Người chiến sĩ An ninh trong chiến dịch đặc biệt

07:56, 25/04/2013
|

Thoạt gặp, ít ai nghĩ ông từng là một cán bộ an ninh kỳ cựu. Vóc người đậm thấp, mái tóc bạc lưa thưa dài trùm gáy, người ta dễ cho rằng ông liên quan đến mảng văn hóa nghệ thuật nhiều hơn. Đã sắp đạt ngưỡng "Bát thập đắc hy hỷ", 31 năm tuổi ngành với 40 năm tuổi Đảng, người ta vẫn thấy một Phan Giao tinh tường, lịch lãm, ngày ngày xe máy hơn chục cây số đi về, cống hiến cho đời kiến thức dịch thuật uyên thâm. Thực ra thì ở cái tuổi này rồi, ông đi làm thêm không phải vì tiền.

Hai ông bà đều cùng trong lực lượng Công an. Bà về hưu Thiếu tá vượt khung, ông về hưu cũng Thượng tá vượt khung, cấp Chuyên viên, con trai đã xây dựng gia đình, trưởng thành cả, dẫu không phải khá giả gì nhiều thì cũng không đến nỗi quá khó khăn. Nhưng ngồi yên ông không chịu được. Vốn liếng tiếng Đức tầm cỡ chuyên gia như ông mà bỏ đi thì thực phí quá. Vả lại, hàng ngày tiếp xúc cùng các đồng nghiệp trẻ, ông cũng thấy khỏe người ra.

Trong buổi giao lưu của Cuộc vận động Sưu tầm và Tuyên truyền Kỷ vật lịch sử Công an nhân dân mới đây, ông đã trao tặng nhiều kỷ vật có giá trị trong suốt quá trình hoạt động công tác của mình. Trong căn hộ tầng một của khu tập thể Cảnh sát bảo vệ đã cũ kỹ lắm, là người cán bộ An ninh duy nhất đã trực tiếp làm nhiệm vụ tuyệt mật trong Chiến dịch sản xuất tiền tại CHDC Đức (cũ) để phục vụ cho 2 lần đổi tiền của Nhà nước, vào các năm 1978 và 1985, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc thống nhất tiền tệ, giải quyết những vấn đề cấp bách về kinh tế, tài chính của Nhà nước CHXHCN Việt Nam suốt một thời kỳ khó khăn. Từng trang ký ức của người cựu chiến binh Công an ấy lại có dịp ùa về…

* * *

Tháng 8/1966, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) nhận tôi vào lực lượng sau một tuần chuẩn bị và cho sang CHDC Đức (Đông Đức) vừa học Trung cấp Kỹ thuật khoa học hình sự, vừa làm phiên dịch cho một đoàn cán bộ của lực lượng cùng học.

Năm 1972 về nước, tôi được phân công làm việc tại Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Cục K67. Đến năm 1977, tôi lại được cử sang Đông Đức công tác trong một nhiệm vụ đặc biệt. Chỉ khi sang đến bên kia, tôi mới biết mình sẽ được tham gia vào công việc gì. Và thực tế là nó bí mật cho đến gần 10 năm sau, tức là đến tháng 6/1986, công việc của tôi mới được hé lộ một phần. Công việc in tiền thực chất là một công việc chuyên môn. Lực lượng an ninh ta chỉ đảm trách công tác đàm phán vận chuyển, công tác liên lạc cũng như đảm bảo an ninh, bảo mật. Nói thế, nhưng cũng là vô khối việc rồi.

Chiến dịch nhờ nước bạn Đông Đức in, đúc tiền cho ta, tiền xu và tiền giấy, thực ra bắt đầu từ năm 1976. Khi sang năm 1977, đến 1979, tôi làm việc với tư cách phiên dịch duy nhất cho một đồng chí Trưởng phòng thuộc Cục Bảo vệ kinh tế, sau là Cục An ninh kinh tế. Khi ấy ở nhà, đổi tiền lần thứ nhất trên toàn quốc diễn ra vào ngày 2/5/1978. Khỏi phải nói, công việc này khi ấy bí mật một cách ghê gớm. Đổi tiền mà để cho bên ngoài biết, thì coi như hỏng. Bởi thế, ngay cả việc tôi ra nước ngoài công tác, ở nhà vợ con cũng không được biết cụ thể là làm công việc gì.

Đến cuối năm 1979, đồng chí Trưởng phòng nghỉ hưu. Cấp trên quyết định tôi là chuyên viên duy nhất làm việc với bạn mà không cử thêm bất cứ cán bộ nào của ta tham gia nữa. Phải là người trong hoàn cảnh mới hiểu rõ quyết định này có tầm quan trọng như thế nào.

Tôi đã ý thức vô cùng về sự tin tưởng của lãnh đạo Bộ Công an lúc bấy giờ khi giao cho một mình tôi đảm trách nhiệm vụ ấy. Và càng ý thức bao nhiêu tôi càng lo lắng bấy nhiêu, bởi nhiệm vụ ấy thực quá nặng nề. Khi đó ta đang có khoảng 200 công nhân được tuyển lựa kỹ càng cho công việc này ở hai nhà máy, một ở Berlin đúc tiền kim khí, một ở Leipzig in tiền giấy. Hai thành phố cách nhau khoảng 150km và tôi phải cùng với an ninh bạn đảm bảo an toàn tuyệt đối cũng như mọi công tác bảo mật khác.

Đến đầu những năm 80, ở trong nước chúng ta bắt đầu in được tiền giấy mệnh giá nhỏ thay thế cho tiền xu, nên việc dập tiền xu ở Berlin mới thôi. Trong suốt gần 10 năm từ khi chiến dịch bắt đầu đến khi kết thúc vào tháng 3/1986, công nhân có thể được đổi ca, chỉ riêng cán bộ an ninh thì vẫn vậy.

Thời gian đầu tôi phải đi lại giữa hai thành phố như con thoi. Và trên hết, là công tác bảo mật. Bảo mật cho ngần ấy con người đã khó, bảo mật cho chính mình lại càng khó hơn. Và, bằng chứng của sự tin tưởng ấy, chính là việc lãnh đạo Bộ Công an vẫn chỉ tin cậy duy trì duy nhất một mình tôi trong suốt ngần ấy năm.

Hồi đó, ở nhà cuộc sống có những khó khăn nhất định. Còn tôi, khi sang bên ấy, những năm đầu bạn bố trí cho 2 căn hộ riêng biệt ở mỗi thành phố công tác. Điều kiện sống tuy không quá sung túc, nhưng thực là cũng có phần thoải mái. Tuy nhiên, công việc thì rất nghiêm ngặt. Tôi là người từng học tập ở Đông Đức, bên ấy có rất nhiều bạn. Nhưng bởi yêu cầu công việc, trong cả quãng thời gian ấy tôi hầu như không được phép giao lưu với bất cứ ai. Thậm chí, có những lần ra khỏi nhà chạm trán người quen, đều phải nói dối rằng chỉ sang công tác vài ngày rồi về, để tránh gặp gỡ.

Tiền giấy được in về theo series đặt hàng của ta. Tiền in ra thông thường được đóng thành kiện, xếp trong thùng gỗ kín, có đai sắt xung quanh. Bên ngoài mỗi kiện nhỏ đều ghi series đầu cuối tiện cho việc bàn giao. Các kiện nhỏ lại được xếp với nhau trong từng thùng gỗ lớn cỡ chừng 1,5 đến 2 khối. Mỗi thùng "hàng" lớn như thế nặng ước chừng 1 tấn. Thông thường mỗi chuyến hàng mang về Việt Nam lúc bấy giờ vào khoảng 10 đến 12 tấn. Tôi thường đi theo áp tải các chuyến hàng bằng đường không. Còn các chuyến đi bằng đường biển thường do an ninh phía bạn đảm trách.

Hàng đi bằng đường hàng không bấy giờ chủ yếu về sân bay Nội Bài. Còn hàng đi bằng đường biển thì về các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM và vào neo trong vịnh Tàu đắm (gần hòn Con Cóc và làng chài Cửa Vạn bây giờ - PV) ở Quảng Ninh. Riêng những chuyến hàng về Quảng Ninh, ta đều phải điều tàu Hải quân ra chuyển hàng.

Về cơ bản, mọi việc cứ theo quy trình như thế. Nhưng cũng có lần tôi buộc phải một mình đi chuyên cơ riêng của phía bạn để vận chuyển hàng về bởi nhu cầu tiền mặt trong nước quá gấp, ở bên nhà không kịp điều cán bộ ngành ngân hàng sang để cùng áp tải về. Một trong những lần tôi nhớ nhất là vào khoảng cuối năm 1979, đầu năm 1980.

Thời điểm ấy, thông tin ở nhà đưa sang cho biết đang thiếu tiền mặt trầm trọng. Vốn người Đức làm việc rất có kế hoạch. Ví dụ như sang năm, ta định đặt bạn in bao nhiêu tiền, thì số lượng phải thống nhất từ giữa năm trước đó, tức là cách đó ít nhất từ 6 đến 8 tháng. Bởi vì kế hoạch sản xuất còn phải liên quan đến nhân công, đến vật liệu, vật tư sản xuất, máy móc nhà xưởng. Và cũng bởi vì bạn không chỉ in tiền cho riêng ta, mà bạn còn in tiền cho nhiều nước khác (Thời điểm ấy mặc dù mình trực tiếp đi in tiền nhưng quả thực cũng không biết bạn còn in tiền cho ai nữa bởi với mọi quốc gia, vấn đề này là vô cùng bí mật). Nhưng ta thì không. Cả quãng thời gian 8 - 9 năm ở bên ấy, tôi nhớ gần như năm nào ta cũng bị "vỡ kế hoạch", phải yêu cầu bạn in thêm để đáp ứng yêu cầu.

Tiền in xong chỉ mình tôi cùng phi hành đoàn bạn 8 người, 2 tiếp viên đều là cán bộ an ninh bạn đi chuyên cơ về nước. Hơn 20 tiếng đồng hồ trên máy bay, tôi có nhiệm vụ ngồi trước hơn chục tấn tiền, ăn trước đống tiền, ngủ trước đống tiền, chỉ mong sao cho hàng sớm được bàn giao… Cũng như mọi lần khác, hàng về Việt Nam đủ, đúng hẹn và an toàn. Hôm ấy máy bay xuống Nội Bài gần 7 giờ tối. Làm các thủ tục bàn giao xong tôi về đến nhà là 11 giờ đêm.

Theo đúng hẹn, 8 giờ sáng tôi lại phải có mặt ở sân bay để bay về Berlin. Bởi đi chuyên cơ không như máy bay thường, không phận đăng ký là không phận ưu tiên, người ta cấm hết máy bay khác, nên buộc phải đúng giờ. Từ nội thành đi sang sân bay chỉ có duy nhất một cây cầu Long Biên, nếu chẳng may tắc đường hay xe có trục trặc thì thật không có cách nào. Thế là để đề phòng mọi bất trắc, 3 giờ sáng tôi đã phải lên đường sang sân bay. Gần một năm trời đi công tác xa nhà, về nhà với vợ và con trai 5 tuổi chỉ chưa đầy 5 tiếng đồng hồ là lại phải xách vali đi luôn.

Cho đến bây giờ tôi vẫn phải khẳng định rằng hồi ấy, bạn đã giúp đỡ ta hết mức, đúng tinh thần xã hội chủ nghĩa anh em. Không chỉ chuyện "chiều" ta những lần “vỡ kế hoạch” mà ngay cả chi phí in tiền của ta bạn cũng tạo điều kiện tối đa. Đất nước ta mới giải phóng, kinh tế hết sức khó khăn. Ngoại tệ ta có, nhưng không nhiều, và phải để dùng vào việc khác cũng quan trọng không kém.

Thế rồi qua đàm phán, bạn đồng ý cho ta một khối lượng lớn hàng đổi hàng. Nghĩa là mọi chi phí in ấn, vật tư, tiền trả cho chuyên gia… được bạn tính toán và cho phía Việt Nam được thanh toán bằng… dưa chuột bao tử muối, dứa đóng hộp, cà phê và một số loại nông sản có thể chế biến thành đồ hộp khác. Trên thế giới này chắc có lẽ chỉ có Việt Nam trả công in tiền như thế mà thôi!

Tôi còn nhớ, mỗi lần vào siêu thị bên ấy, thấy tràn ngập dưa chuột bao tử muối đóng hộp, dứa hộp. Chúng tôi cũng được ăn rất nhiều các loại đồ hộp từ chính Việt Nam đưa sang mà thời điểm ấy nhiều khi ở nhà, có được một hộp mà ăn không phải dễ. Nhìn những quầy dưa chuột muối, dứa hộp xếp chồng chất rất ngon mắt, bản thân biết rõ nguồn gốc mà thấy mừng cho ở nhà...

* * *

Câu chuyện của người “cựu chiến binh” Công an không mấy khi nhắc đến người ở nhà, nhưng để có được chiến công ấy là cả một sự hy sinh thầm lặng của người vợ tần tảo sớm hôm một mình nuôi con cho ông yên tâm công tác. Sau này còn có người biết việc còn trách ông sao… "dại" thế? Có điều kiện một năm vài ba lần đi về như thế, thậm chí là một mình một chuyên cơ mà không tranh thủ làm kinh tế cho vợ con đỡ khổ.

Thời ấy người sang Đông Đức thường mang vàng, đôla hoặc quần bò bán rất được giá, rồi đem về phụ tùng xe đạp, xe máy, giấy ảnh hoặc xe đạp nguyên chiếc, xe máy simson nguyên chiếc. Nhưng ông bảo, hoàn cảnh mỗi người một khác. Cấp trên tin tưởng mình, giao cho mình trọng trách ấy mà lại lợi dụng thì còn ra gì? Của đáng tội, tiền thì ai không thích? Nhưng không phải đánh đổi bằng mọi giá được!

Ông bảo, hơn nữa, quả thực gia cảnh cán bộ thời ấy thì đâu có dư giả mà có tiền đi buôn? Cũng vài lần ông nghe lời người ta mang được ít phụ tùng xe đạp, xe máy, giấy ảnh về. Cũng có tiền ngay. Nhưng rồi thay vì tính cách mang hàng sang, ông lại chỉ chăm chăm nghĩ đến chuyện đi tìm mua đồ thủ công mỹ nghệ hay bánh đa nem, thực phẩm khô sang làm quà, chiêu đãi bạn.

Rồi thì ông mang sách sang. Ở bên ấy ngần ấy thời gian, hạn chế giao lưu đi lại, không đọc sách làm sao chịu được? Đến khi về, người ta tranh thủ mang đồ về thì ông lại cũng chỉ nghĩ đến chuyện mang sách về. Chẳng có ai đi nước ngoài như ông, khi về mang cả một vali sách. Nước Đức là cái nôi của văn hóa, khoa học kỹ thuật của châu Âu. Ông bảo mình ở giữa cái nôi ấy, mà không hấp thu được một phần tinh hoa của người ta, thì thật phí quá? Ông chỉ cho tôi xem, tủ sách nhà ông rất nhiều sách tiếng Đức, trong đó có nguyên một bộ Bách khoa toàn thư bằng tiếng Đức…

Năm 1986, kết thúc Chiến dịch sản xuất tiền cho Việt Nam, ông về nước và công tác tại Cục Kỹ thuật nghiệp vụ II. Với vốn ngoại ngữ của mình, ông lại cống hiến cho đơn vị, cho lực lượng những cuốn sách nghiệp vụ, tài liệu chuyên ngành rất có giá trị.

Ông bảo, giàu nghèo nó là cái số. Có người bảo sao có điều kiện như thế mà không giàu, thì nếu bây giờ cho làm lại, ông vẫn sẽ làm như thế thôi. Con người ta sống nhân văn, cốt cách nó phải tự nhiên là vậy. Tài sản lớn nhất của đời mình mà ông để lại là tinh thần hăng say lao động, sống đúng mực để cho con cháu nhìn vào đấy mà tự hào, mà phấn đấu. Chứ của cải, biết bao nhiêu là đủ?


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc