Hà Nội xin Thủ tướng cơ chế "siết" xe cá nhân

07:39, 12/09/2013
|

(VnMedia) - UBND Thành phố Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ một số phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh...

 

Xóa được 67 điểm ùn tắc

 

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP ngày 31/7/2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội, bộ mặt giao thông Hà Nội đã có nhiều thay đổi tích cực.

 

Theo UBND Thành phố, bằng nhiều giải pháp, được sự phối hợp của các Bộ, ngành, đến nay, số điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc đã giảm từ 124 xuống còn 57 điểm (giảm 67 điểm). Trong khi đó, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn hàng năm đều giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm trước.

 

Thành phố cũng đánh giá, nhờ sự tuyên truyền đồng bộ, thường xuyên nên đã tạo ra sự chuyển biến về ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Biểu hiện rõ nét nhất là đại đa số người tham gia giao thông đã chấp hành đội mũ bảo hiểm khi điều khiển, ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy và tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông…

 

Tuy nhiên, lãnh đạo Thành phố cũng thừa nhận, công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đã được cải thiện nhưng vẫn còn chưa triệt để và bền vững.

 

Việc đầu tư phát triển hạ tầng còn chậm do công tác GPMB gặp nhiều khó khăn; thu hút vốn đầu tư đối với các dự án giao thông thực hiện theo hình thức BT, các dự án bãi đỗ xe cao tầng chưa đạt hiệu quả cao.

 

Một hạn chế nữa được lãnh đạo Thành phố đưa ra là sự gia tăng phương tiện cá nhân tham gia giao thông quá nhanh và đa dạng về chủng loại, trong đó, việc xây dựng chung cư cao tầng mật độ trong đô thị còn lớn, mất cân đối giữa quy mô phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, việc di dời các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện… ra các khu quy hoạch của Thành phố còn chậm.

 

Ngoài ra, Thành phố cũng thừa nhận sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông chưa đồng bộ, quyết liệt; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông còn chưa được duy trì thường xuyên...


 Ảnh minh họa

UBND Thành phố Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ một số phương tiện giao thông cá nhân

 

Tiến tới loại bỏ một số phương tiện cá nhân

 

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi, trong thời gian tới, Thành phố đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện tình hình giao thông ở Thủ đô, trong đó có một số nhiệm vụ cụ thể như: Hoàn thành các tuyến Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3 và xây dựng đoạn qua Hà Nội của đường Vành đai 4 cùng các cầu qua Sông Hồng, Sông Đuống nhằm giải quyết nhu cầu giao thông liên tỉnh, giao thông đối ngoại; Hoàn thành việc cải tạo, mở rộng các Quốc lộ hướng tâm theo quy hoạch như QL1A, QL6, QL3, trục Tây Thăng Long, trục phát triển kinh tế Bắc – Nam…), Vành đai 2,5; vành đai 3,5; tuyến đường 70 (Văn Điển – Nhổn), đường gom phía Đông đường Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ; trục đê Hữu Hồng; trục Nguyễn Tam Trinh – Kim Ngưu – Lò Đúc…; Xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp các tuyến đường Tỉnh lộ, huyện lộ theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; tiếp tục xây dựng một số nút giao thông khác mức trong nội đô để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trong một vài năm tới.

 

Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ tăng cường đầu tư và quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng các bến, bãi đỗ xe để phục vụ nhu cầu giao thông tĩnh.

 

Một trong những giải pháp được Thành phố đặc biệt chú trọng là tập trung phát triển cho giao thông nông thôn và mạng lưới xe buýt về các huyện, xã nhằm tạo điều nên sự thuận lợi trong đi lại để góp phần điều tiết và giãn dân cho khu vực nội thành, giảm áp lực cho giao thông.

 

Về phát triển vận tải công cộng, Thành phố sẽ tập trung hiện đại hóa hệ thống xe buýt hiện tại, phát triển và mở rộng các tuyến bút mới về các quận, huyện xa trung tâm Thành phố, các khu công nghiệp, các khu đông dân cư. Về lâu dài, sẽ xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, trong đó tập trung xây dựng và đưa vào khai thác tuyến xe buýt nhanh đoạn Kim Mã – Hà Đông trước năm 2006 và 4 tuyến đường sắt đô thị trước năm 2020 (gồm tuýen Nhổn – Ga Hà Nội; Cát Linh – Hà Đông; Nam Thăng Long – Thượng Đình; Yên Viên – Ngọc Hồi). Thành phố coi đây là một mục tiêu chiến lược quan trọng trong kế hoạch phát triển hạ tầng GTVT Thành phố và từng bước triển khai các kế hoạch xây dựng các ga trung chuyển, kết nối các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không.

 

Đặc biệt, Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ một số phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; cho phép UBND Thành phố nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thu khoản đóng góp hạ tầng của chủ đầu tư các dự án công trình sử dụng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật chung của Thành phố để tạo nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông tĩnh, phát triển vận tải hành khách công cộng với chất lượng dịch vụ cao.

 

Theo UBND Thành phố Hà Nội, trên cơ sở quy hoạch, chiến lược giao thông vận tải được duyệt, những năm qua, Hà Nội đã tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới đường giao thông. Thành phố đã và đang triển khai xây dựng các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành dai 3 và nghiên cứu triển khai một phần đường vành đai 4; các tuyến quốc lộ và trục đường hướng tâm (Quốc lộ 32, Quốc lộ 1, Quốc lộ 3, Quốc lộ 5, Quốc lộ 6, đường Hà Nội – Lào Cai, cầu Nhật Tân, Trục Tây Thăng Long… v.v..); một số tuyến đường đô thị kết nối trong nội đô, đường tỉnh lộ quan trọng trên địa bàn các quận, huyện như đường Cát Linh – La Thành – Láng, đường Núi Trúc – Sơn tây, đường 429B, đường tỉnh lộ 413….

 

Sau 5 năm, Hà Nội cũng đã đầu tư hoàn thành các tuyến đường với chiều dài khoảng 372km, tăng 2,3%, nâng tỷ lệ đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị từ 7% (năm 2008) lên 8,15% (năm 2013).

 

Thành phố cũng triển khai xây dựng các cầu vượt sông như cầu Dông Trù (thuộc dự án đwòng 5 kéo dài), cầu Nhật Tân, cầu Phù Đổng 2, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Vĩnh Tuy…; các cầu vượt sông trên địa bàn các huyện, thị xã trước thời điểm hợp nhất còn thiếu so với nhu cầu và thường phải gánh chịu một lưu lượng giao thông gấp nhiều lần so với năng lực thiết kế, đến nay đã từng bước được xây dựng và đưa vào sử dụng như cầu Yến Vĩ, cầu Tó, cầu Am, cầu Sơn Đồng, cầu Văng, cầu Đồng Dài, cầu Phùng Xá, cầu Trôi..

 

Thành phố đã và đang triển khai, đưa vào sử dụng 7 cầu vượt kết cấu thép lắp ghép kết hợp với hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại các nút giao thông có mật độ giao thông cao, làm thay đổi đáng kể tình hình giao thông thủ đô.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc