Bộ Công thương “trả nợ” câu hỏi về thủy điện

07:44, 09/12/2013
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là người nhận được khá nhiều câu hỏi chất vấn về thủy điện tại kỳ họp Quốc hội vừa qua mặc dù ông vắng mặt do đi công tác. Hôm qua (8/12), Bộ trưởng đã trả lời những câu hỏi này trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời…


>>Bộ Công Thương "nợ" nhiều câu hỏi
>>Thủy điện xả lũ: nỗi kinh hoàng của người dân
>>Thủy điện xả lũ: Đại biểu Quốc hội đồng loạt lên tiến
 

Sau những nghi ngờ về một số nhà máy thủy điện ở miền Trung và Tây nguyên đã đồng loạt xả lũ gây ra ngập lụt lớn cho vùng hạ du, nhiều cử tri, đại biểu Quốc hội đã gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.

 

Tuy nhiên, đúng vào phiên chất vấn Quốc hội thì Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã đi công tác nước ngoài nên không thể đăng đàn trả lời. Dù vậy, tại phiên chất vấn, nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra, trong đó nhiều nhất là những câu hỏi về quy trình xả lũ khiến “lũ chồng lũ”, gây nên nhiều thiệt hại về tài sản và những cái chết thương tâm của người dân vùng hạ du. Đặc biệt, một số đại biểu đã đặt vấn đề về việc xử lý hình sự những người liên quan.

 

Ví dụ, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) hỏi: Dư luận cho rằng lũ chồng lũ do nguyên nhân từ xả nước không đúng quy định của các hồ chứa thủy điện. Vậy tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Công Thương chỗ này như thế nào?” và “Nếu anh nào không làm thì phải xử lý trách nhiệm, truy cứu trách nhiệm hình sự rất nặng về tội cố ý làm trái hoặc tội thiếu trách nhiệm hình sự. Không thể vì lợi ích nhỏ mà hy sinh lợi ích lớn của nhân dân vùng hạ du như vậy”.

 

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thì hỏi “vì sao đến nay chưa có chính sách dành cho đồng bào nghèo tái định cư thủy điện” “đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội”…


Đại biểu Huỳnh Minh Thiện rất thẳng thắn: Việc xảy ra lũ lụt ở miền Trung, Tây Nguyên vừa qua rõ ràng là hậu quả tất yếu của việc buông lỏng, dễ dãi trong quản lý từ đầu tư, quy hoạch, xây dựng đến vận hành khai thác đối với thủy điện nhỏ, dẫn đến việc thủy điện xả lũ khi có lũ, gây thiệt hại lớn cho người dân. Vậy ai chịu trách nhiệm đây khi mà người dân trắng tay trong một đêm. Những tài sản đó là sự tích lũy của họ trong hàng mấy chục năm, thậm chí hàng mấy đời. Việc này Chính phủ phải làm rõ trách nhiệm, mà trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ Công Thương...

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng


Trở về sau chuyến công tác, trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” tối 8/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trực tiếp giải đáp vấn đề này.


- Thưa Bộ trưởng, người dân hiểu rằng thủy điện tích trữ đủ nước để phát điện là cần thiết. Nhưng làm thủy điện mà gây tác hại cho môi trường, xả lũ sai quy trình, gây ngập lụt lớn cho vùng hạ du... ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Vì vậy, người dân đặt câu hỏi là "chúng ta có nên tiếp tục làm thủy điện hay không", thưa Bộ trưởng?


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng:
Trong các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại các kỳ họp gần đây, đã phân tích rõ thực trạng của thủy điện. Quốc hội cũng thảo luận rất kỹ về nội dung này.


Trên tinh thần đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 62, ngày 27/11, ghi nhận những đóng góp, hiệu quả tích cực của thủy điện đối với thực hiện chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế xã hội, cắt giảm lũ vào mùa mưa, góp phần cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân ở hạ du.


Quốc hội cũng nêu ra những bất cập, hạn chế, tiêu cực của quá trình này. Theo tôi, chúng ta phải kiên quyết tìm nguyên nhân và có giải pháp căn cơ hơn để có thể khắc phục cơ bản những thiếu sót, tồn tại trong quá trình phát triển thủy điện.


- Là cơ quan chịu trách nhiệm quy hoạch về thủy điện, xin Bộ trưởng cho biết làm thế nào để giảm thiểu thiệt hại, tác dụng phụ của thủy điện, cụ thể là những quy hoạch để các hồ chứa vận hành đồng bộ với nhau, tránh ảnh hưởng tới vùng hạ du?

 

Chúng tôi cho rằng bằng các biện pháp thực tế, khắc phục triệt để những tác động xấu của thủy điện sẽ làm người dân hiểu và đồng tình với chủ trương phát triển thủy điện.


Chính phủ cũng đã bàn bạc kỹ về nội dung này và thống nhất ban hành Nghị quyết chuyên đề về thủy điện, thắt chặt quản lý Nhà nước trong quy hoạch thủy điện, tập trung vào một đầu mối; xem xét lại cơ chế phân cấp ủy quyền đối với các dự án thủy điện, rà soát lại quy chế vận hành các hồ chứa, nếu thiếu thì phải ban hành; kiên quyết yêu cầu trồng bù diện tích rừng bị thu hồi và xử lý nghiêm sai phạm.


Trên tinh thần đó, Chính phủ đã phân công về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thủy điện cho các bộ, ngành, địa phương. Đối với Bộ Công Thương, là cơ quan tổng hợp chịu trách nhiệm về quy hoạch thủy điện, phối hợp với các địa phương, chủ đầu tư trong toàn bộ quá trình thực hiện các dự án thủy điện.


- Một băn khoăn rất lớn của người dân là có những nghi ngờ nhiều nhà máy thủy điện xả lũ cùng lúc và gây ra lũ chồng lũ, ảnh hưởng lớn đến vùng hạ du. Người ta có thể cho rằng đó là do chưa có một quy trình vận hành hồ, đập thủy điện. Xin Bộ trưởng cho biết lộ trình ban hành các quy trình vận hành liên hồ được thực hiện như thế nào?


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Nghị quyết 62 của Quốc hội đã yêu cầu trong năm 2014 phấn đấu ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện, còn trong chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu cụ thể hơn.


Đó là đối với liên hồ chứa chưa có quy trình vận hành về mùa mưa phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2014. Đối với quy trình vận hành liên hồ chứa đã có nhưng vừa qua thấy rằng có những yếu tố không phù hợp với thực tế thì phải rà soát, chỉnh sửa để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế bổ sung. Riêng đối với quy chế vận hành liên hồ chứa trong mùa khô thì phải phấn đấu cao để sớm ban hành quy trình này.


Hiện nay, trong số 11 hệ thống liên hồ chứa, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 5 quy trình, còn lại 6 quy trình phấn đấu sẽ xây dựng và trình Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2014.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc