Chủ tịch Hà Nội "lệnh" dừng chặt 6.700 cây xanh

12:19, 20/03/2015
|

(VnMedia) - Cho rằng, việc thay thế 6.700 cây xanh là chủ trương đúng nhưng cách làm chưa hợp lý, sáng nay (20/3), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu dừng việc chặt hạ cây.

 >>G
ần 8.000 người ký thư ngỏ phản đối Hà Nội chặt cây
>> Tranh cãi quanh việc chặt hạ 6.700 cây xanh
>> Hà Nội đồng loạt chặt hạ cây xanh để trồng mới
>> Hội đồng nhân dân chỉ đồng ý chủ trương thay thế cây xanh
>> Thay thế 6.700 cây: Hà Nội nói “hầu hết” nhân dân ủng hộ! 
>> Hà Nội: Số lượng cây bị chặt không chỉ là 6.700

Theo thông báo của UBND TP Hà Nội sáng nay, sau khi kiểm tra tình hình, lắng nghe ý kiến công luận, lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, và các đơn vị thực hiện dừng việc thay thế hàng loạt cây xanh trên đường phố hiện nay.

Nhận định đây là chủ trương đúng nhưng cách làm chưa hợp lý, lãnh đạo TP Hà Nội thống nhất quan điểm dừng việc chặt hạ, chuyển  và thay thế hàng loạt thay thế cây xanh hiện nay.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo TP Hà Nội, với những cây đã hạ, chuyển thì phải thay thế cây xanh mới đảm bảo mật độ theo quy hoạch, hoàn thiện hè đường, đảm bảo giao thông đô thị. Tổ chức chăm sóc, quản lý theo phân cấp, quy định.

Sở Xây dựng phải rà soát, phân loại lại tiêu chí cây, xác định đúng đối tượng cây phải bổ sung, thay thế. Lập kế hoạch, lộ trình thực hiện theo phương châm từng bước. Đảm bảo duy trì mật độ cây xanh thường xuyên, liên tục cho từng tuyến phố phải thay cây. Tiếp tục kêu gọi nhà tài trợ đầu tư và triển khai tổ chức thực hiện đề án.

Lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo chỉ chặt hạ, chuyển những cây phải giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng theo quy hoạch; chỉ thay thế những cây mục ruỗng có nguy cơ đổ gãy, cây nghiêng ảnh hưởng đến an toàn giao thông, đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân.

Đối với những cây cong nghiêng ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và cây không đúng chủng loại đô thị thì thực hiện chỉnh trang thay thế từng bước. Chỉ thay thế những cây không thể chỉnh trang và duy trì được. Những cây phải thay thế nếu còn có khả năng sinh trưởng thì phải đánh chuyển đến nơi trồng mới.


  Ảnh minh họa

 Nhiều cây xanh được trồng cách đây cả chục năm đang bị Hà Nội chặt hạ để trồng mới và thay thế.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, phải tạo sự đồng thuận của xã hội thông qua việc tiếp thu ý kiến, đóng góp của nhân dân đóng góp, tham khảo ý kiến đóng góp của các nhà khoa học chuyên ngành để tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện.

"Việc bảo tồn, cải tạo, bổ sung, thay thế cây xanh trên địa bàn Thủ đô là việc làm cần thiết liên quan đến không chỉ đến quản lý phát triển đô thị mà còn là tâm tư tình cảm của nhân dân Thủ đô. Do vây, Sở Xây dựng, các đơn vị thực hiện phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện trong thời gian vừa qua. Kịp thời khắc phục, chấn chỉnh cách làm trong thời gian tới sao cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả nhất là có được sự đồng thuận toàn xã hội", lãnh đạo TP Hà Nội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND Hà Nội, thành phố rất hoan nghênh ý kiến đóng góp của cơ quan báo chí đã phản ánh kịp thời ý kiến dư luận, công luận. Thành phố luôn mong muốn nhận được ý kiến đóng góp xây dựng trong thời gian tới, tất cả vì mục tiêu, xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng xanh – sạch – đẹp – hiện đại.

Trước đó, như VnMedia đã đưa tin, theo Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố được UBND thành phố Hà Nội thông qua, trên 190 tuyến phố tại 10 quận nội thành Hà Nội sẽ có khoảng 6.700 cây xanh được trồng lâu năm sẽ bị chặt hạ.
 
Hiện theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội về công tác xã hội hóa thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố, đến thời điểm hiện tại, thành phố đã thực hiện xã hội hóa việc thay thế cây xanh trên phố Huế và Hàng Bài bằng việc chặt hạ 115 cây, dịch chuyển 12 cây, trồng 117/125 cây thay thế. Cấp phép cho UBND quận Thanh Xuân xã hội hóa cây xanh trên tuyến đường Khuất Duy Tiến bằng việc chặt hạ 64 cây, dịch chuyển 20 cây, trồng 95 cây thay thế. Theo kế hoạch, đến hết quý I/2015, Hà Nội sẽ còn chặt hạ cây trên hàng chục tuyến phố khác để trồng mới và thay thế.
 
Sốt ruột trước việc đang xảy ra, cách đây vài ngày, ông Trần Đăng Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam đã viết một bức thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo. Trong thư, ông Tuấn kiến nghị lãnh đạo thành phố nên tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian, công khai minh bạch về 6.700 cây đó để người dân tham gia giám sát.
 
Ông Tuấn cũng đề nghị Chủ tịch Thành phố “hãy lắng nghe các nhà khoa học và người dân” xem nên giữ lại hay bỏ những cây gì; việc thay thế (nếu thực sự cần) theo cách thức trồng mới xen thay dần cây cũ hay trồng mới một loạt, bỏ cây cũ một loạt…, đồng thời công khai về cả ngân sách trong việc chặt bỏ, trồng mới cây…

Mới đây nhất, không đồng tình với cách làm của TP Hà Nội, nhóm các tổ chức và công dân TP Hà Nội đã gửi thư ngỏ đến lãnh đạo UBND TP, Hội đồng Nhân dân TP, Sở Xây dựng để phản đối. Đáng chú ý là sau khi được đưa lên diễn đàn mạng, bức thư ngỏ đã nhận được 16.000 chữ ký ủng hộ.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc