Bộ Văn hóa nói gì về việc xây "cao ốc" sát Hồ Gươm?

06:58, 15/12/2014
|

(VnMedia) - Theo đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, phương án kiến trúc công trình Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm không ảnh hưởng xấu tới cảnh quan chung, phù hợp với kiến trúc chung của khu vực, góp phần hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

>>
Không gian công cộng: Cứu cánh cho bất động sản
>> Hà Nội nói gì về việc xây “cao ốc” sát Hồ Gươm?
>> "Không gian trống quanh Hồ Gươm quá ít ỏi"
>> Nên dùng trụ sở quận Hoàn Kiếm làm trung tâm văn hóa
>> Trung tâm Văn hóa Hồ Gươm: Không xứng tầm
>>
Báo động: Hồ Gươm đang bị tầm thường hóa!
>> Tàu điện ngầm ảnh hưởng “long mạch” Hồ Gươm?
>> Hồ Hoàn Kiếm trở thành di tích quốc gia đặc biệt

Xung quanh những dư luận trái chiều về việc xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên vừa có công văn trả lời Sở Văn hóa Hà Nội về việc xây dựng Trung tâm thông tin văn hoá Hồ Gươm tại số 2 phố Lê Thái Tổ.

Theo đó, sau khi xem xét hồ sơ phương án kiến trúc và các văn bản liên quan, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho rằng, việc xây dựng Trung tâm thông tin sẽ góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ cũng như khu phố cổ Hà Nội.

Tại văn bản trên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đánh giá, phương án kiến trúc công trình Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm không ảnh hưởng xấu tới cảnh quan chung, phù hợp với kiến trúc chung của khu vực, góp phần hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Ảnh minh họa

Mô hình Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm.

Tranh cãi quanh việc xây dựng Trung tâm văn hóa Hồ Gươm

Kế hoạch xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm được Hà Nội đưa ra từ năm 2010. Tuy nhiên, vào thời điểm trên, việc xây dựng “cao ốc” khổng lồ sát Hồ Gươm này đã bị dư luận phản đối. Sau đó, lãnh đạo Hà Nội đã buộc quận Hoàn Kiếm dừng dự án này để nghiên cứu thêm.

Bẵng đi một thời gian, đầu tháng 11 vừa qua, câu chuyện xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm lại thu hút sự quan tâm của dư luận khi UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, dự định sẽ khởi công xây dựng “cao ốc” này vào cuối năm nay. Tuy nhiên, có điều là ngay khi biết được thông tin này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng đã không tán thành cách làm này của Hà Nội.

Trước dư luận trái chiều về việc Hà Nội chuẩn bị xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm tại số 2 Lê Thái Tổ, gần Hồ Hoàn Kiếm, chiều 25/11 vừa qua, tại buổi giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội, ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, khu đất tại số 2 phố Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, có chức năng là đất công trình công cộng thương mại, dịch vụ; chỉ tiêu mật độ xây dựng của công trình không quá 80% và chiều cao công trình không quá 16m.

“Trên thực tiễn nghiên cứu, so sánh phương án quy hoạch kiến trúc đề xuất nhận thấy, phương án xây dựng vườn hoa, do khu đất có diện tích rất nhỏ lại tiếp giáp với các hộ dân liền kè phía Bắc nên không phù hợp, ở vị trí dễ mất an toàn giao thông và không có giải pháp khắc phục kiến trúc lộn xộn của các công trình riêng lẻ hộ dân liền kề tiếp giáp khu đất, cũng như không có khả năng hoàn chỉnh quy hoạch kiến trúc của ô phố”, ông Lâm Quốc Hùng cho biết. 

Theo ông Hùng, quá trình lấy ý kiến cũng có một số ý kiến cho rằng nên xây dựng vườn hoa tại vị trí trên. Tuy nhiên, nếu xây dựng vườn hoa thì chỉ được có ba mặt, trong đó một mặt sát nhà dân rất lem nhem, mất mỹ quan. Cũng có ý kiến cho rằng, để khắc phục nhược điểm trên nên làm một bức phù điêu che lại, nhưng phương án này cũng không khả thi vì bức tường quá dài.

"Việc lựa chọn phương án quy hoạch kiến trúc xây dựng công trình Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm sẽ hoàn chỉnh tổng thể tổ hợp kiến trúc với công trình Long Vân - Hồng Vân tạo hình thái kiến trúc hoàn chỉnh ô phố, đóng góp hiệu quả vào không gian cảnh quan đô thị khu vực và cho quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, phù hợp với không gian và quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt", ông Lâm Quốc Hùng khẳng định.
 
Tuy nhiên, không đồng tình với quan điểm trên, các kiến trúc sư đã đưa ra nhiều ý kiến cho rằng, không nên xây dựng thêm bất cứ công trình nào sát khu vực Hồ Gươm.

Trao đổi với VnMedia , KTS Trần Trọng Hanh cho rằng, không gian công cộng quanh Hồ Gươm là rất hiếm nên việc giữ gìn và mở rộng không gian công cộng rất cần thiết. Ở khu vực này thường diễn ra nhiều sự kiện, tập trung nhiều cư dân không chỉ của Hà Nội mà còn của cả nước và du khách nước ngoài.
 
“Vị trí dự kiến xây dựng công trình không lớn, chỉ khoảng hơn 200m2. Khi xây dựng công trình là một tòa nhà 3 tầng lên đó sẽ rất lắt nhắt, không thể là một công trình bề thế, xứng tầm với không gian Hồ Gươm, gây ra sự phản cảm về thị giác. Tôi đã nghiên cứu bản phác thảo, trông rất tầm thường, chẳng khác nào một cái nhà dân", ông Hanh nói. 

Theo ông Hanh, khi định làm một công trình ở đây, nên cân nhắc đưa ra cái được và cái mất. Theo tôi, cái được ở đây rất nhỏ, chỉ là một nơi để trưng bày theo mục đích của quận Hoàn Kiếm. Trong khi cái mất rất lớn, đó là lợi ích của cả cộng đồng.
 
“Theo tôi, nên tổ chức một không gian xanh để nâng tầm không gian của Hồ Gươm. Mảnh đất này nhỏ, không thể làm thành công viên nhưng có thể là một vườn hoa xanh. Nhỏ nhưng rất có ý nghĩa. Ở khu vực này, một mét vuông không gian công cộng cũng rất quý. Cần tôn trọng nguyện vọng của công chúng", Phó Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói về việc nên làm với mảnh đất sát Hồ Gươm trên.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc