Cần minh bạch về quản lý ngân sách Nhà nước

07:22, 29/05/2015
|

(VnMedia) - Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường hơn nữa kỷ luật tài chính, đặc biệt là công khai hơn nữa, minh bạch hơn nữa về quản lý ngân sách nhà nước…

>> Đại biểu Quốc hội đề nghị thành lập Bộ Kinh tế biển
>> Trưng cầu ý dân phải tiến hành trên toàn quốc
>> Không công bằng khi bỏ án tử hình tội tham nhũng
>> Kết luận sai, cơ quan kiểm toán phải chịu trách nhiệm

Ảnh minh họa
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn Quốc hội tỉnh Thái Nguyên)

Chiều 28/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013. Đa số các đại biểu tán thành thông qua quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến đại biểu băn khoăn, đặc biệt là vấn đề bội chi ngân sách. Các đại biểu cho rằng, bội chi ngân sách năm 2013 đã vượt mức cho phép theo Nghị quyết 54/2013/QH13 ngày 12/11/2013 của Quốc hội.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn Thái Nguyên) cho rằng, bội chi ngân sách là rất đáng quan tâm. Đây là rất lớn về mặt con số. Vượt rất xa so với Nghị quyết của Quốc hội.

Theo Đại biểu Hùng, trong vấn đề bội chi có 3 điểm rất đáng chú ý: Thứ nhất, kỷ luật tài chính trong vấn đề bội chi. Nghị quyết lúc đầu Quốc hội xác định là 4,8% GDP, sau đó Nghị quyết Quốc hội điều chỉnh lên 5,3%. Trên thực tế bội chi là 6,6%. Như vậy, từ 4,8% lên 5,3% vượt lên 0,5% Quốc hội đã phải xem xét thảo luận. Từ 5,3% đến 6,6% có thể nói cả một vấn đề băn khoăn, một con số, một số lượng rất băn khoăn đối với đại biểu Quốc hội. Thứ hai, cơ sở pháp lý, danh mục cụ thể, chất lượng sử dụng tiền từ nguồn bội chi. Khả năng về chi trả, hoàn trả số lượng bội chi lớn như thế này. Thứ ba, là những hậu quả của việc bội chi không chỉ là hậu quả về mặt tài chính. Nó không những làm tăng nợ công, có thể còn có những hậu quả về thất thoát lãng phí. Hậu quả về vận hành của bộ máy chúng ta, trong đó tạo nên một tiền lệ, một thói quen trong việc quản lý, sử dụng ngân sách.

Về thu ngân sách nhà nước, theo Đại biểu Hùng; năm 2013 tăng 12.348 tỷ đồng, nhưng thực chất là hụt thu vì tăng thu chủ yếu từ giá dầu và tiền sử dụng đất. Giá dầu dự kiến 90 USD, thực chất bán 113 USD. Nếu không có số này thì chúng ta hụt thu. Theo báo cáo quyết toán thì riêng phần hụt thu của trung ương đã là 21,560 tỷ. Về bội chi ngân sách Nhà nước từ 5,3% lên 6,6%, theo đại biểu Mạnh Hùng, đây là cả vấn đề vì khả năng về chi trả, hoàn trả số lượng bội chi lớn như thế.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng kiến nghị: Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua quyết toán, đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về vấn đề bội chi, làm rõ cơ sở pháp lý, danh mục cụ thể, chất lượng sử dụng bước đầu và hướng hoàn trả để Quốc hội có thêm cơ sở khi bấm nút; đề nghị tăng cường hơn nữa kỷ luật tài chính, đặc biệt là công khai hơn nữa, minh bạch hơn nữa về quản lý ngân sách nhà nước; nâng cao tỷ lệ và chất lượng thực hiện các kiến nghị của kiểm toán.

“Trước mắt là xây dựng và ban hành quy định về việc công khai tình hình thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Đồng thời, ban hành và thực hiện chế tài xử lý đối với những trường hợp chưa thực hiện nghiêm những kiến nghị của kiểm toán”, Đại biểu Hùng nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Nam (Đoàn Thanh Hóa) thì cho rằng, phần chi trong năm 2013 đã đáp ứng được những yêu cầu cấp bách của đất nước. Tuy nhiên, trong tình hình vượt chi cũng cho thấy kỉ luật kỉ cương trong tài chính chưa nghiêm, đặc biệt việc thực hiện chủ chương của Chính phủ trong việc quản lý đầu tư.

Đại biểu Lê Nam đề nghị, khi đã đến ngưỡng, Chính phủ, Quốc hội cần phải áp dụng một chính sách quyết liệt để chấm dứt tình trạng bội chi ngân sách.

“Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ đã đến lúc tất cả đã đến ngưỡng rồi thì phải áp dụng một chính sách quyết liệt, nếu có thể dùng từ như thế nào đó nhưng có thể chấm dứt việc, có phải là cực đoan không nhưng tôi nghĩ đến lúc phải áp dụng những chính sách như vậy. Dự toán đã tuyên bố như vậy rồi thì ngành nào, địa phương nào tăng một xu cũng không tăng. Trừ những trường hợp đặc biệt, những trường hợp chiến tranh, bão lũ, ngoài bất khả kháng, còn lại chúng ta phải kiên quyết”, Đại biểu Lê Nam ý kiến.

Trong phần đóng góp ý kiến của mình, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng) đề nghị, cần siết chặt kỷ luật trong chi ngân sách. Trong xây dựng cơ bản, tránh tình trạng làm rồi thì chưa được quyết toán, nhưng chưa làm cũng được “giữ chỗ” để ghi vốn lại chuyển nguồn cho năm sau.

“Nếu về chuyển nguồn, về kinh tế chúng ta thấy rằng chưa làm mà chúng ta đã chi nên chúng ta mới chuyển nguồn sang năm sau. Như vậy, dẫn đến một tình trạng là tất cả những con số của chúng ta làm không phản ánh đúng với thực lực, với tình hình của kinh tế đất nước. Bởi vì, những khoản đấy chúng ta đưa sang năm sau rồi mới được quyết toán. Trong lúc đó, nợ xây dựng cơ bản chúng ta vẫn còn nợ của các doanh nghiệp, vẫn còn nợ của các địa phương. Tức là người ta làm rồi mà chúng ta không quyết toán được…Tôi thấy đây là vấn đề chúng ta cần phải cân nhắc lại và xem xét”, Đại biểu Kiên nói.

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Đoàn Lai Châu) cho rằng: Cần rút kinh nghiệm trong việc sử dụng nguồn chi cho sự nghiệp giáo dục, khoa học công nghệ. Điều này không thực hiện được đã hạn chế việc chủ động trong điều hành ngân sách. Từ con số bội chi Ngân sách Nhà nước năm 2013 lên mức 6,6% GDP, Chính phủ cần rút kinh nghiệm báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi thực hiện.

Theo đó, Đại biểu Thụ đề nghị: Chính phủ tăng cường chỉ đạo quyết liệt bộ, ngành, địa phương bảo đảm thu thuế đúng, đủ, kịp thời, vì hiện nay tình trạng nợ đọng thuế tương đối phổ biến, kéo dài. Riêng năm 2013, nợ của ngành thuế quản lý tăng trên 25%.

Cũng trong chiều 28/5, các đại biểu làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).

Theo chương trình, sáng nay (29/5), các đại biểu thảo luận ở tổ về hai dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán và Luật phí, lệ phí.


Bùi Ngà

Ý kiến bạn đọc