Hôm nay, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh

08:06, 10/06/2013
|

(VnMedia) - Theo chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13, hôm nay Quốc hội sẽ dành cả ngày để làm công tác lấy phiếu tín nhiệm.

 

Theo đó, đầu giờ sáng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo tại hội trường một số vấn đề về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

 

Ngay sau đó, Quốc hội sẽ biểu quyết danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

 

Thời gian còn lại, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm.

 

16 giờ chiều, Quốc hội sẽ họp phiên toàn thể tại hội trường. Tại đây, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở Đoàn và báo cáo về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm.

 

Sau đó, Quốc hội sẽ bầu Ban kiểm phiếu và tiến hành tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

 

Tằng cường quyền lực của các đại biểu Quốc hội

 

Lấy phiếu tín nhiệm là vấn đề được các đại biểu và dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm. Về vấn đề này, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Hiến pháp và Quốc hội đã quy định việc bỏ phiếu tín nhiệm với thủ tục là, nếu có 100 đại biểu (khoảng 20%) đại biểu đề nghị thì sẽ bỏ phiếu tín nhiệm.

 

“Thủ tục như vậy, rất chặt và Hiến pháp có quy định nhưng chưa bao giờ thực hiện. Đây là lần đầu tiên sau Nghị quyết Trung ương 4 chúng ta mới thực hiện. Quyết định này xác lập một chế độ trách nhiệm trước Quốc hội rất rõ và quyền lực của các đại biểu được tăng cường. Trong hệ thống của chúng ta, nếu quyền lực của các đại biểu Quốc hội được tăng cường thì rất tốt cho nền dân chủ vì chỉ có các đại biểu Quốc hội mới là người chịu trách nhiệm trước dân” – ông Nguyễn Sĩ Dũng nói.

 

Bên lề các phiên họp Quốc hội gần đây, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã bày tỏ suy nghĩ của mình về việc lấy phiếu tín nhiệm lần này.

 

Đại biểu Thạch Dư (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh):

Việc lấy phiếu tín nhiệm, trong Hiến pháp đã đưa ra từ lâu rồi nhưng trong thể chế hóa, tức là trong những quy định vẫn chưa đặt ra. Lần này, tôi cảm thấy đây là một điều tất yếu để đánh giá những người được Quốc hội cũng như được Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và để cho những người đang ở vị trí này có trách nhiệm hơn nữa, có sự cống hiến trong công việc cũng như trong việc quản lý điều hành để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình.

 

Trong việc lấy phiếu cần có nghiên cứu đánh giá thật kỹ, theo mỗi chức đã quy định chứ không phải làm một cách phiến diện. Cũng phải có sự thảo luận, suy nghĩ, bàn bạc trong việc bỏ phiếu để làm sao mà chúng ta thực hiện đúng theo quy định. Việc lấy và bỏ phiếu tin nhiệm có khi cũng hết sức nhạy cảm, đòi hỏi các đại biểu phải thực hiện đúng theo quy định.

 

Khi bỏ phiếu cũng phải có cân nhắc, phải đánh giá, theo dõi thật kỹ. Mỗi bộ trưởng đều khác nhau và hoàn cảnh tác động đến công việc của mỗi Bộ trưởng cũng khác nhau. Có những Bộ trưởng, công việc đi vào bài bản không phải phức tạp lắm. Có những Bộ trưởng phải đắn đo, suy nghĩ, phải nghiên cứu tổ chức thực hiện rất nhiều vấn đề, thậm chí là phải học hỏi trong quá trình đúc kết kinh nghiệm. Cho nên phải xem xét giữa Bộ trưởng này với Bộ trưởng kia để có cân nhắc trong việc bỏ phiếu, làm sao mà đảm bảo dân chủ, khách quan và tính chính xác.

 Ảnh minh họa

 Đại biểu Lê Như Tiến

 

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị):

 

Đây là một việc làm rất ý nghĩa, đề cao trách nhiệm của những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của các vị Đại biểu Quốc hội, làm sao bỏ lá phiếu được nhân dân tin cậy gửi gắm thì phải bỏ chuẩn xác, trung thực và phản ánh được đúng thực chất là lấy phiếu tín nhiệm.

 

Đai biểu Quốc hội không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm mà có rất nhiều kênh để tìm hiểu những người mà mình bỏ phiếu, như cử tri nơi các vị ấy cư trú, công tác, dư luận xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng, ý kiến của những chuyên gia trong lĩnh vực đó đánh giá thế nào và hiệu quả công việc trong thời gian vừa qua...

 

Đại biểu Quốc hội sẽ phải tự mình quyết đoán, phải biết được như thế nào là đúng là sai để cân nhắc trước khi mình bỏ lá phiếu, bởi vì việc lấy phiếu tín nhiệm lần này là rất quan trọng đối với việc đánh giá con người, đặc biệt là đối với những cán bộ cao cấp ở các lĩnh vực, các cương vị công tác trọng trách.

 

Bên cạnh việc cẩn trọng nhưng bản thân người đại biểu Quốc hội phải tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trước lá phiếu của mình. Lấy phiếu tín nhiệm chính là thước đo trách nhiệm cá nhân không chỉ đối với 47 vị được lấy phiếu tín nhiệm đợt này mà chính là thước đo trách nhiệm cá nhân của từng vị đại biểu trước cử tri, trước nhân dân.

 

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau):


 Ảnh minh họa

 Đại biểu Trương Minh Hoàng

 

Thực tế, để đánh giá tín nhiệm là tương đối khó. Trước hết mình phải tập trung cân nhắc, tôn trọng báo cáo nhận xét của các thành viên gửi đến cho đại biểu. Cần phải theo dõi chặt chẽ hơn các phương tiện, các kênh hoạt động của từng vị. Bản thân tôi khi bỏ phiếu tín nhiệm lần này cũng thấy rất khó. Nếu đánh giá không chính xác thì ít nhiều ảnh hưởng đến việc điều hành hoạt động. Tôi cho rằng đại đa số là đạt yêu cầu, tuy nhiên cũng có những vị trí ở góc độ này, góc độ kia chúng tôi cũng có một số cân nhắc.

 

Các vị Bộ trưởng có quyết tâm chính trị rất cao nhưng kết quả đạt được về tổng thể vẫn chưa thật sự hài lòng. Có những việc đáng lẽ ra mình phải làm tốt hơn nhưng điều phối lại chậm trễ.

 

Nếu như kết quả mà tất cả 100% đều đạt tín nhiệm hết thì trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội mà nhân dân tín nhiệm bầu ra là làm chưa tròn trách nhiệm. Bởi người dân chắc chắn họ không đánh giá các vị này đạt 100% tín nhiệm.

Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc:

 Ảnh minh họa

 Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc


Tôi vừa là đối tượng lấy phiếu, vừa chính là người bỏ phiếu cho nên phải hết sức suy nghĩ. Mình là người đại diện cho dân, đã qua tiếp xúc cử tri, qua đọc các báo cáo giám sát, qua thảo luận trên hội trường, qua thực tiễn kinh tế - xã hội vừa qua thì phải suy nghĩ xem ngành gì, lĩnh vực gì mà các đồng chí tư lệnh hoàn thành tốt để cầm lá phiếu bỏ cho chính xác.

Để đánh giá một người lãnh đạo, tiêu chí đầu tiên cũng là hoàn thành nhiệm vụ do Đảng và nhân dân giao cho. Tiếp đó là phẩm chất đạo đức. Hai cái đó phải đi song song với nhau. Anh là tư lệnh, là lãnh đạo của một ngành, anh phải hoàn thành nhiệm vụ của mình trước tiên.


Tuệ Khanh - (ghi)

Ý kiến bạn đọc