Trung Quốc cử 69 tàu bảo vệ giàn khoan, chủ động đâm tàu Việt Nam

06:45, 21/05/2014
|

(VnMedia) - Lúc 9h20 phút, tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8003 quan sát xung quanh khu vực, phát hiện có 69 tàu Trung Quốc các loại bảo vệ giàn khoan. Trong đó có: 22 tàu Hải cảnh, Hải giám, Hải tuần, Ngư chính; 3 tàu kéo; 6 tàu hàng; 38 tàu cá vỏ sắt.

>>6 tàu Trung Quốc hung hăng vây tàu Cảnh sát biển Việt Nam

>>"Khởi kiện Trung Quốc, Việt Nam chắc chắn thắng về pháp lý"

>>Đừng nhầm yêu nước với hô hào, đập phá!

>>Chưa có dấu hiệu Trung Quốc sẽ rút giàn khoan

Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, ngày 20/5, Trung Quốc vẫn duy trì hơn 90 chiếc tàu các loại bảo vệ giàn khoan 981 và bố trí các tàu bảo vệ làm nhiều hướng khác nhau. Tuy nhiên, giống như các ngày đã qua, ngày hôm qua, các tàu của Trung Quốc vẫn luôn cơ động, chủ động tiếp cận và sẵn sàng phun nước, đâm va vào các tàu chấp pháp của ta.

Trong ngày, các tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc cũng đã cơ động đến gần nhóm tàu cá vỏ gỗ của các ngư dân Việt Nam và sẵn sàng đâm va vào các tàu cá của ta. Ngoài ra, một số tàu cá vỏ sắt có trọng tải trên 300 tấn hoạt động cùng các tàu bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc cũng tham gia ngăn cản hoạt động các tàu của ta.

Về các hoạt động của lực lượng chấp pháp Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, trong ngày các tàu của ta tiếp tục tuyên truyền và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Lúc 7 giờ 10 phút tàu Cảnh sát biển Việt Nam 4032 cơ động tiếp cận cách giàn khoan 981 khoảng cách 6,4 hải lý đã bị 6 tàu Trung Quốc số hiệu 3401, 102, 31101, 32101, 46001, 37011 cơ động và tăng tốc ngăn cản.

 Ảnh minh họa

 Tàu Hải cảnh Trung Quốc truy cản tàu Cảnh sát biển 4032 của Việt Nam, không cho tiếp cận giàn khoa Hải Dương 981. Ảnh: CSB

Lúc 8 giờ 5 phút, 3 tàu Trung Quốc số hiệu 3411, 33006, 242 ra ngăn cản phía trước mũi tàu Cảnh sát biển 8003 của ta, buộc tàu 8003 phải dừng máy, thả trôi và tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Theo quan sát xung quanh của tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8003 vào lúc 9 giờ 20 phút, có 69 tàu Trung Quốc các loại bảo vệ giàn khoan. Trong đó có: 22 tàu Hải cảnh, Hải giám, Hải tuần, Ngư chính; 3 tàu kéo; 6 tàu hàng; 38 tàu cá vỏ sắt.

Trước đó, trong ngày 19/5, Trung Quốc cũng đã duy trì trên 90 chiếc tàu các loại bảo vệ giàn khoan 981 và bố trí các tàu bảo vệ trên nhiều hướng. Trung Quốc bố trí tàu Hải Cảnh số hiệu 2506 thường xuyên theo sát tàu Cảnh sát biển 8001 của ta ở khoảng cách từ 1 đến 2 hải lý.

Trong ngày, có 2 lượt máy bay chiến đấu kiểu JH-7 và máy bay cánh bằng của Trung Quốc số hiệu B-3808 bay nhiều vòng trên các tàu của lực lượng Cảnh sát biển. Đáng chú ý, các tàu cá vỏ sắt Trung Quốc đã cơ động tiến sát nhóm tàu cá vỏ gỗ của các ngư dân Việt Nam và sẵn sàng đâm va vào các tàu cá của ngư dân ta.

Lúc 8h8 phút, ngày 19/5, các tàu Cảnh sát biển đang thực hiện nhiệm vụ tại hướng Tây Nam - Nam Tây Nam của giàn khoan 981 đã bị 3 tàu của Trung Quốc áp sát và sử dụng vòi rồng phun nước vào tàu của ta. Riêng tàu Cảnh sát biển 8003 của ta đã bị 6 tàu của Trung Quốc (mang số hiệu 2112, 46101, 35101, 33102, 3411, 33006) bao vây, ngăn cản và sẵn sàng chủ động đâm va.

Theo lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, mặc dù thời gian hoạt động trên biển dài ngày song các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển luôn xác định làm tốt nhiệm vụ, có ý chí quyết tâm cao, thực hiện đúng đối sách, kiên quyết xua đuổi giàn khoan và các tàu bảo vệ của Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan 981 trái phép trên vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ 1/5 đến nay, các lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển của ta đã bám biển hơn nửa tháng để bảo vệ chủ quyền và thực thi pháp luật Việt Nam. Đồng thời, tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các loại tàu về nước.

Tuy nhiên, hơn nửa tháng qua, nhờ có cả trăm tàu lớn, nhỏ các loại, gồm cả tàu chiến, tàu quân sự và máy bay bảo vệ cho nên bất chấp việc bị Việt Nam và nhiều nước trên thế giới phản đối, Trung Quốc vẫn ngang ngược đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc