Bàn cách “gỡ luật” cho người đồng tính kết hôn

14:46, 13/05/2013
|

(VnMedia) - Người đồng tính, song tính, chuyển giới có nên kết hôn và nếu kết hôn đồng tính, không có con liệu có hạnh phúc? Vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo để tìm cách "gỡ luật" cho những người đang chịu thiệt thòi này...

>>Tự sự đẫm nước mắt của người mẹ có con là gay

Cuối tuần qua, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo người đồng tính, song tính, chuyển giới “Quy định pháp luật liên quan và quan điểm của cộng đồng”. Tại hội thảo, một trong những nội dung được quan tâm nhiều đó là việc tìm cách tháo “gỡ luật” để cho phép người đồng tính kết hôn.
 
Theo ông Vy Trọng Lệ, Phó Chủ tịch UBND Phú Thọ, người đồng tính là hiện thực khách quan của cuộc sống nên không thể phủ nhận nhóm người này. Hơn nữa, việc con cái bị đồng tính thì không một cha mẹ nào muốn, bản thân người đồng tính cũng không muốn. Vì vậy, chúng ta nên chia sẻ, thông cảm với người đồng tính, song giới bằng cách phải bảo vệ họ.
 
“Việc có nên chấp nhận hôn nhân đồng tính không thì cần phải suy tính thêm vì nếu không có con, liệu cuộc sống có thật sự hạnh phúc?”, ông Vy đặt câu hỏi.
 
Cũng theo ông Phó Chủ tịch UBND Phú Thọ, cần đề nghị nên tổ chức thêm nhiều cuộc hội thảo về người đồng giới hơn để truyền thông sâu rộng hơn về nhóm người này đến cộng đồng.
 
“Hơn ai hết, bản thân người đồng tính, song giới và thân nhân của họ cũng phải là người truyền thông tích cực nhất, không e ngại”, ông Vy nói.
 
Cùng quan điểm, ông Trần Diệu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc cũng cho rằng, đã đến lúc cần đánh giá nghiêm túc về người đồng tính, song tính và chuyển giới. Phải đánh giá trên cơ sở tồn tại thực tế và quyền được bảo vệ.
 
Theo ông Diệu, trong thực tế xã hội hiện nay đang tồn tại sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người đồng tính, song giới, chuyển giới. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này thì pháp luật hiện còn có những quy định chưa phù hợp, như quy định cấm người đồng tính kết hôn.
 
“Quy định này khiến cho người ta hiểu lệch lạc về người đồng tính cho nên những vấn đề nào không hợp lý thì cần phải sửa đổi. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước không thể thực hiện trái luật để đăng ký kết hôn cho người đồng tính được nếu không được luật hoá”, ông Diệu nói.

 Ảnh minh họa

 Liệu kết hôn đồng tính có hạnh phúc nếu không có con?


Đề cập đến người đồng tính, song tính ở địa phương mình, ông Diệu cho biết, ở Vĩnh Phúc đã thông kê đầy đủ số người đồng tính, song giới, có biện pháp theo dõi và hỗ trợ, tạo môi trường sinh hoạt cho nhóm người này. Tuy nhiên, cần phải công khai minh bạch hơn nữa về người đồng tính, nếu không càng làm cho xã hội hiểu không đúng về người đồng tính, song giới.
 
Theo ông Diệu, việc làm tốt công tác tuyên truyền để phản ánh đúng thực tế và quyền của người đồng tính phải được bảo vệ và rà soát xem có sự phân biệt không  để có biện pháp bảo vệ.
 
“Việc sửa Luật Hôn nhân và gia đình để cho phép người đồng tính kết hôn là hết sức bức xúc, cho nên việc có thừa nhận hôn nhân đồng tính hay không phải căn cứ vào nhiều kết quả nghiên cứu cụ thể”, ông Phó Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc nói.
 
Chia sẻ ý kiến tại hội nghị, đại diện Ban pháp chế Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, quyền bình đẳng là của tất cả mọi người. Tuy nhiên, hiện sự kỳ thị trong xã hội ngày nay không chỉ có ở nhóm người đồng tính, song giới, chuyển giới mà ngay với phụ nữ hiện nay vẫn còn đang bị kỳ thị.
 
“Còn việc có nên luật hoá hôn nhân đồng tính hay không thì cần phải có thời gian tuyên truyền. Trên thế giới hiện có 10 nước đưa vào luật về hôn nhân đồng tính”, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh.
 
Kết hôn đồng tính vẫn có thể có con?
 
Phản biện lại quan điểm trên, một đại diện của người đồng tính tên Lương Thế Huy đặt câu hỏi, tại sao bây giờ mới nghe đến người đồng tính và 20 năm trước không hề có? Vấn đề ở chỗ khi xã hội cởi mở hơn, đáng tin hơn thì người đồng tính mới dám công khai.
 
“Cách duy nhất để biết có bao nhiêu cặp đồng tính đang sinh sống với nhau là hợp pháp hoá để đi đăng ký”, anh Huy cho biết.
 
Theo anh Huy, người đồng tính hoàn toàn có thể có con, chỉ khác là phải có biện pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, việc công khai người đồng tính là khó khăn chung của rất nhiều người vì nó gắn với những cái xấu.
 
Anh Huy cũng cho rằng, trong giới đồng tính chưa bao giờ được Luật Hôn nhân và gia đình nhắc tới nhiều như hiện nay. “Không phải thông qua cho phép người đồng tính kết hôn là thắng lợi mà còn phải có Luật Chống phân biệt và kỳ thị người đồng tính nữa”, Huy lên tiếng
 
Theo anh Huy, trong sự bị phân biệt đối xử thì hiện người chuyển giới đứng đầu bảng. Hiện người chuyển giới không có chứng minh thư nhân dân cho nên sống không đúng thực với mình. Đây là sự kỳ thị lớn nhất mà xã hội dành cho người đồng tính.
 
“Việc hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính không làm hại cho ai thì nên làm vì mang lại hạnh phúc cho người khác”, Huy nói.
 
Tham dự hội nghị, một nữ đại biểu đại diện Sở Tư pháp Hoà Bình cho biết, trước đây khi biểu quyết thông qua Luật Hôn nhân gia đình cho phép người đồng tính kết hôn, tôi là người không thông qua. Tuy nhiên, đó là do chưa hiểu biết về cộng đồng này. Việc này có lỗi của cơ quan truyền thông, của cơ quan quản lý và lỗi của cả tạo hoá.
 
Theo vị đại diện này, cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới muốn đạt được mục đích của mình thì cần phải đi từ nhận thức. Hơn 20 năm trước, HIV là một điều rất ghê gớm, khủng khiếp nhưng đến nay đã trở thành bình thường.
 
Ở đây truyền thông có lỗi, nhà hoạch định chính sách có lỗi và ngay cả những người đồng tính cũng có lỗi. Hơn ai hết chính người đồng tính, song tính, chuyển giới phải bảo vệ mình, đòi hỏi pháp luật phải thừa nhận mình.
 
“Các bạn hãy làm việc nhiều hơn để khẳng định tôi là ai, tôi có ích cho gia đình và xã hội, khi đó chắc chắn pháp luật sẽ cởi mở hơn”, vị này nói.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc