“Chỉ nên bỏ chấm điểm học sinh lớp 1”

12:16, 12/09/2014
|

(VnMedia) - Điểm số có thể gây áp lực, tăng tình trạng dạy thêm học thêm. Nhưng không chấm điểm thì học sinh lấy đâu động lực để phấn đấu? Chỉ nên bỏ chấm điểm đối với học sinh lớp 1… là ý kiến của nhiều phụ huynh…

>>Chính thức bỏ chấm điểm thường xuyên cấp tiểu học


 Ảnh minh họa

 Chỉ nên bỏ chấm điểm đối với học sinh lớp 1 để giảm áp lực - ảnh minh họa

 

Mấy ngày gần đây, thông tư của Bộ Giáo dục quy định về việc sẽ bỏ chấm điểm thường xuyên đối với học sinh tiểu học đã gây sự chú ý đặc biệt của các bậc phụ huynh, trong đó có ý kiến ủng hộ, nhưng cũng có nhiều ý kiến băn khoăn.

 

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa (Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội), có con gái năm nay vừa vào lớp 1 cho biết, những ngày đầu con đi học chị đã rất căng thẳng về chuyện chấm điểm của con. “Vì hè cháu không đi học trước nên vào đầu năm học, điểm của cháu thấp hơn hẳn các bạn. Điều này khiến cháu tự ti và không muốn đi học nên tôi rất lo lắng. Rồi cuối cùng, tôi đành quyết định cho con đến nhà cô học thêm để cô rèn viết chữ và làm toán. Đúng là sau đó cháu đã tiến bộ và có điểm 9 đầu tiên. Khi nghe tin Bộ Giáo dục bỏ chấm điểm của học sinh tiểu học, tôi rất mừng vì từ nay cháu sẽ không phải xấu hổ vì bị điểm thấp hơn các bạn nữa” - chị Thoa chia sẻ.

 

Tuy nhiên, những người suy nghĩ tích cực như chị Hoa về quy định mới của Bộ Giáo dục không nhiều. Ngay cả những người ủng hộ quy định này thì cũng chỉ đồng ý với việc bỏ chấm điểm cho học sinh lớp 1, cùng lắm là lớp 2. Còn với lớp 3, 4, 5, theo nhiều phụ huynh thì nên chấm điểm vì lúc này các em đã lớn hơn, quen với việc chịu một phần áp lực học hành và việc chấm điểm sẽ là động lực cho các con phấn đấu.

 

“Các con lớp 1 vì còn nhỏ và bỡ ngỡ bước từ mẫu giáo lên thì đúng là không nên chấm điểm, chỉ nên khuyến khích bằng cách tặng hoa điểm mười hoặc chấm loại A, B, C… Nhưng với học sinh lớp 2, 3 trở lên, việc chấm điểm lại là một hình thức khuyến khích các con học hành chăm chỉ, đặc biệt là có ý thức thi đua” - chị Phương Hà, phụ huynh của một học sinh lớp 3 chia sẻ.

 

Chị Hà cho biết, kể từ hôm biết rằng nhà trường áp dụng không chấm điểm, chị cứ cảm thấy bứt rứt không yên vì không biết con chị học hành thế nào. “Cháu nó là con trai, rất hiếu động và thiếu tập trung. Áp lực điểm số một phần khiến cháu phải tự điều chỉnh hành vi và cố gắng hoàn thành bài tập cô giao. Nhưng nay không có điểm, tôi không biết cháu sẽ học hành như thế nào, có tiến bộ hay không?” - chị Hà băn khoăn.

 

Với nhiều phụ huynh, việc chấm điểm hàng ngày sẽ là một động lực để con phấn đấu. “Nếu chỉ nhận xét đạt hay không đạt thì với học sinh tiểu học, 99% là đạt. Như thế cũng có nghĩa là các cháu chỉ cần học đến mức “đạt” là xong. Vậy thì những kiến thức rất nặng được Bộ giáo dục soạn ra liệu có ai học, khi mà chỉ cần làm những phần bài tập thuộc kiến thức trung bình là đã đạt?

 

Một điều khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, đó là việc nhận xét đôi khi rất cảm tính. “Tưởng rằng không chấm điểm thì sẽ bớt được áp lực cho học sinh và phụ huynh, bớt được tiêu cực nhưng tôi lại thấy lo lắng hơn bởi kết quả thế nào lúc này phụ thuộc hoàn toàn vào cảm tính của giáo viên. Giáo viên công tâm thì không sao, nếu cô giáo không thích học sinh, hay cha mẹ không “chăm sóc”, biết đâu cô cứ đánh giá là… không đạt thì sao?” - một phụ huynh lo lắng.

 

“Tôi có cảm giác là việc tốt xấu như thế nào của một học sinh phụ thuộc hoàn toàn vào nhận xét của giáo viên, những người đã từng đi học, được chấm điểm và chấm điểm học sinh suốt nhiều năm. Nhà trường làm thế nào để giám sát việc giáo viên có công tâm trong việc nhận xét học sinh?” – một phụ huynh khác phân vân. Theo vị phụ huynh này

 

Ngày xưa vẫn chấm điểm sao không tiêu cực?

 

Điều mà hầu hết những bậc phụ huynh đều đã từng trải qua, đó là việc đi học và có chấm điểm. Tuy nhiên, trước đây, việc chấm điểm là hoàn toàn công tâm, tạo động lực cho những học sinh có khả năng phấn đấu để đạt thành tích cao.

 

“Ngày xưa chúng tôi đi học thì những điểm 9, 10 luôn là phần thưởng thực sự xứng đáng cho những học sinh ưu tú. Và phần lớn số học sinh còn lại chấp nhận với việc mình là những học sinh trung bình hoặc tự hào khi được xếp loại khá (tiên tiến). Còn bây giờ, việc cho điểm 9, 10 một cách vô tội vạ đã khiến cho những phụ huynh có con không được điểm cao cảm thấy con mình “quá kém cỏi”. Vì thế, họ bằng mọi cách cho con đi học thêm, hay xin xỏ giáo viên để con được “bằng chúng bằng bạn”.

 

“Vấn đề không phải là chấm điểm, mà là cách dạy, cách ra đề và cách cho điểm. Nếu bỏ chấm điểm nhưng giáo viên không biết cách nhận xét một cách khoa học và khích lệ hay nhận xét không công tâm thì việc tiếp tục cho con đi học thêm, tiếp tục tiêu cực là điều không tránh khỏi” – chị Hồng Vân, một phụ huynh có một con đã học cấp II và đứa con nhỏ vừa vào lớp 1 chia sẻ.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc