Bộ trưởng Giao thông báo cáo về “thuế đường”

06:57, 07/06/2013
|

(VnMedia) - Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa có báo cáo tình hình quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ gửi các đại biểu Quốc hội. Đến nay Quỹ đã thu được hơn 1.600 tỷ đồng...


 Ảnh minh họa

 5 tháng, đã thu được hơn 1.600 tỷ đồng thuế đường

 

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, đối với quỹ Trung ương (hoạt động từ ngày 1/1/2013), kết quả thực hiện thu đến ngày 15/5/2013 được 1.666 tỷ đồng (đạt 41,65% dự toán giao cả năm); ngân sách nhà nước đã cấp cho Quỹ là 375 tỷ đồng (đạt 25% dự toán cả năm).

 

Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, kết quả giải ngân đến ngày 15/5/2013 được 1.266,6 tỷ đồng, bao gồm chi cho sửa chữa thường xuyên (599,6 tỷ đồng), cấp sửa chữa định kỳ (667 tỷ đồng).

 

Trong khi đó, theo báo cáo của các địa phương, đến nay đã có 25 tỉnh thành lập Quỹ, 10 tỉnh đã phê duyệt danh sách Hội đồng quản lý Quỹ, 17 tỉnh ban hành mức thu xe mô tô và 02 tỉnh đã mở tài khoản Quỹ địa phương để tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ Quỹ Trung ương.

 

Theo báo cáo của người đứng đầu ngành giao thông, việc triển khai Quỹ bảo trì đường bộ nhìn chung là thuận lợi. Công tác thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện là xe ô tô, về cơ bản đến nay đã được các chủ phương tiện chấp hành tốt, cơ quan thu phí đã tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện tham gia nộp phí.

 

Trong quá trình triển khai thực hiện có phát sinh một số vướng mắc, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải đã xử lý kịp thời các vướng mắc, đó là: cho phép nộp phí theo năm dương lịch, cho phép nộp phí theo tháng, không thu đối với xe không đăng ký lưu hành (xe chuyên dùng tại các cảng hàng không, sân bay, bến cảng, hầm mỏ…). Riêng kiến nghị về thu phí đối với xe dùng cho công tác sát hạch, đào tạo lái xe, rơ-moóc, hiện Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục nghiên cứu để sớm sửa đổi Thông tư 197/2012/TT-BTC cho phù hợp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, đến nay, việc triển khai Quỹ bảo trì đường bộ vẫn còn một số tồn tại, như: một số địa phương chậm quyết định và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ địa phương, chậm ban hành mức thu phí cụ thể đối với xe mô tô trong phạm vi khung mức phí quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC. Chính phủ đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương, nghiêm túc khắc phục các tồn tại này.

 

Không có chuyện phí chồng phí

 

Báo cáo của Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, tại thời điểm ngày 31/12/2012, trên hệ thống quốc lộ có 57 trạm thu phí sử dụng đường bộ (trạm thu phí). Thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xóa và dừng thu 19 trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước; dừng thu 1 trạm BOT đã hết thời hạn thu phí theo hợp đồng. Đến nay, trên hệ thống quốc lộ còn 37 trạm thu phí, trong đó, 33 trạm thu phí BOT.

 

Đối với 4 trạm thu phí đã nhượng quyền thu phí cho các doanh nghiệp để lấy tiền đầu tư, sửa chữa đường bộ (trạm Phù Đổng, trạm Hoàng Mai, trạm Bàn Thạch trên Quốc lộ 1 và trạm Bãi Cháy trên Quốc lộ 18), Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành đàm phán với các nhà đầu tư để mua lại.

“Tuy nhiên, do chưa có tiền lệ và quy định cụ thể về việc mua lại quyền thu phí, nên việc đàm phán với các nhà đầu tư cũng cần có thời gian nhất định để đảm bảo sự công bằng và thống nhất với các nhà đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính đang nỗ lực để hoàn thành việc đàm phán với các nhà đầu tư trong năm 2013” - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.

 

Đối với 33 trạm thu phí BOT, việc thu phí sẽ tiếp tục được thực hiện cho đến khi kết thúc hợp đồng BOT.

 

“Việc duy trì trạm thu phí BOT là hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Giao thông đường bộ, vì phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện dùng để chi cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ do ngân sách nhà nước đầu tư. Còn phí sử dụng đường bộ thu trực tiếp tại các trạm BOT dùng để chi cho công tác quản lý, bảo trì và hoàn vốn đầu tư đường bộ do các nhà đầu tư BOT đã đầu tư, do đó, không có hiện tượng phí chồng phí” - Bộ trưởng Giao thông khẳng định.

Theo quy định, mức thu được tính như sau:

Xe ô tô được chia làm 11 loại để quy định mức thu. Mức thu thấp nhất là 130.000 đồng/tháng áp dụng đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi đăng ký tên cá nhân; mức thu cao nhất là 1.040.000 đồng/tháng áp dụng đối với xe tải, xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27.000 kg trở lên.

Xe mô tô được chia làm 2 loại để quy định khung mức thu.

Theo đó, loại 1: từ 50.000 đồng/năm đến 100.000 đồng/năm áp dụng đối với xe mô tô có dung tích xy lanh đến 100 cm3; loại 2: Từ 100.000 đồng/năm đến 150.000 đồng/năm áp dụng đối với xe mô tô có dung tích xy lanh trên 100 cm3.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, quy định mức thu cụ thể trong khung mức thu nêu trên.

Đối với xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xy lanh mức thu là 2.160.000 đồng/năm.

Theo giải trình của Bộ trưởng Đinh La Thăng, số phí thu được sau khi trừ các khoản chi cho công tác tổ chức thu, trả lại cho các trường hợp được hoàn trả sẽ được chuyển vào tài khoản của Quỹ mở tại Kho bạc nhà nước để chi cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ theo quy định.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc