Thót tim những sự cố đe dọa tính mạng hàng trăm người

15:52, 03/01/2015
|

(VnMedia) - Chưa bao giờ ngành hàng không nước ta lại xảy ra nhiều sự cố đe dọa an toàn bay đến như vậy. Nhiều lần trong năm, các hành khách đi máy bay đã phải thót tim trước những sự cố chưa từng có tiền lệ.

>> Máy bay Vietnam Airlines "rơi tự do" 7.000 mét!
>> Hú vía vì máy bay Vietnam Airlines 'nhầm' không tặc
>> Cơ trưởng VNA đã bấm nhầm nút không tặc 
 
Năm 2014, hàng không Việt Nam đã xảy ra nhiều sự cố được xếp vào nhóm C (uy hiếp an toàn cao) và nhóm B (nghiêm trọng). Từ việc thao tác sai của cán bộ kỹ thuật làm sập nguồn điện tại Đài kiểm soát không lưu đến việc điều hành không lưu thiếu quan sát khiến hai máy bay suýt đâm nhau... đã gây ra sự hoang mang, lo lắng cho hành khách đi trên các chuyến bay. Cùng điểm lại một số sự cố nghiêm trọng của ngành hàng không trong năm qua:

Cả trăm khách lo lắng vì máy bay mất liên lạc với không lưu

Sự việc xảy ra với hai chuyến bay của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific vào trung tuần tháng 5 và cuối tháng 7 vừa qua đã gây hoang mang, lo lắng cho hàng trăm hành khách đi trên hai chuyến bay này.

Ngày 14/5, máy bay Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay VN1601 từ TP HCM đi Buôn Ma Thuột. Chuẩn bị hạ cánh, tổ bay liên lạc với kiểm soát viên không lưu yêu cầu cung cấp thông tin thời tiết nhưng không thấy phản hồi, do đó máy bay đã phải bay vòng để chờ. 10 phút sau, tổ bay mới liên lạc được với kiểm soát viên không lưu sân bay để hạ cánh.

Vụ việc tương tự cũng xảy ra với máy bay Jetstar Pacific khi tiếp cận sân bay Vinh ngày 23/7, tổ lái đã liên lạc với kiểm soát không lưu nhiều lần trên tần số khẩn nguy nhưng không thấy trả lời. Vì vậy, phi công phải bay lên rồi vòng lại để tiếp cận hạ cánh lần 2. Nguyên nhân là kiểm soát viên không lưu thao tác sai khiến tín hiệu mất liên lạc một chiều.

  Ảnh minh họa

  Hàng loạt sự cố đe dọa an toàn bay đã xảy ra với các hàng hàng không
trong năm qua. Ảnh minh họa

Hai máy bay suýt va chạm

Sự việc đe dọa tính mạng của hàng trăm hàng khách này xảy ra do kiểm soát viên không lưu đã cấp huấn lệnh bay sai tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ngày 27/6 vừa qua.

Trong quá trình làm việc, do không quan sát đường băng, kiểm soát viên đã cho phép cho máy bay của Jetstar Pacific cất cánh trong khi máy bay của Vietnam Airlines chưa thoát ly khỏi đường băng, khiến hai máy bay có thể gặp nguy hiểm.

Theo đó, lúc 20h41, một máy bay của Vietnam Airlines từ TP HCM đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng, còn chiếc khác của Jetstar Pacific chuẩn bị cất cánh đi TP HCM.

Lúc này, máy bay Vietnam Airlines bắt đầu hạ cánh xuống đường băng 35 phải dưới sự cho phép của nhân viên không lưu. Vài giây sau, máy bay của Jetstar đang chờ cất cánh trên đường băng thì nhận được lệnh của kiểm soát không lưu, cho máy bay vào đường băng 35 phải, với mục đích sẽ rẽ vào đường 17 trái để cất cánh.

Phi công Vietnam Airlines ngay sau đó thông báo với đài không lưu về việc máy bay của hãng vừa mới hạ cánh, chưa thoát khỏi đường băng. Phát hiện nguy cơ va chạm giữa hai máy bay, kiểm soát viên không lưu lập tức hủy lệnh cất cánh với máy bay của Jetstar Pacific.

Sau sự cố, Cục Hàng không đã lập đoàn điều tra, bước đầu xác định kiểm soát viên không lưu không quan sát nên đưa ra lệnh cho máy bay Jetstar cất cánh trong khi máy bay khác của Vietnam Airlines chưa thoát khỏi đường băng.

Hàng trăm khách lơ lửng trên không vì sân bay mất điện

Trưa 20/11, nhiều hành khách đi trên các chuyến bay từ quốc tế và trong nước đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) cũng phải một phen hú vía khi các máy bay không hạ cánh được vì hệ thống radar mất tín hiệu.

Sự cố mất tín hiệu radar xảy ra từ khoảng 11h đến 12h25 tại khu vực kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất. Theo đó, tất cả các chuyến bay từ các sân bay đến Tân Sơn Nhất đều được thông báo bay vòng hạ cánh tại sân bay khác hoặc quay đầu cho đến khi có thông báo tiếp theo. Các máy bay chuẩn bị khởi hành tại Tân Sơn Nhất cũng bị lùi thời điểm cất cánh.

Theo xác nhận của lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, tình trạng gián đoạn hoạt động bay ở Tân Sơn Nhất diễn ra hơn một tiếng đồng hồ. Nguyên nhân là do hệ thống điện cơ quan quản lý bay tại Tân Sơn Nhất bị lỗi. Tuy nhiên, đến 12h25, ban điều hành ở đây đã khắc phục được sự cố và mọi hoạt động diễn ra bình thường.

Điều đáng nói là sự cố trục trặc điều hành bay khiến hàng chục chuyến bay đến và đi từ sân bay Tân Sơn Nhất bị ảnh hưởng trong ngày 20/11, kéo theo chậm chuyến liên tiếp hàng loạt tại nhiều sân bay khác trên cả nước, gây thiệt hại kinh tế cho các hãng hàng không và ảnh hưởng việc đi lại của hàng nghìn hành khách.

  Ảnh minh họa

  Hành khách đi trên máy bay nhầm khủng bố của Vietnam Airlines
ngày 16/12 vừa qua. Ảnh: Nguyễn Hải Cảnh

Hàng trăm khách hoảng loạn vì máy bay nhầm khủng bố

Ngày 16/12 vừa qua, một chiếc máy bay của Vietnam Airlines bay từ TP.Hồ Chí Minh tới Vinh đã gặp trục trặc kỹ thuật, máy bay phải hạ độ cao khẩn cấp từ khoảng 11.000 mét xuống 4.000 mét. Tuy nhiên, quá trình thao tác, cơ trưởng chuyến bay đã ấn nhầm nút khủng bố, gây hoảng loạn cho khách đi máy bay.

Cụ thể, chuyến bay mang số hiệu VN1266, xuất phát từ Tp. Hồ Chí Minh đến Vinh khởi hành lúc 17h12 phút (giờ địa phương), khi đến gần sân bay Vinh đã gặp trục trặc kỹ thuật: áp suất trong khoang giảm đột ngột, máy bay phải hạ độ cao khẩn cấp từ 35.000 FT (tương đương khoảng 11.000 m) xuống 13.000 FT (tương đương khoảng 4.000 m) và mặt nạ dưỡng khí bung ra để trợ giúp hành khách và phi hành đoàn.

Trước tình hình này, thay vì hạ cánh xuống sân bay Vinh, tổ bay xin hạ cánh khẩn cấp tại Nội Bài để có điều kiện trợ giúp tốt nhất. Tuy nhiên, quá trình thao tác, cơ trưởng chuyens bay đã án nhầm nút khủng bố, gây náo loạn cho hành khách.

Rất may, máy bay cùng toàn bộ 135 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài lúc 19h15 phút.

Máy bay đi Đà Lạt hạ cánh xuống Cam Ranh

Một sự việc khác cũng không kém phần nguy hiểm đó là việc máy bay của Vietjet Air hạ nhầm cánh. Ngày 19/6, khoảng 200 hành khách trên chuyến bay VJ8861 thuộc hãng hàng không Vietjet Air có lịch trình bay từ Hà Nội - Đà Lạt, nhưng gần hai tiếng sau, máy bay hạ xuống sân bay Cam Ranh. Hãng hàng không này cho biết sau đó đã bố trí máy bay đưa khách đến Đà Lạt đúng lịch trình.

Về phía Vietjet, hãng cho biết, chuyến bay mang số hiệu VJ 8861 khởi hành lúc 17h10 từ Hà Nội đi Đà Lạt đã phải thay đổi hành trình bay vì lý do phi công đánh giá tình hình sức gió tại Đà Lạt không thuận lợi và xin phép hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh, để chờ tín hiệu thời tiết tốt mới thực hiện hành trình đến Đà Lạt.

"Đây là tình huống đặc thù của ngành hàng không, đều xảy ra với các hãng trong nước và trên thế giới. Có khi tàu bay đã cất cánh nhưng không thể đáp và phải quay về điểm xuất phát. Cũng có trường hợp tàu bay phải đến các sân bay gần hơn để chờ thời tiết tốt mới tiếp tục hành trình", hãng cho biết.

Thay lời kết

Trên đây chỉ là một số sự cố điển hình đe dọa sự an toàn bay của ngành hàng không xảy ra trong năm vừa qua. Còn theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2014, đã xảy ra 311 vụ sự cố với nhiều mức độ khác nhau, tăng 129 vụ so với năm 2013.

Số lượng sự cố tăng tập trung chủ yếu ở mức độ uy hiếp an toàn mức D. Trong đó, nguyên nhân do hỏng hóc kỹ thuật là 143 vụ (năm 2013 có 83 vụ), do hành khách là 27 vụ (năm 2013 là 3 vụ).

Một trong những nguyên nhân khách quan gây nhiều sự cố là do sự gia tăng của số lượng tàu bay (tăng 10,8%), giờ bay (tăng 21%)và chuyến bay (tăng 12%) của các hãng hàng không so với năm 2013.

Có thể thấy, trong năm qua, chưa bao giờ ngành hàng không nước ta lại xảy ra nhiều sự cố đe dọa sự an toàn của các chuyến bay nhiều như vậy. Nhiều lần trong năm, các hàng khách đi máy bay của các hãng đã phải thót tim trước những sự cố hy hữu chưa từng có tiền lệ.

Máy bay là đòi hỏi sự an toàn cao vì chỉ một thao tác sai sẽ khiến cả trăm người bị đe dọa tính mạng. Hơn lúc nào hết, đội ngũ những cán bộ, nhân viên trong ngành Hàng không cần nâng cao trách nhiệm, luôn trau dồi đạo đức nghề nghiệp để hạn chế những rủi ro cho hành khách đi máy bay.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc