phỏng để gắn liền với thực tiễn nhằm chuẩn bị sẵn bộ máy vận hành cho thị trường bán buôn. Đặc biệt là khâu dự báo phụ tải, để có chiến lược dự báo thị trường chính xác, hiệu quả.
 
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu Cục Điều tiết Điện lực là đầu mối tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong việc hình thành và phát triển thị trường điện, hoàn thiện các khung khổ pháp lý liên quan đến vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, phát triển bộ máy nguồn nhân lực để năm 2019 khi đưa vào thị trường bán buôn điện cạnh tranh vận hành chính thức được thông suốt và đạt được kết quả cao nhất.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu, các nhà máy điện phải tuân thủ bảo đảm an toàn vận hành liên hồ chứa, đảm bảo điều tiết nước trong mùa mưa lũ cũng như mùa khô và phù hợp với việc phát điện.
 
Trong khi đó, theo đề xuất của Cục điều tiết điện lực, để thị trường phát điện cạnh tranh tiếp tục phát triển, Tập đoàn điện lực Việt Nam cần khẩn trương hoàn thành việc ký kết hợp đồng mua bán điện với các đơn vị phát điện hết hạn hợp đồng hoặc giá hợp đồng hết hiệu lực theo quy định. Cùng với đó, khẩn trương thực hiện các thủ tục chuyển giao Công ty nhiệt điện Nghi Sơn 1 về Tổng công ty phát điện 1 theo Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 14/6/2017 và hoàn thiện công tác ký kết hợp đồng cho nhà máy điện này về nhà máy điện đủ điều kiện tham gia thị trường điện.
 
Đối với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, cần khẩn trương hoàn thành thử nghiệm hệ thống tự động điều khiển tổ máy (AGC), đánh giá về khả năng triển khai áp dụng trình EVN để báo cáo Bộ Công Thương, nhằm từng bước nâng cao chất lượng và mức độ tự động hóa trong công tác điều hành hệ thống điện.
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc