Cả họ tham gia bộ máy lãnh đạo huyện

16:42, 15/09/2015
|

Bộ máy chính quyền tại huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội có 13 phòng, ban thì hơn 10 người là anh em, họ hàng với lãnh đạo huyện.

Mỹ Đức là huyện thuần nông ở Hà Nội với nhiều danh lam thắng cảnh có tiềm năng để phát triển du lịch, như khu danh thắng Hương Sơn, hồ Quan Sơn. Tại đây có nhiều cán bộ UBND huyện là người nhà của bí thư huyện ủy và lãnh đạo UBND huyện.

Nổi trội hơn mới chọn

Theo tìm hiểu, nhiều cán bộ công tác tại các vị trí quan trọng của UBND huyện có liên quan trực tiếp tới Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Lê Văn Sang (tái đắc cử nhiệm kỳ 2015-2020). Cụ thể, bà Lê Thị Vĩnh, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch, là cô ông Sang; bà Đỗ Thị Lê Hương, Phó chánh Văn phòng Huyện ủy, là con thông gia với ông Sang; ông Lê Văn Nhiệm, Phó ban quản lý dự án, là em họ ông Sang; bà Lê Hải Hồng, Phó Phòng Kinh tế, là chị họ ông Sang; ông Lê Văn Sức, Trưởng Phòng Dân tộc học, gọi ông Sang bằng chú; bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, là em bên họ vợ ông Sang; Nguyễn Thị Duyên, kế toán Phòng Quản lý đô thị, con dâu ông Sang...

Còn ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch huyện Mỹ Đức, có 2 con trai là Nguyễn Văn Hùng, Phòng Tài chính - Kế hoạch và Nguyễn Văn Hưng, Phòng Nội vụ của huyện.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Sơn, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy (chú ông Sang), xác nhận các mối quan hệ nói trên và cho biết cơ cấu UBND huyện có 13 phòng, ban quản lý về mặt nhà nước. Việc bổ nhiệm cán bộ trước tiên phải nằm trong quy hoạch, phẩm chất tốt, có năng lực... Các vị trí công tác đều cần thiết và trải qua quá trình tuyển chọn, cân nhắc theo đúng quy trình.

Đơn cử, chị Nguyễn Thị Hương (có họ hàng với ông Sang), tốt nghiệp đại học kế toán chính quy, trước công tác ở Phòng Nội vụ, phải “dỗ” mãi mới sang làm phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) bởi lúc đó UBKT rất thiếu người. Tương tự, anh Lê Văn Trang (SN 1983), con ông Sang, hiện là Bí thư Đảng ủy xã An Phú, được quy hoạch là Phó Chủ tịch huyện Mỹ Đức, trước công tác ở Chi cục Thuế tỉnh Hà Tây cũ, đã có bằng thạc sĩ, thi vào công chức, sau về huyện làm Phòng Tài chính. Hiện đang đi cơ sở để đào tạo.

“Người trong nhà thì càng phải tính toán kỹ hơn. Trình độ phải nổi trội hơn người khác mới chọn” - ông Sơn nói.

Ảnh minh họa

Huyện Mỹ Đức, Hà Nội nổi tiếng với lễ hội chùa Hương.  


“Trẻ hóa” cán bộ

Về vấn đề này, bà Nguyễn Lan Hương, Phó Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức, thừa nhận trước, trong và sau Đại hội Đảng, một số vị trí chủ chốt không như dự định nên có đơn thư khiếu nại. “Còn toàn bộ quy trình về công tác cán bộ đều theo đúng quy định, quy trình” - bà Hương khẳng định.

Theo bà Hương, việc xâu chuỗi toàn bộ các mối quan hệ của lãnh đạo huyện Mỹ Đức trong thời điểm hiện tại là không hợp lý vì trong số hơn 10 cán bộ này có những người từng làm trưởng phòng, tham gia thường vụ, trưởng ban từ trước khi ông Sang làm Bí thư huyện Mỹ Đức, không phải sau khi ông Sang làm bí thư mới bổ nhiệm.

“Một trong những lý do là bối cảnh thực tiễn của huyện hiện nay thiếu cán bộ trẻ, cán bộ nữ đều rất ít, chưa bảo đảm đúng yêu cầu trẻ hóa cán bộ do TP đề ra. Huyện đã làm từng bước theo quy trình đầy đủ để có nhân sự cho các phòng ban, các cơ quan. Nếu sai thì UBKT Thành ủy Hà Nội đã về kiểm tra rồi” - bà Hương trình bày.

Trong khi đó, ông Nguyễn Học Đồng, Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, lại cho biết Thành ủy chỉ quản lý một số cán bộ cấp cao của huyện, còn nhân sự cụ thể thì huyện mới trả lời được.


Theo Người lao động

Ý kiến bạn đọc