Hà Nội, vẻ đẹp ẩn sau sự hỗn loạn

07:40, 24/03/2014
|

(VnMedia) - “Tôi đã yêu Hà Nội ngay từ lần đầu gặp gỡ, vào tháng Mười năm 1998, và đến giờ, tình yêu đó vẫn chưa hề nhạt phai. Như một phần công việc ở Ngân hàng Thế giới, tôi đã hỗ trợ và cộng tác với chính phủ của rất nhiều nước đang phát triển. Nhưng chưa bao giờ tôi có ý định sống cố định ở một nơi nào, trừ Việt Nam”...

“Hình ảnh đầu tiên về Hà Nội, đối với hầu hết du khách nước ngoài, là sự hỗn loạn. Cực kỳ hỗn loạn.
 
Như một dòng sông cuộn chảy, hàng nghìn xe máy lấp kín những con phố (đôi khi tràn lên cả vỉa hè) và dường như chẳng thèm quan tâm đến đèn tín hiệu hay quy tắc an toàn giao thông. Những chiếc xe máy tuy nhỏ bé cả về kích cỡ và sức mạnh động cơ, nhưng dường như không gì có thể ngăn cản được chúng. Ngay cả những cái tên như Thiên Thần (Angel), Kỳ Diệu (Magic)… nếu không làm người ta liên tưởng đến hành trình đi tới thiên đàng thì cũng khiến người ta nghĩ rằng chúng không liên quan gì đến luật lệ của con người. Động lực đằng sau câu nói “Tôi có một ước mơ - I have a dream” rõ ràng không phải là mơ ước thay đổi thế giới mà là cán bẹp cả thế giới…
 
Hè phố trông cũng không có vẻ gì an toàn hơn. Ngoài việc là một bãi đỗ xe ngẫu hứng cho hàng ngàn xe máy và ô tô, đó còn là nơi diễn ra vô số những sinh hoạt mà ở nơi khác người ta chỉ thực hiện trong nhà. Nấu nướng, và trên hết là ăn uống. Giữa mù mịt khói xe và bụi đường, khó mà tin được rằng có quầy thức ăn đường phố nào có thể vượt qua được cuộc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Người ta rửa hàng trăm chén bát ly cốc trong cùng một xô nước, chỉ riêng việc đó cũng đủ làm vô khối người nước ngoài khiếp sợ. Và đấy là còn chưa kể đến việc những người hàng xóm đang ngồi tỉ mỉ nhổ tóc cho nhau, chỉ cách cái hàng ăn đó vài mét…
 
Và đây sẽ là những thứ mà người ta nhìn thấy khi ai đó cố công để ngắm được những tòa nhà. Thường thì tất cả mọi thứ hai bên đường đều đã bị những tấm biển quảng cáo bằng nhựa và một khối lượng khổng lồ dây điện che đi hết…
 
Tuy nhiên, khách nước ngoài rồi cũng sẽ nhanh chóng nhận ra rằng sự hỗn loạn đó vẫn đang được điều khiển bằng những luật lệ rất tinh tế, những quy tắc không thành văn nhưng đều được mọi người ngầm hiểu. Và khi người ta đã nắm được cái quy tắc đó, mọi chuyện sẽ trở nên dễ hiểu hơn….
 
…Đúng vậy, giao thông ở đây là một mớ hỗn độn. Nhưng nó giống như một dòng sông, nhẹ nhàng chảy và luồn lách qua các chướng ngại vật. Người đi bộ muốn băng qua đường chỉ cần hòa mình vào cái dòng chảy ấy, và bước đi, chậm mà dứt khoát. Những chiếc xe máy khi đó sẽ biết cách điều chỉnh biên độ và sẽ đi xung quanh bạn, cả trước mặt và sau lưng, sát rạt, chỉ cách vài centimet. Hiệu ứng này còn đáng kinh ngạc hơn khi ở các ngã tư, nơi mà từng hạm đội xe máy chạy cắt chéo nhau mà không hề gây tai nạn, với khả năng làm chủ động tác tinh tế như trong các động tác ba lê của các kỵ sĩ thành Vienna…
 
…Quan sát những vũ điệu chuyển động đầy ngẫu hứng bằng xe máy của người Hà Nội, người ta buộc phải ngả mũ trước khả năng phân tích tài tình của những tay xế, để giữa hàng chục làn chuyển động khác nhau, họ vẫn có thể tìm cho mình một kẽ nhỏ nào đó để vượt lên mà không gây tai nạn (trong khi, điều này bạn cần nhớ, một tay họ vẫn không ngừng nhắn tin bằng điện thoại di động…)…”

Ảnh minh họa

Một trang trong cuốn "Hà Nội, một chốn rong chơi"

 
Trên đây là những trích đoạn trong chương “hỗn loạn” – một chương trong cuốn sách có tựa đề “Hà Nội, một chốn rong chơi” của tác giả Martin Rama, cựu Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
 
Tôi đã yêu Hà Nội ngay từ lần đầu gặp gỡ, vào tháng Mười năm 1998, và đến giờ, tình yêu đó vẫn chưa hề nhạt phai. Như một phần công việc ở Ngân hàng Thế giới, tôi đã hỗ trợ và cộng tác với chính phủ của rất nhiều nước đang phát triển. Nhưng chưa bao giờ tôi có ý định sống cố định ở một nơi nào, trừ Việt Nam” – Martin Rama nói và tiết lộ, cuốn sách này là “sản phẩm của tình yêu” đó.
 
Tác giả cho biết, trong 8 năm kể từ 2002, ông đã dạo chơi khắp các ngõ ngách của thành phố, chụp hàng nghìn bức ảnh, đọc tất cả những gì người ta viết về thành phố, “với một hy vọng (hơi kỳ quặc) rằng mình có thể biết và hiểu thành phố nhiều hơn, hơn cả những người đã đến trước tôi, và cả những kẻ sẽ đến sau tôi.”
 
Thật vậy, đọc cuốn sách, người ta hẳn sẽ vô cùng ngạc nhiên và thú vị trước sự hiểu biết hết sức tinh tế và sâu sắc, trước tình yêu vừa thăng hoa vừa thực tế đối với Thành phố mà tác giả, một người nước ngoài, một chuyên gia kinh tế yêu mến gọi là “nàng”.
 
“Người ta có thể học được nhiều điều từ cái cách mà Martin Rama yêu Hà Nội. Ông yêu những cái đẹp của “nàng”, nhưng vẫn sáng suốt để nhìn thấy cái xấu. Điều đặc biệt là ông không ngồi đó than vãn, chê bai cái xấu hoặc buông xuôi chấp nhận mà bình tĩnh, kiên trì một cách tích cực nhằm góp phần tìm ra giải  pháp giữ gìn cái đẹp và ngăn chặn, đẩy lùi cái xấu.” – Hoàng Thanh Hà, một cán bộ đang công tác tại tổ chức Bird Life và là một đồng nghiệp cũ của tác giả tại Ngân hàng Thế giới nói về cuốn sách.

Nhận xét đó không phải không có lý khi chính những người Hà Nội đang cảm thấy nản lòng mỗi khi một ngôi biệt thự ngã xuống nhường chỗ cho một tòa nhà cao tầng, trong khi mỗi người ông gặp để trình bày ý tưởng của mình, rằng sẽ có một cách trung gian giữa đơn thuần cải tạo và đơn thuần đầu tư xây mới nhằm giúp phát triển đô thị mà vẫn giữ được mức độ sống động của mình đều lắc đầu cho rằng đó chỉ là một giấc mơ đẹp, thì vị chuyên gia kinh tế người Uruguay lại “ương bướng” nói: “Tôi hi vọng rằng sự kết hợp giữa công việc của một nhà kinh tế học với tình yêu Hà Nội sẽ là nền tảng vững chắc giúp tôi thử làm gì đó với những suy nghĩ này.”

Nhận thấy trong sự hỗn loạn, trong cái ồn ào, trong bầu không khí ô nhiễm… vẫn có những thứ ẩn sâu bên trong, những tiềm năng để Hà Nội có thể trở thành một đô thị tốt nhất Đông Nam Á, Martin Rama cho biết ông đang ấp ủ một dự định mới dài hạn cho Hà Nội, và “coi nó như lời thổ lộ tình yêu tiếp theo dành cho nàng”, sau cuốn “Hà Nội, một chốn rong chơi”, sẽ được chính thức phát hành vào một ngày gần đây.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc