Nhiều trường hợp minh bạch ngân sách mang tính hình thức

08:11, 28/01/2015
|

(VnMedia) - Kết quả tham vấn cộng đồng góp ý cho dự thảo Luật Ngân sách nhà nước cho thấy, việc thực hiện công khai, minh bạch trong các hoạt động ngân sách ở các cấp trong nhiều trường hợp mang tính hình thức, chưa thuận lợi để người dân hiểu và bày tỏ ý kiến.

>> Tăng cường tính minh bạch trong sử dụng vốn ODA
>> Đại biểu kiên nhẫn "đòi nợ" minh bạch giá xăng

Ngày 27/1, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đã tổ chức Diễn đàn góp ý cho Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước. Thông tin tại Diễn đàn cho biết, kết quả tham vấn cộng đồng góp ý cho dự thảo Luật Ngân sách nhà nước cho thấy, việc thực hiện công khai, minh bạch trong các hoạt động ngân sách ở các cấp trong nhiều trường hợp mang tính hình thức, chưa thuận lợi để người dân hiểu và bày tỏ ý kiến.

Theo đó, cách cung cấp thông tin, kênh tuyền tải thông tin chưa phù hợp và nội dung thông tin, vừa thiếu, vừa khó hiểu và thiếu các biện pháp hỗ trợ người dân khi tiếp cận với các thông tin mà họ quan tâm.

Người dân cũng không biết, không hiểu các thông tin liên quan đến ngân sách nhà nước nói chung, việc phân bổ ngân sách nhà nước nói riêng, cũng như chi tiết ngân sách chi thường xuyên cho các ban, ngành, đoàn thể hoặc chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đơn cử như tại Bắc Giang, từ 37,7% đến 43,2% người dân được hỏi không biết rằng ngân sách được chi cho phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng và hoạt động của bộ máy Nhà nước; từ 59,7% đến 63,1% số người được hỏi không biết rằng, ngân sách được chi trả nợ của Nhà nước và chi viện trợ.

Nhưng, có 62,7% người dân được hỏi cho biết, ngân sách có được từ các loại thuế, 54,7% cho biết ngân sách có được từ các loại phí và lệ phí; 46,5% có biết ngân sách có được từ hoạt đông kinh doanh của Nhà nước; 33,5% cho biết ngân sách có được từ các khoản viện trợ và vay nợ.

Còn 42,7% người dân được tham vấn tại các tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị, Vũng Tàu, Nam Định cho biết, họ có nghe hoặc có nhìn thấy về báo cáo thu chí ngân sách của xã nhưng họ không nhớ hoặc không hiểu được những thông tin này.


Ảnh minh họa



Chưa công khai, khó giám sát

Thảo luận tại Diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, Điều 15 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã có quy định rất cụ thể về yêu cầu công khai ngân sách các cấp nhưng những quy định này gần như chưa được thực hiện. Không chỉ người dân mà ngay cả các chuyên gia cũng không thể biết được dự toán cũng như quyết toán ngân sách nhà nước các cấp.

Theo ông Trương Bá Chiến, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, việc đảm bảo công khai minh bạch là yêu cầu quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quarnl ý, sử dụng ngân sách nhà nước và yêu cầu đảm bảo bình đẳng giới, song mức độ công khai ở Việt Nam còn hạn chế. Theo đó, nội dung công khai ngân sách chỉ dừng lại ở việc công khai dự toán quyết toán ngân sách.

Ông Chiến cũng phân tích, Việt Nam chưa công khai dự toán ngân sách trước khi trình Quốc hội trong khi đây là cơ hội để người dân tham gia hiệu quả vào quy trình ngân sách. Ngoài ra, cũng chưa công khai về chi tiêu thuế.

Tại Diễn đàn, các đại biểu dẫn chứng, ngay trong kỳ họp tứ 8 Quốc hội vừa qua, UBTVQH cũng có ý kiến về tình trạng chi thường xuyên đang ở mức quá cao thể hiện sự bất hợp lý (chiếm tới 70% ngân sách nhà nước). Cũng tại kỳ họp này, Chính phủ đã đưa ra trần nợ công của nước ta đã đạt tới giới hạn cho phép, tình trạng nợ công phát sinh thêm cần được kiểm soát chặt chẽ.

Cũng theo các đại biểu thì trong khi người dân rất khó khăn trong việc xác định sẽ gặp ai để hỏi và bày tỏ ý kiến hoặc nếu có xác định được thì cũng chưa hài lòng về những phản hồi nhận được thì cơ chế tham gia giám sát thông qua HĐND, Mặt trận tổ quốc cũng chưa phát huy vai trò là biện pháp bảo đảm cho người dân tham gia sát sát một cách có hiệu quả đối với việc phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước các cấp.

Kênh tiếp xúc cử tri chưa đủ để HĐND nắm bắt được hết nhu cầu, mối quan tâm, vấn đề cần ưu tiên giải quyết tại địa phương và đại biểu HĐND khó đưa ra các ý kiến độc lập do tình trạng không chuyên trách.

Hơn nữa, dù Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định quy định quy chế giám sát đầu tư cộng đồng thì vẫn gặp nhiều trở ngại. Do Ban giám sát đầu tư cộng đồng không được thành lập theo đúng quy định như không do người dân bầu, đôi khi còn lấy Ban thanh tra nhân dân với chức năng khác để đồng thời thực hiện chức năng giám sát này… dẫn đến trình trạng “hữu danh vô thực”.

Những điều đó cho thấy Luật Ngân sách nhà nước cần phải có quy định về trình tự, thru tục cụ thể trong thực hiện công khai, minh bạch dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước các cấp, ít nhấy để thực hiện tốt Điều 15 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

“Cần cân nhắc bổ sung thêm quy định về công khai dự toán ngân sách nhà nước các cấp trước khi được phê duyệt để thu hút sự tham gia của người dân vào quá trình thảo luận ngân sách; công khai chi tiêu thuế” - ông Trương Bá Chiến đề xuất và nhấn mạnh thêm, công khai ngân sách nhà nước cần làm rõ 3 nội dung, đó là công khai cái gì, công khai như thế nào và cách thức công khai.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nhấn mạnh, “công khai phải có thuyết minh, người dân đọc bản công khai nhưng thiếu thông tin nên không hiểu thì không thể giám sát được. Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước nếu quy định công khai thì phải đi kèm với giám sát. Công khai đến đâu, giám sát đến đó”.  

Dự toán, quyết toán không phải là báo cáo mật

Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, các khoản dự toán thu, chi ngân sách phải được công khai và minh bạch về thông tin. Theo đó, không áp dụng cơ chế báo cáo “Mật” đối với dự toán, quyết toán khi trình ra các cơ quan dân cử.

Các thông tin mật chỉ được áp dụng cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội và của nhân dân cần cụ thể hóa trong Luật Ngân sách Nhà nước và “các hành vi bị cấm” gắn với các quy định về chế tài xử lý vi phạm cần được bổ sung cụ thể hóa.

Để cung cấp thông tin một cách toàn diện và đầy đủ, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị trong việc cung cấp thông tin tài chính cho Kho bạc Nhà nước, hướng đến minh bạch hóa thông tin và nâng cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị thụ hưởng Ngân sách Nhà nước.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc