Trẻ em Hà Nội đi hơn chục km chỉ để chơi… xích đu

16:55, 04/05/2015
|

(VnMedia) - Một cái xích đu có lẽ là một món đồ chơi phổ biến ở khắp mọi không gian công cộng của nhiều thành phố trên thế giới, nhưng với Hà Nội, nó đã trở thành một món đồ chơi quý hiếm đến mức, nhiều cha mẹ đã phải đưa con đi xa cả chục km chỉ để xếp hàng chờ đến lượt chơi xích đu.

>> Hà Nội: Đầy ắp tiếng cười ở sân chơi trong phố cổ


Thực ra, vấn đề không phải là ở cái xích đu, mà ở chỗ Hà Nội đang quá thiếu sân chơi miễn phí, những sân chơi mà ở đó, người già và thanh thiếu niên, trẻ em có thể đi bộ đến để chơi hàng ngày.

 

Công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy) là một trong những địa điểm hiếm hoi của Hà Nội có được một không gian tốt, với những thiết bị chơi hấp dẫn dành cho trẻ em. Những người được thụ hưởng nhiều nhất là những gia đình ở quanh khu vực này, nơi mà họ có thể đi bộ đến hàng ngày.

 

Chị Hải Yến, nhà ở khu tập thể Nghĩa Tân cho biết, trước đây công viên Nghĩa Đô chỉ là nơi dành cho người lớn đi bộ hoặc tập thể dục nhịp điệu. Nhưng kể từ khi công viên khánh thành khu sân chơi cho trẻ em, hầu hết các buổi chiều, sau khi đi học về, hai đứa con của chị (đang học tiểu học) đều được phép đến chơi. Những trò mà con chị và hầu hết trẻ em đều thích thú, đó là xích đu, dây leo, đu dây… hay chỉ đơn giản là vừa hò hét vừa chạy thục mạng rồi lăn ra bãi cỏ.

 

Ảnh minh họa

Cứ mỗi cuối tuần, chị lại vượt 13km đưa con đến công viên Nghĩa Đô. Tuần này, cậu bé dù bị thương do chạy nhảy trong nhà bị kính rơi vào chân, nhưng vẫn đòi mẹ đưa đi công viên


Nhưng nếu tính trong cả Thành phố thì những đứa trẻ được sung sướng với sân chơi như con chị Hải Yến không nhiều. Hầu hết các địa bàn trong nội thành Hà Nội hiện đang thiếu sân chơi trầm trọng, vì thế ngoài giờ học, đa số trẻ em phải ở trong 4 bức tường, làm bạn với tivi hay những trò game trong các thiết bị điện tử.

 

Biết như vậy là không tốt cho con, nhưng nhiều bậc cha mẹ “lực bất tòng tâm”. Do quá bận rộn công việc cơ quan, hết giờ làm lại phải đối phó với nạn kẹt xe, tắc đường, rồi thì chợ búa cơm nước… nên nhiều người đã tặc lưỡi: Thôi, ở Thành phố thì đành chịu chứ biết làm sao!. Bù lại, vài tuần hoặc thậm chí vài tháng, họ cho con đi siêu thị, vào các trung tâm mua sắm và lại tiếp tục chơi game để giải trí.

 

Tất nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng vậy. Nhiều người thấu hiểu nhu cầu và lợi ích của việc cho con chơi ngoài trời nên đã cố gắng bố trí những thời gian rảnh vào cuối tuần để đưa con đi công viên, dù khoảng cách từ nhà đến đó có thể từ vài km đến cả chục cây số.

 

Chị H. một cư dân ở làng Định Công cho biết, cứ cuối tuần là chị lại vượt 13km để đưa cậu con trai 3 tuổi đến công viên Nghĩa Đô. Cậu bé còn nhỏ nên chỉ có thể ngồi xích đu cho mẹ đẩy, hoặc chạy nhảy trên bãi cỏ…, nhưng đây là khoảng thời gian vô cùng quý giá của mẹ con chị.

 

“Nhà tôi ở làng Định Công. Trước kia, khu vực này rất rộng rãi thoáng đãng, nhưng những năm gần đây, Thành phố lấy đất để làm chung cư nên hiện giờ chẳng còn mảnh đất nào trống để làm sân chơi. Sân của chung cư thì chúng tôi không được vào, mà bây giờ cũng bị chiếm hết để bán nước mía rồi. Nhà tôi giờ là mặt phố, nhưng con cái thì rất khổ, cứ như bị cầm tù, toàn chơi trên giường là chính.” – chị H. chia sẻ.


Chị cho biết, dù phải đi rất xa nhưng chị cũng vẫn phải cố gắng, bởi nhìn con được chơi đùa, chạy nhảy, chị rất hạnh phúc. "Chỉ tiếc tôi chẳng có thời gian mà đưa con đi chơi được nhiều hơn. Giá mà ở gần nhà có một chỗ để con chơi, dù nhỏ thôi cũng được" - chị H. nói.


Ở Hà Nội, những người như chị H., vì thương con mà vượt cả chục cây số đưa con đến công viên Nghĩa Đô chơi không phải là ít. Chỉ cần nhìn lượng xe máy xếp dày đặc hay số lượng ô tô, taxi thường xuyên gây tắc kín cổng công viên cũng có thể thấy, nhiều người đến đây từ các nơi rất xa của Thành phố, nơi mà con cái họ không có được một chỗ để vui chơi, chạy nhảy hàng ngày. Ngay cả bản thân các bậc phụ huynh cũng rất thèm khoảng không gian quý báu đó. Thế nên, một số phụ nữ còn tranh thủ đi bộ trong lúc con cái họ vui chơi trong công viên.


Ảnh minh họa

Những đứa trẻ kiên nhẫn xếp hàng để được chơi dây đu tại công viên Nghĩa Đô

 

Ở công viên Nghĩa Đô, rất dễ dàng bắt gặp cảnh những đứa trẻ xếp hàng dài chờ đến lượt chơi một chiếc xích đu hay leo lên chiếc dây trượt Ripley. Mỗi đứa chỉ được chơi một lần, trong khoảng vài chục giây đến vài phút, sau đó lại phải xếp hàng chờ đến lượt nếu muốn chơi tiếp. Ngay cả những đứa trẻ như con chị Hải Yến, nhà ngay cạnh công viên nhưng cũng vẫn có cảm giác thèm thuồng được chơi những trò này, bởi số lượng trẻ con thì quá đông, còn thiết bị chơi thì có hạn.


Trong khi đó, người già ở Hà Nội cũng chẳng sung sướng gì hơn lũ trẻ. Muốn đánh cầu lông ư: họ phải tranh nhau xí phần ở… vỉa hè (nếu khu vực họ ở may mắn có vỉa hè rộng). Muốn chơi với nhau ván cờ? phải đi xe buýt lên tận bờ hồ Hoàn Kiếm hay công viên Thống Nhất, chứ nói gì đến những thiết bị tập luyện thể thao chuyên dụng cho người cao tuổi.

 

Hà Nội – một thành phố vốn được xây dựng với định hướng phát triển không gian công cộng nên ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn (1954 – 1990) vẫn luôn dành ra những không gian để làm sân chung giữa các khu nhà ở mới xây. Theo tư liệu bản đồ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 và cuốn sách “Hà Nội: 10 thế kỷ đô thị hóa” các khu nhà ở được xây dựng trong giai đoạn 1955 – 1985 luôn dành 50-60% diện tích cho cây xanh và sân chơi, sân chung, lối đi trong khu dân cư.

 

Vậy thì, tại sao số lượng sân chơi và các khoảng không gian công cộng của Hà Nội lại ngày bị thu hẹp, “biến mất” trong khi nhu cầu sử dụng rất lớn?

 

Bài 2: Sân chơi ở Hà Nội “biến mất” như thế nào?


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc