Máy chủ hộp đen đường bộ 'tố' hàng chục nghìn lượt xe vận tải vi phạm

10:49, 08/04/2014
|

(VnMedia) - Sau 1 tháng đưa máy chủ vào hoạt động, Trung tâm giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đã "soi" được hơn 12.700 phương tiện vi phạm về tốc độ, chiếm tỷ lệ 31,2%…

>>Phanh phui hàng loạt đơn vị lắp hộp đen sai phạm

>>Rúng động những tai nạn chết hàng chục người

>>Doanh nghiệp nhỏ chưa nghiêm túc lắp hộp đen
 
Như VnMedia đã đưa tin, trước ngày 1/7/2012 là hạn chót cho các phương tiện thuộc diện quản lý phải lắp hộp đen giám sát hành trình (GPRS). Việc lắp hộp đen nhằm giúp doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước quản lý tốt hơn hoạt động của các lái xe chạy trên đường, giảm tai nạn giao thông.

Theo thống kê, sau gần 2 năm tích cực vận động các doanh nghiệp lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hiện toàn quốc đã có gần 50.000 phương tiện trong diện bắt buộc đã lắp đặt thiết bị hộp đen và chính thức chịu sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.

Để sử dụng tốt hơn thiết bị giám sát hành trình này, theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, từ ngày 1/3 vừa qua, dữ liệu của toàn bộ hộp đen do các đơn vị vận tải lắp đặt trên các phương tiện bao gồm toàn bộ các ôtô chở khách chạy tuyến cố định, xe chở khách theo hợp đồng, xe du lịch, xe buýt, xe chở container đều phải truyền liên tục về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để đơn vị này giám sát, quản lý. Tuy nhiên, hiện còn 8.000 phương tiện chưa truyền tín hiệu hộp đen về cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý.

Sau 1 tháng đưa máy chủ vào hoạt động, ngày 7/4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hệ thống này đã "soi" được hơn 12.700 phương tiện vi phạm về tốc độ (chiếm tỷ lệ 31,2%), với tổng số lần vi phạm lên tới 506.111 lần trong tổng số phương tiện bắt buộc phải truyền thông tin từ dữ liệu hộp đen về đơn vị này.

 Ảnh minh họa

Đoàn kiểm tra Thanh tra Bộ Giao thông vận tải kiểm tra tình hình lắp hộp đen tại TPHCM. Ảnh: Vạn Xuân

Đáng chú ý, 10 địa phương có số lần vi phạm tốc độ nhiều nhất lần lượt là Thành phố Hồ Chí Minh (xấp xỉ 221.954 lần), Hà Nội (trên 37.000 lần), Đà Nẵng (trên 24.600 lần), Bình Thuận (gần 17.000 lần ), Lâm Đồng (trên 14.000 lần), Bình Dương (gần 13.000 lần), Vĩnh Long (gần 11.000 lần), Bà Rịa-Vũng Tàu (gần 10.000 lần), Đồng Nai (gần 10.000 lần), Trà Vinh (gần 9.000 lần).

Đặc biệt qua giám sát thiết bị giám sát hành trình, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phát hiện hơn 8.300 lần lái xe vi phạm chạy liên tục quá 4 giờ; trong đó 10 địa phương có số lượng vi phạm cao nhất là Thành phố Hồ Chí Minh (1.729 lần), Hải Phòng (1010 lần), Hà Nội  (690 lần), Đà Nẵng (322 lần), Gia Lai (316 lần), Bình Thuận (246 lần), Lâm Đồng (234 lần), Khánh Hòa (231 lần), Tiền Giang (211 lần), Hải Dương (207 lần).

Đặc biệt, có tới gần 2.300 lần vi phạm về thời gian làm việc của lái xe liên tục quá 10 giờ trong ngày, trong đó, địa phương có số lượng vi phạm cao nhất là Thành phố Hồ Chí Minh (423 lần) và Hà Nội (293 lần).

Sẽ rút giấy phép tài xế vi phạm nhiều lần

Trước tình trạng trên, nhằm chấn chỉnh hoạt động của các phương tiện và đơn vị vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đã gửi số liệu vi phạm về các địa phương và đề nghị rút giấy phép lái xe với các trường hợp tài xế vi phạm nhiều lần, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an tiến hành xử lý vi phạm thông qua dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình để răn đe.

“Tổng cục đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố tiếp tục đôn đốc các đơn vị vận tải trên địa bàn thực hiện nghiêm việc truyền dữ liệu về trung tâm giám sát hành trình. Sau ngày 1/5, nếu đơn vị nào chưa thực hiện sẽ bị xử lý theo quy định,” ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện để tăng cường kiểm soát với các phương tiện chưa nằm trong diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, Bộ Giao thông vận tải đang chủ trì soạn thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 91 và 93 về điều kiện kinh doanh vận tải, trong đó có quy định sẽ yêu cầu thêm các đối tượng ôtô phải lắp đặt thiết bị hộp đen như xe tải chở hàng từ 10 tấn trở lên.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc