Khách du lịch Thanh Hóa không còn bị "chém”?

06:27, 18/08/2014
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định, sau hơn một năm kể từ khi bị các đại biểu Quốc hội chất vấn, tình hình chèo kéo, nâng giá với khách du lịch đã được giải quyết hiệu quả, đặc biệt là ở Thanh Hóa, Nha Trang, TP. HCM...

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh


 
Làm thế nào để thu hút khách du lịch từ nước ngoài, nâng cao chất và lượng của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch là những vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh đã trao đổi trong chương trình Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời tối 17/8.
 
- Trong một cuộc họp báo Quốc tế do Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức vào tháng 6 vừa qua, Bộ đã đưa ra một thống kê là lượng khách quốc tế vào Việt Nam tháng 5 vừa qua giảm và đặc biệt là tháng 6 thì giảm đến gần 20% so với tháng 4. Trước tình hình này, Bộ đã có những biện pháp gì để cải thiện tình hình, thưa Bộ trưởng?
 
Đúng là so với kế hoạch đầu năm thì lượng khách tháng 6, tháng 7 giảm. Trước tình hình đó, chúng tôi tập trung đẩy mạnh công tác thông tin quảng bá du lịch Việt Nam đối với thị trường trong nước và đặc biệt là khách nước ngoài về điểm đến với du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện và chất lượng.
 
Thứ hai, chúng tôi đẩy mạnh xúc tiến du lịch ở các thị trường mới không phụ thuộc vào những thị trường đã có.
 
Thứ ba, chúng tôi thực hiện chiến lược kích cầu du lịch nội địa, người Việt Nam du lịch ở Việt Nam và đề nghị với các tỉnh, thành quan tâm đến các doanh nghiệp du lịch, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh du lịch thuận lợi, đặc biệt chú ý an ninh an toàn cho du khách.
 
Cuối cùng là có cơ chế thu hút khách đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
 
-  Một người dân đặt câu hỏi như sau: “Thưa Bộ trưởng, tôi là người Việt Nam nhưng có nhiều người bạn nước ngoài. Những người bạn đó nói rằng họ rất thích đến Việt Nam bởi chúng ta có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, người Việt Nam cũng khá thân thiện. Tuy nhiên, điều họ e ngại nhất là tình trạng chèo kéo khách du lịch và nâng giá một số dịch vụ đối với khách nước ngoài khi đi du lịch đến Việt Nam. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để hạn chế tình trạng này?

Cách đây một năm rưỡi, tại kỳ họp Quốc hội, có nhiều vị đại biểu khi chất vấn tôi đã nêu ra vấn đề này. Và trong một năm rưỡi trôi qua, vấn đề này đã được giải quyết rất hiệu quả. Ví dụ như ở Nha Trang hay ở TP. Hồ Chí Minh chẳng hạn, người ta lắp đặt camera, có đường dây nóng để thông báo kịp thời những trường hợp chèo kéo khách. Hay ở Thanh Hóa, mặc dù có một vài bài báo nêu ra, nhưng khi tôi kiểm tra thực sự thì thấy Thanh Hóa tổ chức những lại những dịch vụ có sự phối hợp giữa các ngành công an, thuế… để kiểm tra. Họ cũng tạo thành hiệp hội để kiểm tra, phê phán nhắc nhở nhau khi chèn ép, nâng giá khách… Trường hợp đó mình cũng phải đề phòng vì nó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nhưng với một quyết tâm mới thì chính quyền các địa phương, với sự chỉ đạo của Bộ thì tình hình đó có nhiều cải thiện đáng kể.
 
Tôi nghĩ, hiện nay du lịch Việt Nam đang ở giai đoạn nâng cao chất lượng thì không những các doanh nghiệp du lịch có ý thức trong chuyện này mà những hộ kinh doanh phục vụ cho kinh doanh du lịch cũng phải ý thức rằng, sự đóng góp của chúng ta sẽ làm cho hình ảnh du lịch của Việt Nam ngày càng xứng đáng trong con mắt của bạn bè quốc tế.
 
Thiếu sinh viên ngoại ngữ “hiếm” để làm hướng dẫn viên quốc tế

-  Một người dân chia sẻ: “Tôi thường đi du lịch và thấy hướng dẫn viên du lịch của ta còn thiếu và yếu, mặt khác lại có hiện tượng công ty du lịch đưa du khách đến Việt Nam nhưng lại sử dụng hướng dẫn viên du lịch nước ngoài để giới thiệu về danh lam thắng cảnh của Việt Nam. Họ là người nước ngoài thì làm sao hiểu văn hóa Việt bằng người Việt? Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này và nâng cao số lượng, chất lượng hướng dẫn viên du lịch?
 
Câu hỏi đặt ra là một thực tế. Chúng tôi đã biết tình hình này và mấy năm trước đây đã chỉ đạo bằng mấy giải pháp sau đây: Trước hết là thông báo rộng rãi và đặc biệt là đối với sinh viên về việc khan hiếm hướng dẫn viên du lịch quốc tế ở một số thị trường để các em theo học các ngôn ngữ này và sau đó theo làm việc ngành này.
 
Thứ hai là chúng tôi đã xây dựng và ban hành khung đào tạo ngắn hạn cho hướng dẫn viên du lịch và chuẩn ngoại ngữ với hướng dẫn viên quốc tế.
 
Thứ ba là thường xuyên tổ chức các kỳ sát hạch về ngoại ngữ và chuyên môn đối với những người đam mê nghề hướng dẫn viên du lịch mà không có điều kiện qua học các lớp đào tạo ngắn hạn.
 
Sắp tới đây chúng tôi tiếp tục làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hướng nghiệp cho các em học các ngoại ngữ hiếm để trở thành hướng dẫn viên du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường đang tăng.
 
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc