Quyền im lặng là “chiều chuộng” tội phạm?

06:59, 28/05/2015
|

(VnMedia) - “Dù biết rằng, một người bị oan thì không chỉ họ đau khổ mà cả gia đình họ đau khổ nhưng nếu vì số ít này mà chiều chuộng nhân văn với tội phạm là không được” - Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương nói về những quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự.

Chiều 27/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Bộ Luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập hoàn toàn giữa các đại biểu đã làm nóng phiên thảo luận.

Tại tổ TP. Hồ Chí Minh, khi phát biểu thảo luận, đại biểu Đỗ Văn Đương nhận xét khá nặng nề khi cho rằng, dự luật mới “dung túng” cho tội phạm khi đưa vào nhiều điều có lợi cho các đối tượng này.

Đặt vấn đề về đều kiện kinh tế, trình độ dân trí và khả năng tố tụng của nước ta chưa ở mức cao, đại biểu Đương cho rằng, “nếu đi những vấn đề lạc quan quá sớm thì nguy hiểm”. Theo đại biểu Đương, Bộ luật Tố tụng  hình sự 2003 tương đối ổn định, còn luật Tố tụng hình sự 2015 đưa nhiều điểm mới phù hợp với Hiến pháp, quyền công dân, nhưng nhiều điểm cần cân nhắc.

“Tôi quan niệm sinh ra các cơ quan tư pháp trước hết là đấu tranh chống tội phạm giữ bình yên cho 90 triệu dân. Với thiểu số người có hành vi nguy hiểm (khoảng 130.000 đối tượng) chống lại sự bình yên thì không được dung túng”, đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Theo ĐB Đỗ Văn Đương, dù luật có tiên tiến mấy cũng không thể tránh được oan sai. “Chúng ta chỉ có thể làm giảm oan sai chứ không thể yêu cầu tuyệt đối được. Trong đấu tranh tội phạm bao giờ cũng phải dung hòa giữa quyền hạn cơ quan tư pháp và quyền người phạm tội. Dù biết rằng, một người bị oan thì không chỉ họ đau khổ mà cả gia đình họ đau khổ nhưng nếu vì số ít đó mà chiều chuộng nhân văn với tội phạm hơn giữ bình yên nhân dân thì tức là không theo tư tưởng pháp trị.”n đại biểu Đương cương quyết nói.

Ảnh minh họa

Đại biểu Đỗ Văn Đương lo quy định mới của Dự luật Tố tụng hình sự sẽ "chiều chuộng" tội phạm - ảnh: PLTP


Vị Đại biểu này phân tích, trong Dự luật gần như quy định quyền im lặng cho người phạm tội và điều này là không đúng. “Không buộc phải khai, không buộc phải nhận tội ngầm hiểu là không khai báo gì cả là rất nguy hiểm. Tự do khai báo là rất quan trọng để tự bảo vệ chính mình, và quan trọng nhất là chống lại bức cung nhục hình chứ không phải cứ khăng khăng im mồm như thế. Quan điểm của tôi là không để oan sai nhưng cũng không để bỏ lọt tội phạm” - ĐB Đương nói.

Nêu vấn đề về việc Dự luật cũng quy định cho phép bị can, bị cáo có quyền đọc hồ sơ tài liệu, ông Đương phân tích: “Bị can, bị cáo là người trong cuộc, đã nhận tất cả quyết định tố tụng, khi bị bắt đã biết vì sao bị bắt, bản cáo trạng… có quyền khiếu nại về thu thập chứng cứ. Có vụ án hàng trăm bị can, hồ sơ dày bằng nửa phòng họp này. Nếu đặt ra thủ tục không cần thiết sẽ kéo dài thời gian mà không giải quyết được vấn đề.

Đối với quy định về ghi âm, ghi hình để chống lại bức cung nhục hình, đại biểu Đỗ Văn Đương thẳng thắn nhận xét đây là “lạc quan tếu”, vừa rườm rà, vừa tốn kém.

“Ai sẽ là người ghi âm, ghi hình? nếu là điều tra viên thì ai dại gì ghi âm, ghi hình lúc anh ta đang dùng nhục hình. Tôi cho rằng cái này là tốn kém rườm rà không cần thiết.” – Đại biểu Đương nói.

Theo ông, điều quan trọng nhất là cái tâm của điều tra viên, có một số trường hợp là do anh em nôn nóng, bệnh thành tích chứ không phải vì động cơ cá nhân” – ông Đương nhận định.

“5 điều tra viên Khánh Hòa cũng vì đấu tranh 1 tổ chức chuyên nghiệp trộm cắp mà trở thành tội phạm và phải nuôi con tội phạm. Nếu sửa quy định, bắt ghi âm ghi hình thì bó tay với tố tụng, không thể đấu tranh như vậy, sẽ có hàng trăm ngàn vụ án ngồi im.” – đại biểu Đỗ Văn Đương lấy ví dụ.

Tại đoàn Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cũng cho rằng, nếu quy định quyền im lặng thì sẽ không phù hợp với thực tiễn hiện nay. “Luật cần đảm bảo quyền dân chủ cho dân nhưng cũng phải tạo điều kiện cho cơ quan tư pháp làm việc, nếu không sẽ xảy ra tình trạng chúng ta “bó tay” trong cuộc đấu tranh chống tội phạm”

Ngược lại, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lại cho rằng, chuyện trọng chứng hơn trọng cung đã nói nhiều, nhưng khi làm thực tế thì lại đi vào trọng cung hơn là chứng cứ. “Dự thảo đi vào hướng chuyển đổi mô hình tố tụng  hình sự theo hướng tiến bộ, nhất là sau Hiến pháp 2013 có một loạt vấn đề mới về nhân quyền.

Tương tự, đại biểu Trần Du Lịch cho biết, ông không tán thành ý kiến đại biểu Đỗ Văn Đương khi cho rằng Viện Kiểm sát muốn dung túng tội phạm, không quan tâm tới 90 triệu dân.

“Việc chứng minh tội phạm là nhiệm vụ của cơ quan chấp pháp, nên phải thay đổi nhận thức trọng chứng chứ không trọng cung.” – đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Văn Phúc, (đoàn Hà Tĩnh) phân tích: pháp luật đấu tranh phòng chống tội phạm nhưng đồng thời phải bảo vệ quyền con người. Những nội dung mới mà ban soản thảo đưa ra rất tiến bộ và nên ủng hộ.

“Việc khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra có thể là yếu tố giảm nhẹ, nhưng nếu người ta không khai thì cũng không được phép coi đó là hành vi ngoan cố và tình tiết tăng nặng và tăng hình phạt như một số vụ án hiện nay. Trên thế giới cũng như vậy.

Với vấn đề ghi âm, ghi hình, đại biểu Nguyễn Văn Phúc cho biết ông “quá ủng hộ”, bởi nhà nước có đủ khả năng để trang bị thiết bị ghi âm ghi hình.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc