Đã chặt gần 300 cây cổ thụ, Hà Nội còn chặt tiếp

17:40, 06/11/2014
|

(VnMedia) - Để phục vụ thi công tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và hầm chui QL6 nút giao Thanh Xuân, Hà Nội đã cho chặt hạ 288 cây cổ thu và sắp tới còn tiếp tục chặt thêm...

Sau khi có hàng chục cây cổ thụ trên đường Láng bị chặt hạ trên thì vài ngày nay, người Hà Nội lại xôn xao, tiếc nuối khi thấy hàng chục cây cổ thụ tiếp tục bị đốn gục nhằm phục vụ cho việc thi công tuyến đường sắt trên cao. Nhiều người dân băn khoăn, lo lắng hỏi: Không biết Hà Nội đã chặt bao nhiêu cây và sẽ còn “hy sinh” bao nhiêu cây nữa cho “công trình thế kỷ” này?

Sáng nay (6/11), ông Lê Trung Ngọc - Phòng Quản lý hạ tầng môi trường và công trình ngầm (Sở Xây dựng Hà Nội) chính thức đưa ra số lượng cây cổ thụ đã bị chặt hạ trên trục đường Nguyễn Trãi, và số lượng cây không phải hàng chục, mà là hàng trăm.

Theo đó, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cấp phép cho Ban quản lý dự án phát triển công trình đô thị chặt hạ 112 cây và dịch chuyển 91 cây để phục vụ xây dựng 7 nhà ga La Thành, Thái Hà, Láng, bến xe Hà Đông, Hà Đông, La Khê, Văn Khê. Tiếp đó là việc cấp phép chặt 7 cây và dịch chuyển 1 cây nằm trong mặt bằng thi công đường tránh Quốc lộ 6.

Ban quản lý dự án đường sắt - Cục đường sắt Việt Nam cũng được cấp phép cắt tỉa 79 cây có cành vướng vào phạm vi thi công cẩu Long Môn.

Ông Ngọc cũng cho biết, trước đó đã cấp phép cho Ban quản lý Thăng Long (Bộ GTVT) chặt hạ 169 cây, dịch chuyển 27 cây trong mặt bằng xén hè, xém dải phân cách để thực hiện dự án xây dựng hầm chui Quốc hộ 6 nút giao Thanh Xuân.

Còn theo ông Trần Trọng Hiếu - Trưởng phòng quản lý hạ tầng môi trường và công trình ngầm (Sở Xây dựng), phần lớn những cây xà cừ trên địa bàn Hà Nội được trồng từ nhiều năm trước đây. Để cây không bị đổ gãy, đơn vị này thường xuyên chỉ đạo cắt tỉa cành cây. Tuy nhiên, đây là loại cây rễ chum, thân cây lại rất lớn nên rất dễ bị bật gốc vào mùa mưa bão. Ông Hiếu khẳng định số lượng cây chặt hạ đều được thành phố cấp phép đúng quy định.

Một thông tin đáng chú ý là, theo báo cáo của Công ty công viên cây xanh Hà Nội, thời gian tới tiếp tục có 252 cây bị chặt hạ thuộc kế hoạch chỉnh trang trên đường Nguyễn Trãi, trong đó có 194 cây không đúng chủng loại như bàng, bông gòn, dâu da, trứng cá; 58 cây bị cong nghiêng, sâu mục mất an toàn.

Ảnh minh họa

Hàng trăm cây cổ thụ đã phải "hy sinh" cho sự phát triển của giao thông


Còn tiếp tục chặt...

Tại cuộc họp ở Sở Xây dựng về việc chặt hạ và trồng thay thế cây xanh trên đường Nguyễn Trãi sáng 6/11, ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết thêm, trên đường Nguyễn Trãi có 597 cây bóng mát được trồng hai bên vỉa hè và trên dải phân cách giữa đường dành cho xe buýt và đường giao thông.

Trên dải phân cách phải (theo hướng đi Hà Đông), loài cây trồng chủ yếu là xà cừ, lát hoa, phượng. Còn dải phân cách trái được trồng chủ yếu là keo lá chàm. Một số loài cây không thuộc loại cây đô thị như bàng, dâu da, dướng, trứng cá, vông, xoan. Đặc biệt trong số này có những cây cong nghiêng, sâu mục gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởn đến mỹ quan đô thị cần được chặt hạ, thay thế để đảm bảo cảnh quan, an toàn giao thông.

Ông Hưng cho biết, mục đích chính của việc chỉnh trang cây trên đường Nguyễn Trãi nhằm nâng cao chất lượng của hệ thống cây bóng mát của tuyến đường hướng tới sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Khối lượng cây bị chặt trên đường Nguyễn Trãi, theo ông Hưng, là 275 cây; Chặt hạ cây không đúng chủng loại cây đô thị 194 cây, trong đó có 26 cây bàng, 1 cây bông gòn, 1 dâu da, 3 cây trứng cá - đây là những loài cây do người dân tự ý trồng dễ gây đổ, quả nhiều rụng mất vệ sinh. Ngoài ra, còn có 160 cây keo được trồng tạm thời trên dải phân cách để lấy bóng mát nhưng cây hay gẫy cành, đổ khi gặp mưa bão.

Đợt này cũng có 58 cây cong nghiêng, sâu mục gây mất an toàn giao thông bị chặt, trong đó có 9 cây xà cừ, 4 cây bằng lăng, 13 cây chẹo, 13 cây muồng, 3 cây phượng. Hơn 20 cây nhỏ trên đường Nguyễn Trãi cũng được di chuyển đi nơi khác.

Được biết, sau khi chặt 275 cây thì sẽ chỉ có 78 cây được trồng thay thế, trong đó chủ yếu là cây hoa lát ở vỉa hè 2 bên đường.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc