Quảng cáo trái phép "phá hoại" bộ mặt Hà Nội

06:42, 22/09/2014
|

(VnMedia) - Phó Giám đốc sở VH, TT & DL Hà Nội cho biết, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng ngày nghỉ cuối tuần, các địa phận giáp ranh trên tuyến phố trung tâm, các khu dân cư để treo băng rôn quảng cáo trái phép…

 

Hoạt động quảng cáo băng rôn ngang được thực hiện theo vị trí của Đề án xã hội hóa được UBND thành phố cho phép thực hiện từ năm 2003. Theo đó, băng rôn được thực hiện tại thân cột đèn chiếu sáng và chỉ dành cho tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và các sự kiện lớn.

 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định; việc quảng cáo cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật thường treo băng rôn ngoài hệ thống cột treo quy hoạch như tại các thân cây, cột đèn chiếu sáng, cột điện… đã ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị trên tuyến đường.


Theo Phó Giám đốc Sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) Nguyễn Khắc Lợi, mặc dù Thanh tra Sở đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã để kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm nhưng tình trạng băng rôn quảng cáo cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật, quảng cáo bang rôn dọc của các tổ chức, cá nhân cho các sản phẩm, dịch vụ vẫn diễn ra rất phức tạp.

 

“Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng ngày nghỉ cuối tuần, các địa giáp ranh trên tuyến phố trung tâm, các khu dân cư để treo băng rôn quảng cáo.” – ông Lợi nêu rõ.

 

Trong khi đó, tình trạng quảng cáo rao vặt sai quy định vẫn còn diễn ra, đặc biệt là ở những ngõ ngách, khu tập thể gây mất trật tự và ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Hình thức quảng cáo rao vặt vi phạm mới rất đa dạng, được treo cao trên dây điện, cành cây… khó xử lý tháo gỡ, gây phản cảm.

 

Theo Lãnh đạo Sở VH, TT&DL, đối với việc xử phạt vi phạm quảng cáo rao vặt, việc bắt giữ và ử lý vi phạm đang gặp nhiều khó khăn do những người thực hiện quảng cáo rao vặt phần lớn là làm thuê, ở tuổi vị thành niên, làm lén lút vào ban đêm. Khi bị xử phạt thì đối tượng không có khả năng về kinh tế để chấp hành xử phạt.

 

Ngoài ra, đối tượng kinh doanh thông tin trong quảng cáo rao vặt đa số là công ty không có tên gọi cụ thể và địa chỉ cố định mà chỉ lấy tên gọi chung chung, từ tỉnh khác về kinh doanh tại Hà Nội và thuê thông tin quảng cáo rao vặt để hoạt động tại địa bàn khác nơi có phương tiện hành nghề.

 

Riêng về hoạt động quảng cáo tấm lớn, theo khảo sát của UBND Thành phố, tình trạng vi phạm có chiều hướng gia tăng vào cuối năm 2013 và đặc biệt nghiêm trọng trong những ngày đầu năm 2014 khi sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lập quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

 

Theo đó, một số huyện đã tranh thủ cho doanh nghiệp lắp dựng công trình quảng cáo ngoài vị trí quy hoạch, khoogn có giấy phép xây dựng. Trong nội thành, doanh nghiệp cũng lợi dụng Luật Quảng cáo quy định bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích dưới 40m2 không phải xin phép xây dựng, đã liên kết với các doanh nghiệp để dựng bảng quảng cáo trong khuôn viên doanh nghiệp, bãi dỗ xe, có hình thức như bảng quảng cáo tấm lớn nhưng không thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo trước khi thực hiện đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định.
 

Ảnh minh họa

Việc quảng cáo cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật thường treo băng rôn ngoài hệ thống cột treo quy hoạch như tại các thân cây, cột đèn chiếu sáng, cột điện… nên đã ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị trên tuyến đường - ảnh minh họa


Quản lý chồng chéo

 

Theo đánh giá của UBND Thành phố, ngoài nguyên nhân do ý thức tuân thủ pháp luật về hoạt động quảng cáo của tổ chức, cá nhân kinh doanh quảng cáo, người cho thuê địa điểm quảng cáo… thì trên thực tế, hoạt động quảng cáo liên quan đến nhiều ngành và chịu sự điều chỉnh của nhiều bộ luật nhưng hệ thống pháp luật chuyên ngành liên quan đến quản lý quảng cáo chồng chéo, sự phối hợp giữa các sở ngành thiếu chặt chẽ, thiếu thống nhất.

 

Hiện nay, hoạt động quảng cáo do hai sở quản lý (Văn hóa, thể thao và du lịch quản lý ngoài trời, sở Thông tin và truyền thông quản lý trên báo chí và xuất bản phẩm…) nhưng vẫn chưa có văn bản của Liên Bộ hướng dẫn thực hiện cụ thể và phân định trách nhiệm của 2 cơ quan quản lý…

 

Theo Phó Giám đốc Sở VH, TT và DL Nguyễn Khắc Lợi, Nhà nước cần đầu tư kinh phí để chi cho công tác cưỡng chế giải tỏa các công trình quảng cáo vi phạm vì hiện nay, theo quy định của pháp luật thì các tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu trách nhiệm toàn bọ chi phí tổ chức cưỡng chế, nhưng điều này trên thực tế rất khó thực hiện. Việc tổ chức cưỡng chế vẫn phải xin hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách của Nhà nước.

 

Đặc biệt, lãnh đạo Sở VH, TT&DL đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Thành ủy cân nhắc khi trả lời văn bản đồng ý với đề nghị của các doanh nghiệp quảng cáo thực hiện tuyên truyền xã hội hóa. Như vậy mới tránh được việc doanh nghiệp cố tình vi phạm dựng công trình quảng cáo trái quy định, không đúng quy hoạch của Thành phố.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc