Phát hiện nhiều sai phạm tại 5 đại học lớn

20:27, 02/04/2015
|

(VnMedia) - Bên cạnh những ưu điểm thì Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện những thiếu sót, vi phạm sau khi thanh tra tại 5 đại học lớn trong việc tổ chức và thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể đó là 5 đại học gồm: Đại học (ĐH) Huế, Học viện Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Vinh, Trường ĐH Luật TPHCM và Trường ĐH Kinh tế TPHCM.

Theo kết luận thanh tra vừa được Thanh tra Chính phủ thông báo, cả 5 đơn vị đều chưa xây dựng phương án tự chủ về bộ máy, tổ chức quy trình Bộ GD&ĐT phê duyệt, chưa ban hành hoặc chưa điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung “Quy chế thực hiện dân chủ” theo nghị định 43.

5 đơn vị trên đã ban hành một số văn bản không phù hợp với quy định của nhà nước, quy chế chi tiêu nội bộ quy định mức thu một số khoản học phí, lệ phí vượt mức quy định, quy định một số khoản thu có tính chất phí, lệ phí ngoài danh mục quy định...


Ảnh minh họa

Đại học Huế, một trong những đơn vị có nhiều sai phạm trong việc tổ chức và thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP. (Ảnh minh họa)


Sai phạm trong đào tạo, tuyển sinh

5 đại học đều có một số vi phạm trong tuyển sinh, trong đó tại một số trường ĐH thuộc ĐH Huế và trường ĐH Luật TPHCM tuyển sinh, đào tạo sau đại học một số học viên trúng tuyển chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ, kinh nghiệm công tác theo quy định. Trường ĐH Kinh tế TPHCM đào tạo Thạc sĩ kinh tế khóa K20 thời gian vượt quá quy định 1 năm theo quy định của Bộ GD&ĐT.


Đồng thời, 5 đơn vị cũng có sai phạm trong tuyển sinh, đào tạo ĐH chính quy, liên thông CĐ lên ĐH. Cụ thể, trường ĐH Nông lâm thuộc ĐH Huế không được giao chỉ tiêu vẫn tuyển sinh hệ liên thông từ CĐ lên ĐH chính quy năm 2013 với 110 sinh viên. Trường ĐH Ngoại ngữ cũng thuộc ĐH Huế mở ngành đào tạo hệ ĐH văn bằng 2 chính quy nhưng chưa được sự đồng ý của Giám đốc ĐH Huế. Trường này cũng tuyển sinh đạo tạo ĐH liên thông hệ chính quy năm 2011 nhưng tổ chức giảng dạy vào thứ Bảy, Chủ nhật và buổi tối các ngày trong tuần không đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

Ngoài ra, một số đơn vị trên không thực hiện quản lý, giám sát việc lên lớp của giảng viên thông qua “Sổ lên lớp”, thiếu giảng viên cơ hữu.
Trung tâm Đào tạo từ xa cũng thuộc ĐH Huế tuyển sinh vượt chỉ tiêu được phê duyệt, trong đó năm 2011 vượt tới 53,7% , năm 2012 vượt 11,48%. Trung tâm này đào tạo niên chế không tổ chức đào tạo tín chỉ theo quy định.


Trong tuyển sinh đào tạo vừa làm vừa học, một số đơn vị không lập hồ sơ liên kết đào tạo hệ vừa làm vừa học đề nghị Bộ GD-ĐT phê duyệt, địa điểm đặt lớp không đúng quy định. Một số thì tuyển sinh vượt chỉ têu theo quy định.

Sai phạm trong liên kết đào tạo với nước ngoài thì trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội trong chương trình liên kết đào tạo với Hội đồng Liên ĐH Cộng đồng Pháp ngữ (CIUF) Bỉ có 7 học viên chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ. Trường ĐH Luật TPHCM thì có một số học viên trúng tuyển không đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, học viên đã tốt nghiệp đều không thực hiện việc làm Luận văn tốt nghiệp theo quy chế đào tạo thạc sĩ của Bộ GD&ĐT.


Trường ĐH Kinh tế TPHCM thì có 2 chương trình đào tạo cao học được Bộ GD&ĐT phê duyệt đến nay đã 20 năm nhưng chưa làm thủ tục gia hạn chương trình đào tạo, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển cho phù hợp với chương trình đào tạo quốc tế bậc sau ĐH; khóa 18 (năm 2012) 100% học viên đều không có chứng chỉ ngoại ngữ. Trường liên kết với ĐH Victoria của Australia đào tạo cấp bằng cử nhân Kinh doanh (năm 2012) thì 34/52 học viên không có chứng chỉ ngoại ngữ, vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT.


Sai phạm cả trong tổ chức, bộ máy và biên chế

 

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, hầu hết các đơn vị trên đều không thực hiện đủ kế hoạch biên chế Bộ GD&ĐT giao; việc tuyển dụng viên chức, giảng viên tại một số đơn vị sự nghiệp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn.

 

Đại học Huế phân cấp cho các đơn vị trực thuộc tuyển dụng lao động hợp đồng tạo nguồn, quy định đối tượng tuyển dụng chỉ gồm những trường hợp đã được hợp đồng tạo nguồn không đúng quy định.

 

Việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ tại các đơn vị sự nghiệp đều chưa thực hiện đúng Điều lệ trường đại học. Nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ chính trị, một số ít thiếu điều kiện về trình độ chuyên môn.

 

Về công tác quản lý viên chức, các đơn vị đều có viên chức, giảng viên vi phạm thời gian làm việc. Cá biệt ở một số đơn vị có viên chức giảng viên vi phạm về phẩm chất đạo đức, vi phạm nghiêm trọng quy chế đào tạo phải xử lý kỷ luật…

 

Thu vượt, thu ngoài quy định

 

Tuy được tự chủ về tài chính nhưng hầu hết các đơn vị đều thu vượt, thu ngoài quy định của Nhà nước. Một số đơn vị chưa thực hiện trích lập đầy đủ các loại quỹ theo quy định.

 

5 đơn vị không nộp kịp thời, đầy đủ các khoản thu vào kho bạc để kiếm soát theo quy định; Một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước; Các đơn vị đều chi vượt giờ cho giảng viên cao gấp nhiều lần so với quy định; Việc chấp hành các quy định tài chính kế toán tại các đơn vị còn nhiều khuyết điểm và sai phạm…

 

Trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, các đơn vị cũng có sai phạm. Qua kiểm tra 23 gói thầu thi công của 17 dự án của các đại học cho thấy tiến độ thi công không đảm bảo; Các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa được kiểm tra và chứng nhận phù hợp chất lượng công trình…

 

Vì 5 đơn vị đại học trên mắc nhiều sai phạm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN-PTNT), UBND Hà Nội chấn chỉnh khắc phục các thiếu sót, sai phạm của các đơn vị. Thanh tra Chính phủ đề Bộ GD&ĐT, Bộ NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh các công tác về quản lý, kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc