Cải tạo chung cư Nguyễn Công Trứ: Lấy đâu 2 nghìn tỷ bù lỗ?

21:06, 06/08/2014
|

(VnMedia) - Việc cải tạo khu chung cư cũ Nguyễn Công Trứ được dự tính sẽ hết khoảng hớn 7.500 tỷ đồng, nhưng doanh thu theo cơ chế thì chỉ được khoảng hơn 5.000 tỷ. Vậy còn hơn 2.000 tỷ thì phải dùng nguồn ở đâu?

 

Dự án cải tạo khu chung cư cũ Nguyễn Công Trứ là dự án thí điểm cải tạo chung cư cũ toàn khu của Thành phố theo chủ trương của Thành ủy, HĐND và giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng nhà số 7 làm chủ đầu tư từ năm 2002. Mục tiêu dự án nhằm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cải thiện chất lượng ở và tái định cư cho người dân trong khu vực.

 

Tuy nhiên do dự án này nằm trong khu vực hạn chế phát triển tầng cao nên rất khó kêu gọi xã hội hóa. Vì vậy, Thành phố đã chỉ đạo tháo gỡ chung về phương án quy hoạch, cơ chế và phương thức triển khai thực hiện để đảm bảo hài hòa 3 lợi ích người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

 

Theo đó, Thành phố đã quyết định việc đầu tư cải tạo xây dựng mới các công trình chung cư Nguyễn Công Trứ sẽ thực hiện từ nguồn thu tự cân đối của dự án, nếu mất cân đối về tài chính sẽ được Hà Nội hỗ trợ từ tiền sử dụng đất của các dự án hỗ trợ.

 

Với cơ chế này, việc tháo gỡ khó khăn để khẩn trương tiến hành cải tạo khu chung cư Nguyễn Công Trứ dường như đã có “lối thoát”.

 

Cụ thể, theo Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển nhà số 7 Hà Nội, hiện nay Công ty mới thực hiện khởi công xây dựng công trình nhà N3 trên nền hiện trạng nhà A1, A2. Việc triển khai thi công xây dựng nhà N3 đang được tập trung nguồn lực, ứng vốn đề thực hiện đảm bảo tiến độ như đã cam kết với dân hết Quý IV năm 2015 sẽ bàn giao nhà.

 

Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ thì về phương án cân đối tài chính và phương thức hỗ trợ cho dự án, Công ty cho biết tổng mức đầu tư dự tính là 578 tỷ đồng, nhưng tổng doanh thu theo cơ chế chỉ được 256 tỷ đồng, giá trị mất cân đối về tài chính của dự án (phần thiếu) là khoảng 322 tỷ đồng. Vì vậy, để bù đắp một phần mất cân đối về tài chính, tạo nguồn thu từ chính dự án, Công ty đề nghị được khai thác kinh doanh diện tích sàn ở còn lại là khoảng 3.246m2 sau khi bố trí tái định cư. Ngoài ra, Công ty đề xuất được thanh toán từ nguồn tiền sử dụng các quỹ đất hỗ trợ mà Công ty đã nộp cho Thành phố.

Ảnh minh họa

Việc cải tạo chung cư cũ Nguyễn Công Trứ còn rất nhiều khó khăn


Chưa lường hết khó khăn

 

Còn về cơ chế tổng thể, theo Công ty, nhà N3 nằm sâu trong dự án, không có lợi thế về vị trí, chỉ có các hộ dân trong tập thể sinh sống, thế nhưng Công ty và UBND quận Hai Bà Trưng cũng đã phải mất nhiều năm mới thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng bởi “trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà N3, các hộ dân vẫn yêu cầu các “yêu sách”.

 

Do vậy, Chủ đầu tư rất e ngại là với các khối nhà còn lại sẽ gặp khó khăn nhiều hơn bởi những công trình này nằm ở vị trí thuận lợi hơn, lại tồn tại nhiều đối tượng phải giải phóng mặt bằng như dân cư trong khu tập thể, các hộ cơi nới lấn chiếm, các hộ sở hữu tư nhân, các cơ quan đơn vị, các ki - ốt, chợ… Ngoài ra còn có các công ty kinh doanh nhà nước trước đây đã chuyển đổi cổ phần hóa… rất phức tạp, khó lường hết được các khó khăn phức tạp trong công tác giải phóng mặt bằng.

 

Theo báo cáo khái toán của Công ty trình Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thẩm định, tổng thu theo cơ chế của toàn bộ các khu nhà còn lại là 5.346 tỷ đồng và phần mất cân đối (thiếu) là khoảng 2.195 tỷ đồng. Trong số đó, chi phí xây dựng thiếu 1.846 tỷ đồng và chi phí thuê quỹ nhà tạm cư là 349 tỷ đồng. Đối với giá trị mất cân đối này, Công ty đề xuất ngân sách Thành phố thanh toán từ tiền sử dụng quỹ đất của các quỹ đất hỗ trợ mà Công ty đã nộp.

 

Công ty cũng đề nghị, đối với giá trị mất cân đối của mỗi giai đoạn thực hiện sẽ được Công ty tính toán, thẩm định phê duyệt trong giai đoạn lập dự án đầu tư và sẽ được thanh quyết toán sau khi hoàn thành công trình.

 

Tuy nhiên, Công ty cũng cho rằng, “việc xây dựng cơ chế này có thể chưa lường hết được khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện”, do vậy, đề nghị UBND Thành phố phê duyệt cơ chế thí điểm tổng thể dự án để triển khai thực hiện, trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc thì cho phép công ty tiếp tục báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo tháo gỡ.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc